Thứ 7, 23/11/2024, 15:34[GMT+7]

Đạp sóng trùng dương

Thứ 2, 13/08/2018 | 10:59:53
1,619 lượt xem
Bùi Viện (1844 - 1878) quê làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương (nay là làng Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải) từng giữ chức Tham biện thương chính triều Tự Đức được các sử gia ghi nhận là nhà ngoại giao Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ khai mở mối quan hệ bang giao cho nước Việt thời nhà Nguyễn.

Từ đường Bùi Viện, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại làng Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải.

Ông đã hai lần đóng bè vượt đại dương đến Hoa Kỳ và sau gần một năm kiên gan chờ đợi, tự thân vận động ở đất Mỹ quyết gặp và tiếp kiến Tổng thống Grant của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với tham vọng xây dựng quan hệ đồng minh thương mại. Ngoài khả năng về ngoại giao, Bùi Viện còn là viên quan triều Nguyễn có tầm nhìn chiến lược về biển Đông.

Không phải đến thế kỷ XIX triều thần nhà Nguyễn mới nhìn thấy sự quan trọng của biển Đông mà ngay từ thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVII) Nguyễn Huệ đã chủ trương phát triển một lực lượng hải quân và hải quân thời Tây Sơn đã đạt được nhiều chiến công hiển hách, tiêu diệt nhiều chiến thuyền của hải tặc. 

Sách Đại Nam thực lục, chính biên, Đệ tứ kỷ VI chép năm 1870 - 1873 Doanh điền sứ Doãn Khuê (1813 - 1885), người làng Ngoại Lãng (Song Lãng, Vũ Thư nay) có mật tấu lên vua Tự Đức xin được tuyển dụng Bùi Viện về làm việc tại văn phòng Doanh điền sứ ở Tiền Hải nhằm mục đích tranh thủ sự giúp rập của ông về vấn đề thu nạp dân phiêu tán và phòng thủ trên biển cùng chiến lược phát triển kinh tế. 

Vốn là đồng hương lại có thực tài về kinh tế, đáp lại tình tri ngộ của Doãn Khuê, Bùi Viện đã về Tiền Hải và hăng hái mộ binh lính, dân phu ra sức đào sông tháo nước ra biển, vượt đất lên cao làm vườn. Chẳng lâu sau cả vùng ven biển từ Ninh Bình ra đến Hải Phòng, trong đó có biển Tiền Hải quê ông đã sầm uất, đường đi lối lại trên bộ, dưới nước thuận tiện cùng với cơ quan phòng thủ vững vàng bảo vệ trị an vùng biển nước nhà.

Bối cảnh lịch sử nước ta ở giữa thế kỷ XIX là một quốc gia hết sức lạc hậu. Công nghiệp gần như không có gì, tiểu thủ công nghiệp chỉ có nghề thủ công truyền thống tự sản, tự tiêu. Ngoại thương chưa có gì đáng kể, làm ruộng là chủ yếu. 

Sử thần Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam sử lược: “...thuở ấy tuy một tiền được bốn bát gạo mà vẫn có người chết đói vì rằng giá gạo thì rẻ nhưng kiếm được đồng tiền thật là khó... Nước nghèo dân khổ, lại phải lúc có nhiều tai biến, người ngoài vào xâm lược, triều đình ngơ ngác không biết xoay sở ra thế nào, lòng người ly tán, phân ra bè nọ đảng kia, giết hại lẫn nhau”. 

Sau khi ký hòa ước Giáp Tuất (1874) với thực dân Pháp, đánh mất lục tỉnh Nam Kỳ đáng lẽ nhà Nguyễn phải cấp thời cải cách để đề phòng những âm mưu kế tiếp của thực dân Pháp nhưng vua Tự Đức lại không nhìn ra được tình thế nguy nan của đất nước vẫn tin tưởng rằng có thể nhờ người Tàu sang giúp để chống trọi với người Pháp. Hàng ngày Tự Đức vẫn thu mình trong cung điện làm thơ xướng họa lấy cái hiếu nhỏ của người con làm trọng mà quên cái hiếu lớn với đất nước. Trong khi đó Bắc Kỳ lâm cảnh loạn lạc, giặc giã liên miên. 

Trong tờ biểu tâu lên vua Tự Đức, Bùi Viện viết: “Việc trị an ở ngoài bể (biển Đông), gần đây nước ta tin cậy vào công cuộc hải phòng của nước ngoài. Nhưng chống chọi với hàng muôn ngàn chiếc thuyền của giặc Tàu ô, chúng ta chỉ có vài chiếc tàu thủy vừa chậm chạp vừa nặng nề. Giữ được chỗ nọ thì hỏng chỗ kia, vài con voi địch với một đàn hổ, thế dù mạnh đến đâu cũng không thể che chở cho xiết được. Tàu thủy của ta lòng sâu bảy tám thước trong khi tàu giặc thì lòng chỉ ba bốn thước là cùng. Nếu gặp tàu thủy đi tuần thì giặc đã có một cách đối phó rất đơn giản và có hiệu lực vô cùng là chúng tránh tàu vào những chỗ bể nông, tàu ta không sao đến được mà bắn cũng không tới”. 

Bùi Viện khẳng định: “Thực ra từ khi đặt ra đến giờ, những đội quan phòng ở các đồn duyên hà không có ích gì cho nhà nước cả. Vì chức trách của họ là phải phòng ngừa giặc bể, mà giặc bể thì chỉ hoành hành ở ngoài khơi. Dù họ có biết đích là ngoài bể có giặc nữa cũng chỉ đến giương mắt mà nhìn chứ không có cách gì xoay trở”. 

Bùi Viện cho rằng đánh giặc phải đánh ngay từ ngoài bể, biến những đội Tuần Dương (theo nghĩa đi tuần) thành thủy quân chiến đấu, giảm thiểu trách nhiệm cho các đội quan phòng bằng cách giải ngũ những thành phần yếu đuối, già nua và chỉ giao cho họ nhiệm vụ tổ chức những hải cảng để “hỏi giấy thông hành những người ngoại quốc hoặc bản xứ qua lại các thương cảng”. 

Thuở cơ hàn, lúc hỏng thi ở Huế đã cho Bùi Viện một may mắn khi tập văn ở Quốc tử giám, ông được tế tửu (Hiệu trưởng) Võ Duy Thanh lưu tâm giúp đỡ giới thiệu ông với Lê Tuấn (1818 - 1874) một đại quan có uy tín của triều đình nhà Nguyễn. Tháng 4 năm 1871, Bùi Viện theo Lê Tuấn ra Bắc đánh dẹp giặc khách cờ đen, cờ vàng là dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc và lập được nhiều chiến công. 

Ông được tế tửu Võ Duy Thanh hậu thuẫn bằng một bản tấu lên vua: “Hình thế nước ta chỉ có chiều dài, không có chiều rộng. Trừ hai xứ Nam, Bắc Kỳ rộng hơn một chút, còn quãng giữa từ Thanh Hóa trở vào, từ Bình Thuận trở ra, mặt trông ra biển, lưng tựa vào núi rừng, mỗi tỉnh ở một đoạn. Nếu thốt nhiên tỉnh nào gặp biến, bị cắt đường giao thông, việc tiếp tế quân lương tức thì bị ngăn trở. Vả suốt từ Bắc đến Nam chạy dài theo mé biển, phỏng như có nước ngoài dòm nom, thì bất cứ chỗ nào họ cũng có thể lọt vào được. Như vậy, việc phòng giữ mặt biển rất quan trọng. Điều cần là phải kíp luyện tập thủy quân, hậu đãi binh lính và giao quyền hành cho các quan võ để họ có uy tín mà điều khiển…”. 

Đương nhiên Bùi Viện cũng tương đồng suy nghĩ với tế tửu Võ Duy Thanh và sự nghiệp của ông được ghi nhận là vì không chỉ dâng sớ đề nghị triều đình cải cách hải quân mà chính Bùi Viện đã đứng ra chịu trách nhiệm cải tổ hải quân, đồng thời thành lập một hạm đội có khả năng lưu động tác chiến để chứng minh những gì ông đề nghị.

Theo nhiều tài liệu khảo cứu, Bùi Viện đã thấu hiểu được tình hình ngân khố túng quẫn của triều đình Huế sau những chiến phí và bồi thường cho những nước thắng trận theo hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) và Giáp Tuất (1874). Hơn nữa giặc giã liên miên làm kho đụn trống rỗng. Việc xây dựng một hạm đội, dù là tuần dương hay phòng ngự đều đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Trong hoàn cảnh khó khăn đó Bùi Viện gần như phải tự xoay sở ngân kim để thực hiện thành công ước vọng của mình.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Dưới thời Tự Đức, nhiều sĩ phu ý thức được nhu cầu canh tân đất nước để tránh họa bị xâm lăng. Những người có tư tưởng và hành động tiên phong về canh tân đất nước như Bùi Viện ắt hẳn là những người từng có cơ hội sang nước Nhật hoặc Hương cảng. Lịch sử còn nhắc hơn 20 năm sau khi người Trung Hoa phải ký hòa ước Nam Kinh thì Phan Thanh Giản cùng sứ bộ triều Nguyễn sang Pháp đàm phán (1863), khi về Huế ông đã tâu lên vua Tự Đức những điều mắt thấy tai nghe. Ông cũng đồng thời xin canh tân đất nước cho kịp với nhiều nước nhưng đình thần cho là “tâng bốc người ngoại quốc và làm giảm uy thế triều đình” nên bỏ qua. Bùi Viện đã một thân một mình đóng bè vượt đại dương sang Mỹ cũng với tư tưởng ngoại giao mở rộng thương mại nhằm canh tân đất nước và tiếc thay đình thần triều Nguyễn lại một lần nữa bỏ qua.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Từ khi tuyên ngôn độc lập năm 1783, Hoa Kỳ đã tìm cách mở rộng bang giao và buôn bán với nhiều nước trên thế giới trong đó có An Nam (Việt Nam). Triều đình nhà Nguyễn đặt kinh đô tại Huế nhằm mục đích cân bằng hai đầu đất nước. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, kinh đô Huế nhỏ hẹp và thiếu tài nguyên, đất đai cằn cỗi, địa hình hiểm trở, không thuận tiện cho việc đi lại, chính vì thế khi đề ra dự án xây dựng một đội ngũ hải quân hùng mạnh Bùi Viện đã nhấn mạnh đến vai trò kinh tế trọng yếu của biển Đông.
 
Ông Bùi Ngọc Luật, hậu duệ đời thứ 12 Tham biện thương chính Bùi Viện, thôn Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải

Từ Mỹ trở về, cụ tôi đề xuất với vua Tự Đức tư tưởng canh tân đất nước táo bạo. Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã viết về cụ tôi: “Dọc đất, ngang trời trơ chí lớn”, chỉ tiếc cụ tôi mất sớm khi 29 tuổi trong khi cụ tôi đang ấp ủ ước vọng cải cách và trang bị cho lực lượng hải quân, tăng cường phòng vệ vùng biển, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội vùng biển.


Quang Viện