Thứ 5, 04/07/2024, 04:24[GMT+7]

Nhân rộng mô hình phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng

Thứ 2, 30/07/2018 | 09:11:05
855 lượt xem
Sau 2 mô hình thí điểm phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng triển khai tại Quỳnh Phụ, năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhân rộng thêm 5 mô hình tại các huyện Kiến Xương, Hưng Hà, Vũ Thư.

Phun thuốc phòng, chống dịch bệnh tại Đoan Hùng (Hưng Hà) - xã làm điểm mô hình phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng.

Công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế mà rất cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và của cả cộng đồng mới đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân càng cần được thực hiện một cách chủ động ngay từ cơ sở. Vì vậy, từ năm 2015 đến năm 2017, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ triển khai mô hình phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng tại hai xã An Ninh và An Đồng. Sau 3 năm thí điểm mô hình với sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên ngành thuộc Cục Y tế dự phòng, mô hình đã đạt nhiều kết quả thiết thực.

Ông Nguyễn Đức Cầu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ cho biết: Tại hai xã triển khai mô hình, trước đây công tác phòng, chống dịch bệnh thường thực hiện một cách thụ động. Từ khi triển khai mô hình, công tác phòng, chống dịch bệnh được sự quan tâm, chủ động vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, sự tham gia tích cực của đông đảo nhân dân. Cán bộ y tế cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về vai trò của việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Đến nay, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh được người dân chủ động thực hiện và thực hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, ngay tại gia đình, thôn xóm như tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong hoạt động phun hóa chất phòng dịch bệnh; giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng; thường xuyên tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy; thực hiện ăn chín uống sôi, ngủ màn và chú trọng vệ sinh tay bằng xà phòng, chủ động tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh... 

Trong 3 năm thí điểm, hai xã triển khai mô hình đều không xảy ra các dịch bệnh thường gặp như đau mắt đỏ, tay chân miệng, cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy...; ý thức của người dân về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng được nâng lên rõ rệt.

Không chỉ ở hai xã triển khai mô hình, trên toàn huyện Quỳnh Phụ, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được chú trọng từ khâu tuyên truyền đến tổ chức thực hiện. Vì vậy, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện luôn được giám sát, khống chế chặt chẽ. Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm giảm so với các huyện, thành phố trong tỉnh. 

Bác sĩ Phạm Hữu Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Sau 3 năm triển khai, cán bộ y tế cơ sở đều ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả mô hình và đề nghị nhân rộng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình hiện nay. Vì vậy, năm 2018, ngoài chỉ đạo tiếp tục duy trì bền vững hai mô hình phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng tại Quỳnh Phụ, Trung tâm phối hợp nhân rộng thêm 5 mô hình tại 5 xã có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao thuộc các huyện Kiến Xương, Hưng Hà, Vũ Thư. Các địa phương triển khai mô hình phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng được hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền về công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn giám sát, xác định sớm những yếu tố nguy cơ gây dịch bệnh trên địa bàn tránh để bùng phát. Đồng thời, triển khai một số hoạt động can thiệp giảm nguy cơ về bệnh dịch thực hiện tại cộng đồng. Đặc biệt, ở những xã triển khai mô hình, các nội dung phòng, chống dịch bệnh đều được đưa vào hoạt động thường kỳ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể.

 Đến nay, các địa phương triển khai mô hình đều đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng; phát động chiến dịch ra quân phòng, chống dịch bệnh tới toàn thể cán bộ, nhân dân; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm nhằm loại bỏ các nguy cơ gây bệnh và lan truyền dịch bệnh... Tất cả các hoạt động đều được thực hiện bài bản với nguồn lực chính là người dân, cán bộ y tế là hạt nhân hướng dẫn, cán bộ xã là người tổ chức, chỉ đạo.

Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Để phát huy hiệu quả mô hình phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng, sớm nhân rộng mô hình ra tất cả các huyện, thành phố, các xã trong toàn tỉnh, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, các địa phương thực hiện mô hình cần quyết tâm cao trong triển khai mô hình bảo đảm hiệu quả. Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và tổng thể với sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể mà nòng cốt là ngành Y tế cùng với sự tham gia chủ động, tích cực của cả cộng đồng.

Hà Dung 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày