Thứ 2, 25/11/2024, 10:28[GMT+7]

Tập trung sản xuất vụ mùa

Thứ 2, 16/07/2018 | 08:38:39
1,721 lượt xem
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 79.500ha, trong đó nhóm lúa chất lượng cao chiếm 25 - 30% diện tích, nhóm lúa năng suất cao, chịu thâm canh chiếm 70 - 75% diện tích. Để hoàn thành kế hoạch gieo cấy, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang chỉ đạo, đôn đốc nông dân tập trung gieo cấy nhanh, đúng cơ cấu giống, lịch thời vụ, phấn đấu kết thúc gieo cấy trước ngày 20/7.

Nông dân Vũ Thư chăm sóc lúa mùa.

Những ngày qua, thời tiết tương đối thuận lợi nên nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực huy động nhân lực, phương tiện xuống đồng làm đất, gieo cấy lúa mùa. 

Ông Nguyễn Văn Đại, xã Nam Cao (Kiến Xương) cho biết: Vụ mùa này gia đình tôi cấy gần 1 mẫu ruộng. Để bảo đảm thời vụ tôi phải huy động thêm người, buổi sáng cấy từ 4 giờ, tối 8 giờ mới ở đồng về. Với 4 nhân lực, vừa nhổ mạ vừa cấy, sau 3 ngày gia đình tôi đã cấy xong, đang tiến hành chăm bón, phòng, trừ chuột, ốc bươu vàng gây hại lúa.

Ông Phạm Văn Đoàn, chủ máy cấy xã Đông Động (Đông Hưng) cho biết: Tôi mua máy cấy Kubota được 3 năm nay, phục vụ bà con từ khâu giống, gieo mạ khay và cấy, trọn gói là 250.000 đồng/sào. Thời gian gieo cấy vụ mùa ngắn, những ngày qua, tranh thủ thời tiết bớt oi nóng, tôi ra đồng từ 4 - 5 giờ sáng, buổi tối cấy đến 7 giờ, trung bình mỗi ngày máy cấy được khoảng 4 mẫu. Đến nay cơ bản hoàn thành diện tích gieo cấy mà tôi đã nhận.

Đến nay, huyện Đông Hưng cơ bản hoàn thành gieo cấy, nông dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa mùa. 

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Nhờ sự chỉ đạo sâu sát ngay từ đầu vụ của huyện, xã cùng sự tích cực của nông dân, đến ngày 12/7 toàn huyện đã gieo cấy được 95% diện tích. Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung chăm sóc, bón phân cho diện tích lúa trà sớm chưa được chăm bón theo phương châm “nặng đầu nhẹ cuối”. Tiến hành phun thuốc phòng, trừ rầy cho diện tích lúa gieo thẳng, lúa trà sớm theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Do sản xuất vụ mùa thường gặp mưa bão, úng và đây cũng là thời gian có lượng mưa lớn, tập trung trong năm, vì vậy huyện cũng chỉ đạo các địa phương chuẩn bị giống dự phòng, có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.

Vụ mùa thời tiết thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sản, phát triển. Vì thế, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, nông dân các địa phương cũng đang tập trung mọi biện pháp phòng, trừ. 

Bà Phạm Thị Dung, thôn Đồng Vinh, xã Vũ Vinh (Vũ Thư) cho biết: Gia đình tôi đã hoàn thành gieo cấy trên 1 mẫu ruộng từ 2 ngày nay, hiện đang tập trung bón phân, tỉa dặm cho lúa. Mặc dù trước khi cấy, tôi đã bắt ốc bươu vàng, diệt trứng mé bờ tuy nhiên do ốc sinh sản nhanh, số lượng lớn nên vẫn còn trên đồng ruộng nhiều. Sử dụng thuốc để phun diệt nhưng do mảnh ruộng to, không thể hoàn thành gieo cấy trong một buổi nên chưa phun được thuốc diệt ốc, cấy đến đâu ốc cắn cây lúa đến đó. Mảnh ruộng 3 sào mà tôi phải dặm hết hơn 30 bó mạ. Từ mấy vụ gần đây, ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ cao, nhiều ốc nhỏ nên khó bắt bằng phương pháp thủ công. Do không tổ chức diệt trừ đồng loạt nên sử dụng thuốc cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo tổng hợp, đến ngày 12/7 một số huyện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa mùa như Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, các địa phương còn lại đang tập trung nhân lực, phương tiện, phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 20/7.

"Với tiến độ gieo cấy như hiện nay, dự kiến lúa mùa sẽ được gieo cấy đúng khung thời vụ khuyến cáo. Để giành thắng lợi trong vụ mùa, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung gieo cấy đúng khung thời vụ, tiến hành chăm sóc, tỉa dặm lúa trà sớm. Sử dụng các loại phân bón đã được công nhận lưu hành, bảo đảm hiệu quả theo nguyên tắc: đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón; sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh để tránh ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn. Bón cân đối đạm, lân, kali với phương châm “bón lót sâu, bón thúc sớm”. Điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của lúa với phương châm tưới “nông - lộ - phơi”, đặc biệt chú ý công tác phòng, chống úng nội đồng và chuẩn bị đủ lượng thóc giống dự phòng."

(Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chi cục trưởngChi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)


Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày