Chủ nhật, 22/12/2024, 18:18[GMT+7]

Tìm danh phận cho chồng

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:32:07
4,857 lượt xem
Theo giấy báo tử số 4964/KB-TB ngày 1/8/1970 của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, ông Vũ Đắc Roanh ở thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên (Thái Thụy), sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1967, hy sinh ngày 3/10/1969 tại mặt trận phía Nam. Thi hài được an táng tại nghĩa trang của đơn vị. Nhưng ông Roanh không hy sinh mà đầu năm 2017 ông trở về quê hương trong sự vui mừng của người thân và bà con làng xóm. Ông Roanh trở về nhưng danh phận của ông chưa được đơn vị cũ và cơ quan chức năng chứng minh đầy đủ.

Bà Ngô Thị Minh Ngọc, vợ “liệt sĩ” Vũ Đắc Roanh.

Niềm vui khi liệt sĩ Vũ Đắc Roanh trở về

Ngày 5/3/2017, bà Vũ Thị Vê, thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên (Thái Thụy) có đơn gửi cơ quan chức năng xin xác nhận trường hợp anh trai của bà là liệt sĩ Vũ Đắc Roanh còn sống trở về. 

Trong đơn bà trình bày: Ngày 23/2/2017 có cháu Vũ Xuân Huy, sinh năm 1986 là con trai của anh tôi là Vũ Đắc Roanh từ thành phố Đà Nẵng về tỉnh Thái Bình tìm tung tích quê hương của bố và gia đình. Sau khi tiếp nhận thông tin, tôi và con trai là Vũ Văn Định đã trực tiếp vào Đà Nẵng để xác minh và khẳng định anh trai tôi là Vũ Đắc Roanh còn sống, đã có vợ cùng hai con hiện đang cư trú ở lốc nhà B, phòng 101, khu chung cư Nam Cầu Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Anh trai tôi nhiều năm mất trí nhớ do bị thương trong chiến đấu, hiện đang bị tai biến nặng. Vợ anh Roanh là chị Ngô Thị Minh Ngọc 70 tuổi, chị Ngọc bị tật nguyền bẩm sinh, liệt hai chân, con gái đầu của anh chị tôi Vũ Thị Tú Anh 35 tuổi đã đi xây dựng gia đình, con trai Vũ Xuân Huy 32 tuổi đang ở cùng bố mẹ. Bà Vũ Thị Vê đề nghị cơ quan chức năng xác nhận việc ông Roanh còn sống trở về là đúng. 

Những ngày tháng ấy gia đình, dòng tộc họ Vũ thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, bà con xóm giềng cùng chia vui sau 50 năm nhập ngũ và 47 năm là liệt sĩ ông Vũ Đắc Roanh trở về. Gia đình bà Vũ Thị Vê cũng đã trả lại bằng Tổ quốc ghi công “liệt sĩ” Vũ Đắc Roanh cho cơ quan chức năng. UBND xã Thái Xuyên và cơ quan chức năng của huyện Thái Thụy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thủ tục cần thiết cắt trợ cấp tiền thờ cúng liệt sĩ Vũ Đắc Roanh với bà Vũ Thị Vê là em gái của liệt sĩ. Đồng thời, tại Công văn số 1024/SLĐTBXH-NCC ngày 3/8/2017 do Phó Giám đốc Sở Phí Ngọc Thành ký gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đã Nẵng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, xem xét giải quyết chế độ đối với ông Vũ Đắc Roanh. Linh hoạt vận dụng giải quyết hậu quả chiến tranh. Ngày 26/4/2017, UBND xã Thái Xuyên cũng hoàn tất thủ tục nhập khẩu lại, rồi chuyển khẩu cho ông Vũ Đắc Roanh từ xã Thái Xuyên vào cư trú tại khu 3, phường Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, với lý do tiện cho việc làm các thủ tục tiếp theo bảo đảm quyền lợi cho ông Vũ Đắc Roanh tại Đà Nẵng nơi mà ngót 50 năm qua ông Roanh phiêu dạt ở đây.

