Xây dựng phong cách diễn đạt của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng phong cách diễn đạt, coi đó là công cụ đắc lực không thể thiếu để tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng, củng cố niềm tin, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Phong cách diễn đạt trong nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn để lại những ấn tượng cho tất cả những ai từng được gặp cũng như đã đọc tác phẩm của Người. Trong giao tiếp, Người cũng để lại một phong cách ứng xử gần gũi, đời thường, từ đó, tạo thành sức cuốn hút mạnh mẽ đối với mọi người...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói và viết không đơn thuần là một hành động thông tin mà còn là quá trình tác động lên người nghe, người đọc, nhằm thuyết phục, cảm hóa, nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm và hành vi, hướng mọi người vào các hoạt động thực tiễn cách mạng phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội, của thời đại. Từ những bài nói, bài viết của Người, có thể thấy những nét chung, cơ bản nhất, đó là:
Thứ nhất, cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ thiên tài mà còn là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã viết hàng nghìn bài báo, bằng nhiều thứ tiếng Việt, Pháp, Nga, Trung... với nhiều bút danh khác nhau. Người đã có hơn 30 năm lao động, hoạt động, học tập ở nước ngoài nên rất am hiểu văn hóa và phong cách diễn đạt của ngôn ngữ phương Tây nhưng khi nói và viết trước đồng bào trong nước thì cách diễn đạt của Người lại rất Việt Nam. Đặc trưng nổi bật trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tính phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, mộc mạc, ngắn gọn, trong sáng, giản dị, khúc triết và dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Người luôn căn dặn chúng ta, bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nói, viết để làm gì? “Nói, viết cái gì?”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng”.
Thứ hai, trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm tính chân thực, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động. Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thực trong mỗi bài nói, bài viết của mình đối với từng đối tượng. Khi nói, viết về một vấn đề gì cho một đối tượng cụ thể, Hồ Chí Minh luôn phản ảnh đúng sự thật, bảo đảm tính chính xác, tính chân thực của các sự kiện, vấn đề mà Người nêu ra. Người phê phán tính thiếu chính xác, thiếu chân thực, thói giả dối khi viết, khi nói với quần chúng nhân dân của một số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và nhà nước lúc bấy giờ. Người yêu cầu: “Báo cáo phải thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Những thông tin trong bài nói, bài viết của Người luôn có tính xác thực cao, có nhiều số liệu thực tế. Người luôn chọn lọc từ ngữ trong quá trình sử dụng để sao cho “lời ít nhưng ý nhiều”, đặc biệt, Người ưu tiên lựa chọn và sử dụng những từ thuần Việt nhằm không ngừng làm trong sáng tiếng nói của dân tộc. Trong nhiều bài nói và bài viết trước đồng bào, đồng chí, Người thường trình bày thẳng vào vấn đề, chẳng hạn như: Vì sao chúng ta vào Đảng? Sau đó, Người trả lời và giải thích ngắn gọn rằng: Chúng ta vào Đảng là để hết lòng, hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên. Đây là nhiệm vụ rất to lớn và nặng nề. Hay như bài “Dân vận” Người cũng đặt vấn đề: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Cuối bài báo, Người kết luận: Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công...
Bác Hồ thường viết ngắn, có khi rất ngắn, nhưng lại rất cô đọng, hàm súc, lượng thông tin cao. Nhiều câu đúc kết lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, v.v... Người thường nhắc nhở và khuyên mọi người phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng. Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực, viết và nói cũng vậy. Chớ ham dùng chữ, bệnh sính chữ nước ngoài, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta.
Thứ ba, cách nói, cách viết sinh động, độc đáo, giàu hình ảnh. Trong thơ ca cũng như trong truyện và ký, trong những bài chính luận, người đọc, người nghe luôn cảm nhận được một trí tuệ tuyệt vời, chính vì lẽ đó mà chất thơ và những biện pháp thường dùng trong thơ văn của Người (như trùng điệp, hài thanh...) không chỉ bắt gặp trong Nhật ký trong tù mà còn thấy trong những lời kêu gọi... Còn khi nói với các tầng lớp nhân dân, hoặc viết những lá thư cho nhiều cá nhân thuộc đủ các thành phần, mọi lứa tuổi, Người lại dùng những lời bình dị, chứa đựng “muôn vàn tình thân yêu”, một tấm lòng nhân hậu bao la, thông qua ngôn từ mang tính gợi cảm cao như đồng bào, con rồng cháu tiên, dòng dõi tổ tiên ta, anh em ruột thịt, sum họp một nhà... để hướng quần chúng về cội nguồn nhằm tăng cường mối đoàn kết dân tộc...
Thứ tư, phong cách diễn đạt luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, luận điểm, luận cứ thuyết phục, dù đó là các bức thư, lời kêu gọi hay bài báo… Trong cách nói và viết, Người kết hợp hài hòa giữa dân gian và bác học, cổ điển và hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày và đối tượng hướng tới. Người quan niệm: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Khi đế quốc Mỹ mở rộng phạm vi ném bom ra miền Bắc và Hà Nội nhằm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ quyết tâm của cả dân tộc ta: “...Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Sự thuyết phục từ những trang viết, câu nói của Người thể hiện ở chiều sâu bình luận, phân tích, tập trung vào từng sự việc, hiện tượng với chứng cứ, luận cứ sắc sảo trên lập trường, quan điểm nhân đạo chủ nghĩa cao cả. Hồ Chí Minh đã kết hợp tới mức nhuần nhuyễn phi thường chủ nghĩa anh hùng với đầu óc sáng suốt, lòng yêu nước tuyệt vời và tinh thần cách mạng trong sáng, thái độ cứng rắn trước cuộc sống với lòng nhân đạo đối với con người.
Phong cách diễn đạt, nói và viết của Người đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần, trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe. Đây chính là những bài học quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên chúng ta. Bởi lẽ, phong cách diễn đạt nói và viết là vấn đề thường xuyên gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người, là hai kỹ năng quan trọng của con người. Muốn làm chủ quá trình tư duy và nâng cao hiệu quả giao tiếp, mỗi người chúng ta đều phải trau dồi khả năng nói và viết. Hơn nữa, đối với cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, kỹ năng nói và viết càng cần thiết hơn. Người lãnh đạo có ý tưởng tốt mà không làm cho quần chúng nhân dân hiểu được thì sẽ gặp khó khăn trong điều hành, quản lý, không triển khai được kế hoạch và không tạo được sức mạnh tập thể thực hiện kế hoạch trong thực tiễn. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, nếu không có kỹ năng diễn đạt thì công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương chính sách đó sẽ rất hạn chế.
Vì vậy, việc nghiên cứu học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng phong cách diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp đối với cán bộ, đảng viên là biện pháp thiết thực để vận dụng vào thực tiễn công tác và cuộc sống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn hiện nay.
Tin cùng chuyên mục
- Cách làm càng ghẹ rang me siêu ngon tại nhà 22.11.2024 | 19:07 PM
- Kiến Xương: Tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2024 22.11.2024 | 19:04 PM
- Thành phố: Tăng cường bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường 22.11.2024 | 19:06 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- VFF đặt mục tiêu giành 2 suất dự World Cup trong năm 2025 22.11.2024 | 17:10 PM
- Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá 22.11.2024 | 17:06 PM
- Hội nghị tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Giá năm 2023 22.11.2024 | 17:04 PM
- Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số 22.11.2024 | 16:14 PM
- Tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm trên không gian mạng 22.11.2024 | 16:14 PM
- Tập huấn cán bộ chủ chốt hội cựu chiến binh toàn tỉnh 22.11.2024 | 16:15 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh