Thứ 7, 23/11/2024, 01:41[GMT+7]

Khởi sắc nông thôn mới Thái Nguyên

Chủ nhật, 12/08/2018 | 05:36:21
1,017 lượt xem
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thu được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên.

Đường nội đồng được “cứng hóa” cùng chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Hiền Hòa)

Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái nguyên đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện. Theo đó, mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên là tập trung xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; Gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; Xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Môi trường sinh thái được bảo vệ; An ninh trật tự được giữ vững; Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Tìm hiểu được biết, năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thái Nguyên có tới 138/143 xã (96,5%) đạt dưới 10 tiêu chí, chỉ có 05/143 xã (3,5%) đạt từ 10 tiêu chí trở lên; thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 14,28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao (20,57%). Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến đầu năm 2018, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 68 xã, tương đương 47,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thái Nguyên hiện cũng là tỉnh có tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất vùng trung du miền núi phía Bắc; là một trong những địa phương sớm ban hành Bộ tiêu chí về xã “Nông thôn mới kiểu mẫu”, xóm “Nông thôn mới kiểu mẫu” và hộ gia đình nông thôn mới. Đặc biệt, cuối năm 2017, thành phố Thái Nguyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới.

Một điểm nổi bật của tỉnh Thái Nguyên đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực sự tạo “động lực” quan trọng trong phát triển kinh tế. Với trọng tâm là đẩy nhanh sản xuất, nông thôn mới đã tạo bước khởi sắc lớn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; trong đó hiệu quả lớn nhất chính là giúp người dân phát triển toàn diện đời sống, vừa tăng thu nhập vừa bảo đảm tốt hơn các điều kiện về văn hóa tinh thần…

Thực tế triển khai xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên cho thấy, thông qua các chương trình, dự án, mô hình… đã trực tiếp chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, nhất là khoa học và công nghệ cao vào phát triển sản xuất; khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương. Trên cơ sở đó, tại hầu hết các huyện, thành phố của Thái Nguyên đều đã bước đầu hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tại các mô hình này, người nông dân – những chủ thể xây dựng nông thôn mới đã được hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận và làm chủ các tiến bộ kỹ thuật giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập; đồng thời, sản phẩm tạo ra cũng được bảo đảm tiêu thụ ổn định về sản lượng, giá bán… Có thể kể đến nhiều mô hình đã khẳng định rõ hiệu quả trong thực tế như mô hình liên kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng tại xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã La Bằng (huyện Đại Từ), thị trấn Sông Cầu và xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ)…

Bên cạnh đó, trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, như: Hỗ trợ cho các xã điểm (giai đoạn 2013 - 2015) 2 tỷ đồng/xã, xã còn lại 600 triệu đồng/xã xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới. Từ 2012, mỗi năm, Tỉnh hỗ trợ từ 50.000 - 60.000 tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Hỗ trợ cho các mô hình phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ. Ban hành và thống nhất thực hiện các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình: Đường giao thông nông thôn; kênh mương thủy lợi; Nhà văn hóa xã, xóm; thủ tục, thanh quyết toán… Thực hiện đồng bộ Đề án 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”… Theo đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên đã tác động rất tích cực đến đời sống người dân nông thôn. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đã tăng từ 14,28 triệu đồng (năm 2010) lên 26,2 triệu đồng (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đặc biệt là ở các xã sớm “về đích” nông thôn mới. “Diện mạo nông thôn tại các địa phương trong tỉnh đã thực sự có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại cùng chương trình xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Đoàn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên cũng gặp phải không ít khó khăn như nguồn kinh phí bảo đảm cho chương trình còn thấp trong khi khả năng đóng góp của dân tương đối hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn tuy đã được đầu tư nhưng nhìn chung còn thiếu đồng bộ; số ít bà con còn có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của trên, thiếu cố gắng trong tham gia xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng; ngày càng đi vào chiều sâu với những hiệu quả bền vững, thiết thực. Được biết, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 70% số xã, tương đương 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch trước 1 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và ban ngành chức năng sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó nhằm khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại các địa phương; từ đó nâng cao kết quả xây dựng nông thôn mới và phát triển mọi mặt đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.

Theo: dangcongsan.vn