Tôi chỉ ước mong danh phận anh Roanh sớm được sáng tỏ  

Không ai nghĩ một người đàn bà tật nguyền, bị bại liệt hai chân, đi lại phải dùng hai chiếc ghế đòn lết dưới đất lại cưu mang và làm vợ một người tâm thần suốt mấy chục năm. Một chuyện tình, chuyện đời xúc động. Bà là Ngô Thị Minh Ngọc nay đã ở tuổi 70, dẫu tật nguyền nhưng ánh mắt và nét người giàu lòng nhân ái. 

Bà Ngọc kể, trước khi làm vợ ông Roanh bà chỉ biết người dân ở đây gọi ông là Vũ Xuân Hồng, từng đi bộ đội, rồi bị thương dẫn đến mất trí nhớ nên không biết quê quán ở đâu, cha, mẹ,  anh chị em còn hay mất. Cũng vì mất trí nhớ nên ông Hồng cũng không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Trước năm 1982, ông Roanh (Hồng) đã có vợ là bà Bùi Thị Luyến. Bà Luyến hơn ông Roanh (Hồng) tới 7 tuổi và cũng đã có hai người con nhưng do thần kinh không bình thường mỗi lần lên cơn ông Roanh cứ bà Luyến mà đánh. Bà Luyến và các con không chịu đựng nổi nên đã cùng hai con bỏ ông Roanh đi biệt tăm. Ông Roanh trở thành người lang thang, nơi góc phố xóm chợ, sống lắt lay... 

Thương lắm chú ạ, ngày ấy tôi cứ nghĩ ông Roanh đi lang thang lỡ lên cơn thần kinh đâm xuống sông, xuống hồ mà chết thì tội nghiệp lắm. Thế là tôi quyết định gần gũi, cưu mang, chứ đâu có yêu thương, vì tôi tật nguyền mà chú. Bà Ngọc nói trong rưng rưng nước mắt. 

Năm 1983, ông Vũ Đức Roanh và bà Ngô Thị Minh Ngọc nên duyên chồng vợ. Năm 1984, con gái đầu Vũ Thị Tú Anh ra đời, hai năm sau có thêm con trai Vũ Xuân Huy, cuộc sống của vợ chồng ông Roanh bà Ngọc tiếp tục trải qua những tháng năm đầy gian khó. Bà Ngọc sống bằng trợ cấp xã hội mỗi tháng 500.000 đồng, ông Roanh khi tỉnh có đi làm thuê, làm mướn nhưng chẳng đáng là bao và cay nghiệt hơn vẫn là những lần thần kinh bất ổn, vẫn là những trận đòn không thương tiếc ông Roanh trút lên đầu, lên người người phụ nữ tật nguyền đáng thương, đáng trọng. Mỗi trận mưa đòn, bà Ngọc lại nghiến răng chịu đựng hoặc là hô hét để láng giềng đến can ngăn. 34 năm làm vợ ông Roanh, mỗi lần ông Roanh tỉnh táo bà Ngọc gợi hỏi về quê hương, bản quán, về cha mẹ nhưng ông Roanh không nhớ được gì hết, chỉ thỉnh thoảng nói được câu “đánh nhau, Ba Tơ, Quảng Ngãi rồi ông cười vô thức”. 

Cuối năm 2016, trong một lần vấp ngã ông Roanh bị liệt phải nằm một chỗ nhưng sau lần vấp ngã đó ông bật nhớ ra tên cha là Vũ Đức Vần, mẹ là Vũ Thị Nhuốm, em gái là Vũ Thị Vê, quê thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy. Từ manh mối này ước nguyện tìm quê hương, bản quán cho chồng và quê nội của các con của bà Ngọc mới được thực hiện. 

Sau tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 người con trai Vũ Xuân Huy tìm đường về xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy và sau đó là cuộc gặp gỡ trùng phùng của đại gia đình họ Vũ ở thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên. “Liệt sĩ” Vũ Đắc Roanh sau gần nửa thế kỷ là liệt sĩ trở về quê hương. Người sung sướng nhất là bà Ngô Thị Minh Ngọc đã thực hiện ước vọng tìm thấy quê cha đất tổ cho chồng, lối về quê nội cho các con. Sau diễn biến này, lý lịch của ông Vũ Đắc Roanh dần dần sáng rõ. 

