Thứ 6, 10/01/2025, 05:00[GMT+7]

Kiểm tra sản xuất nông nghiệp ở huyện Tiền Hải

Thứ 3, 24/07/2018 | 14:30:58
1,628 lượt xem
Sáng ngày 24/7, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Tiền Hải. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra diện tích lúa bị ngập úng ở xã Tây Lương (Tiền Hải).

Vụ mùa năm 2018, huyện Tiền Hải phấn đấu gieo cấy với tổng diện tích 10.300ha. Đến nay, diện tích lúa đã gieo cấy toàn huyện đạt 7.300ha. Do ảnh hưởng liên tiếp của áp thấp nhiệt đới từ ngày 12/7 và hoàn lưu bão số 3 (ngày 18, 19/7) gây mưa lớn kéo dài đã làm cho khoảng 1.300ha lúa mùa của huyện bị ngập nước, trong đó khoảng 500ha tập trung chủ yếu ở các xã Tây An, Tây Lương và Vũ Lăng bị ngập trắng không có khả năng khắc phục. 

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cống Khổng (xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải).

Qua kiểm tra thực tế tại các xã: Tây Lương, Đông Xuyên, Nam Thịnh và cống Khổng (Nam Hưng), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Tiền Hải tổ chức thống kê, rà soát diện tích lúa bị ngập úng; phân công cán bộ trực tiếp xuống đôn đốc cơ sở; hệ thống nông giang và nông dân các địa phương có diện tích lúa bị ngập úng khẩn trương tiêu thoát nước kịp thời, tiêu cạn nước đệm các kênh mương trục chính và nội đồng, tổ chức kẻ nước bao quanh đồng; đẩy nhanh tiến độ gieo cấy trên diện tích còn lại và những diện tích bị úng lụt không thể khắc phục được bằng hình thức gieo sạ hoặc mạ dự phòng, lúa được tỉa từ các ruộng gieo, cấy dày không bị ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài. 

Nông dân xã Đông Xuyên (Tiền Hải) tỉa dặm lại diện tích lúa mùa mới cấy.

Đối với diện tích lúa không bị ảnh hưởng hoặc ít bị ảnh hưởng của mưa úng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Tiền Hải chỉ đạo các địa phương giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh thuận lợi, diện tích chưa được bón phân thúc cần khẩn trương bón thúc ngay theo quy trình của từng giống sau khi nước rút và khi cây lúa đẻ nhánh với quan điểm bón cân đối NPK, tăng cường Kali để hạn chế bệnh bạc lá phát sinh và gây hại; đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại, bảo vệ an toàn diện tích lúa mùa đã cấy.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày