Thứ 4, 13/11/2024, 05:22[GMT+7]

Nỗ lực thực hiện tốt việc chăm lo cho gia đình chính sách và người có công

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:38:10
987 lượt xem
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác chăm lo và giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao 200 triệu đồng hỗ trợ nâng cấp nghĩa trang An - Lễ - Lạc.

Phóng viên: Xin ông cho biết công tác chăm sóc và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua?

Ông Nguyễn Văn Bái: Công tác chăm sóc và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến to lớn của người có công trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Làm tốt chính sách đối với người có công sẽ góp phần vào sự ổn định xã hội, giữ vững thể chế tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, công tác người có công với cách mạng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Các chế độ, chính sách đối với người có công cơ bản đã được thực hiện bảo đảm đầy đủ, kịp thời. 

Tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (2013 - 2017), toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết chế độ cho trên 28.000 trường hợp hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân gồm: hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng 3.227 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền suy tôn 114 liệt sĩ, trong đó có 54 liệt sĩ giải quyết theo diện tồn đọng; 7.341 hồ sơ đề nghị xác nhận người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tiếp nhận giải quyết chế độ cho 239 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; xác nhận cho 364 người tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa tháng 8/1945; giải quyết trợ cấp tuất cho 3.713 thân nhân người có công; giải quyết trợ cấp thường xuyên cho 76 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày... 

Công tác chăm sóc đời sống, sức khỏe đối với người có công đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công. 5 năm qua đã thực hiện chế độ điều dưỡng cho 140.000 lượt người có công. Hàng năm đã tiến hành trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 7.500 người có công và thân nhân liệt sĩ; cấp thẻ BHYT cho 165.000 người có công và thân nhân. Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, toàn tỉnh có 25.830 hộ người có công nằm trong danh sách đề nghị hỗ trợ. Đến nay đã có 6.510 hộ người có công được hỗ trợ cải thiện nhà ở, trong đó xây mới 5.095 hộ, sửa chữa 1.415 hộ với tổng kinh phí trên 260 tỷ đồng.

Hàng năm, nhân dịp tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) đã tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, của huyện, thành phố, của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cho 95.000 người có công và thân nhân ngoài cộng đồng; 120 đối tượng người có công đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng người có công. Các đối tượng người có công ở nông thôn được giao ruộng đất thuận lợi để sản xuất, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm giúp đỡ về giống, vốn, công lao động, con liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn được hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh nhận đỡ đầu chăm sóc và được hưởng đầy đủ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, được hỗ trợ vay vốn tham gia xuất khẩu lao động. Tổng kinh phí trong 5 năm chi cho việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và công tác người có công trên 10.000 tỷ đồng.

Phóng viên: Công tác quản lý các công trình ghi công liệt sĩ và quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bái: Công tác tu bổ, tôn tạo các công trình ghi công, nghĩa trang liệt sĩ được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 206 công trình ghi công ơn liệt sĩ, trong đó có 99 nghĩa trang liệt sĩ quy tập 16.440 mộ liệt sĩ. Số mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin 12.510 mộ, mộ chưa biết tên liệt sĩ 3.063 mộ, mộ khuyết thông tin 78 mộ, mộ vọng 789 mộ; 100% mộ liệt sĩ được xây dựng bằng vật liệu cứng bền vững, nhiều công trình ghi công ơn liệt sĩ đã trở thành công trình lịch sử văn hóa như: Đền thờ Liệt sĩ tỉnh; Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đông Hưng; Đền thờ Liệt sĩ huyện Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương... có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng trong thế hệ trẻ hiện nay. Việc xây dựng, nâng cấp công trình ghi công ơn liệt sĩ, cùng với nguồn kinh phí của Trung ương được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ. Các địa phương đã huy động sự ủng hộ của doanh nghiệp, nhà tài trợ để xây mới 30 công trình, tu sửa nâng cấp 65 công trình ghi công liệt sĩ.

Việc di chuyển hài cốt liệt sĩ về nguyên quán đã được thực hiện theo đúng quy định. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã thực hiện di chuyển 44 hài cốt liệt sĩ ra tỉnh ngoài và di chuyển từ tỉnh ngoài về 2.351 hài cốt liệt sĩ. Việc tiếp nhận hài cốt liệt sĩ do Đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ tìm kiếm cất bốc quy tập hài cốt liệt sĩ đã hy sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia về các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh cũng được thực hiện tận tình, chu đáo, được các đoàn công tác đánh giá cao. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và việc thực hiện đề án cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bước đầu đã đạt được hiệu quả thiết thực. 100% số mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đã được Bưu điện tỉnh cập nhật hình ảnh vào hệ thống thông tin dữ liệu điện tử về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, giúp cho việc tra cứu thông tin của thân nhân được thuận lợi. Hàng trăm mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ được lấy mẫu để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Năm 2017, Ban Chỉ đạo tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh đã quy tập được 25 hài cốt liệt sĩ thuộc Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 hy sinh trong trận chống càn Méc-quya, tháng 3/1952 trên địa bàn huyện Thái Thụy. Kết quả đó đã góp phần tạo lòng tin của nhân dân đối với chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phóng viên: Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hồ sơ và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và triển khai thực hiện. Ông có thể cho biết cụ thể về tính tiện ích cũng như hiệu quả của việc cập nhập thông tin, số hóa hồ sơ đến thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Bái: Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hồ sơ và giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã được UBND tỉnh nhất trí cho triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hồ sơ và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đến nay, dự án đã gần hoàn thành công đoạn số hóa 145.000 hồ sơ người có công. Đang trong giai đoạn cập nhật thông tin hồ sơ. Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đóng góp rất lớn cho việc cải tiến công tác lưu trữ hồ sơ, bảo quản, quản lý hồ sơ, trên cơ sở phân quyền khai thác sử dụng, người có công hoặc thân nhân có thể dễ dàng tra cứu các thông tin, tạo điều kiện cho việc giải quyết chế độ, chính sách được thuận tiện. Bên cạnh đó, việc sử dụng hồ sơ điện tử sẽ dần thay thế việc khai thác hồ sơ giấy, do vậy sẽ giúp cho việc bảo quản tốt các kho tài liệu giấy, chống lại khả năng bị mối mọt, mục nát, hư hỏng... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cũng như quản lý hành chính của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nhà.

Phóng viên: Kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), ông có thể cho biết một số hoạt động cụ thể của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội?

Ông Nguyễn Văn Bái: Kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt một số hoạt động trọng tâm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu những nội dung cơ bản về chế độ, chính sách đối với người có công; tuyên truyền về kết quả công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong toàn tỉnh; tuyên truyền và biểu dương gương người có công tiêu biểu trong các mặt hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công theo các văn bản của Đảng và Nhà nước, trong đó tập trung giải quyết các trường hợp đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng. Tham mưu cho UBND tỉnh tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (2013 - 2017) trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đó, đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện và kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Pháp lệnh. Từ đó đề xuất, kiến nghị hướng sửa đổi nhằm hoàn thiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 19/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Tích cực thực hiện đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân người có công. Triển khai các hoạt động thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh cho các đối tượng chính sách. Đồng thời, tổ chức nghi lễ dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh; Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia thuộc tỉnh Quảng trị và tỉnh Điện Biên; tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh. Tổ chức phát động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên phạm vi toàn tỉnh nhằm huy động nguồn lực ủng hộ cho các phong trào, hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Cơ bản hoàn thành việc rà soát, xử lý đối tượng lập hồ sơ hưởng chính sách đối với người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học theo các văn bản chỉ đạo bảo đảm khách quan, chính xác, theo các quy định chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời bảo đảm ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường

(thực hiện)