Ông Vũ Đắc Roanh, sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1967, trước khi nhập ngũ ông Roanh là học sinh Trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Thái Bình và là học sinh học rất giỏi và có tài vẽ tranh, có thể vẽ được cả tem, phiếu thời bao cấp. Năm 1968, được bổ sung về Đại đội 2, Tiểu đoàn 40 đặc công, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5 cùng đồng đội chiến đấu trên tuyến đường giáp ranh từ Tây Bắc thành phố Quy Nhơn - Bình Định ra phía Tây Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Từ tháng 10/1968 đến tháng 1/1969, Vũ Đắc Roanh được đơn vị cho đi học lớp y tá do Sư đoàn 3 Sao Vàng mở, trên đường về đơn vị bị máy bay Mỹ ném bom trúng đội hình hành quân, nhiều cán bộ, chiến sĩ thương vong, Vũ Đắc Roanh bị thương trong trận ném bom của Mỹ được đưa về điều trị ở bệnh xá 70 của Sư đoàn. 

Người viết phóng sự này có được thông tin là do gặp được cựu chiến binh Mai Minh Đoan, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 40 đặc công, nguyên Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 280, Quân khu 5. Cựu chiến binh Mai Minh Đoan hiện cư trú tại tổ 28, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông Đoan còn cho biết khi Vũ Đắc Roanh bị thương phải đi điều trị, ông cùng với chính trị viên đại đội Lê Đình Như nay là Đại tá cựu chiến binh trú quán tại thôn Trần Phú, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến thăm. Sau đó đơn vị cơ động và không gặp lại Vũ Đắc Roanh cho mãi tới năm 2017 ông Mai Minh Đoan gặp lại chiến sĩ Vũ Đắc Roanh trong tình cảnh ông Roanh bị thần kinh và ốm nặng.

Lần trở về quê hương đầu tiên sau 50 năm nhập ngũ và sau 47 năm được báo tử là liệt sĩ và cũng là lần cuối cùng của ông Vũ Đắc Roanh. Ở lại quê hương ít ngày, tháng 7/2017 ông Roanh trở lại phòng 101, khu chung cư Nam Cầu Cẩm Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng sống với vợ con và đúng ngày 27/7/2017 ông Vũ Đắc Roanh trút hơi thở cuối cùng. 

“Chồng tôi chết nhưng chưa rõ danh phận”, bà Ngọc thốt lên, nức nở. Cuộc đời tôi với anh Roanh có hai ước vọng tìm quê cha đất tổ cho anh và các con tôi đã làm được. Tôi còn ước vọng cuối cùng là tìm thấy danh phận của anh. 

Mang nỗi trăn trở của người phụ nữ tật nguyền, 34 năm cưu mang, chịu đựng, gắn kết với ông Vũ Đức Roanh đến cơ quan chính sách Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, Thượng tá Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh và Trung tá Lương Đình Dư, phụ trách Ban Chính sách, nhận được sự đồng cảm của hai cán bộ. Thượng tá Nguyễn Ngọc Đông khẳng định ngay việc làm rõ danh phận và giải quyết chế độ, chính sách cho quân nhân Vũ Đắc Roanh phải là trách nhiệm của Quân khu 5, Sư đoàn 3 Sao Vàng giữ vai trò quan trọng, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng. 

Việc làm không được chậm trễ nữa, bởi câu chuyện về liệt sĩ Vũ Đắc Roanh sau 50 năm trở về đã nói lên tất cả. Bộ CHQS tỉnh Thái Bình đã quán triệt rất kỹ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”: “Dù chỉ một thông tin rất nhỏ về liệt sĩ cũng phải tập trung làm cho bằng được”. Bộ CHQS tỉnh Thái Bình đã có công văn gửi Sư đoàn 3 Sao Vàng đề nghị kiểm tra, xác minh và kết luận rõ trường hợp hy sinh và báo tử với quân nhân Vũ Đắc Roanh làm cơ sở để Bộ CHQS tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng và các cơ quan chức năng giải quyết chế độ, chính sách cho ông Vũ Đắc Roanh theo đúng quy định của nhà nước và như vậy ước vọng tìm danh phận cho chồng của bà Ngô Thị Minh Ngọc đã có lối ra. 

Khi bài phóng sự này được phát hành cũng là nén hương thơm thắp cho ngày giỗ đầu của ông Vũ Đắc Roanh.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)