Thứ 4, 25/12/2024, 00:23[GMT+7]

Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Thứ 3, 14/08/2018 | 07:46:16
736 lượt xem
Sáng 13-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Dự lễ khai mạc, có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư. Ngoài ra, còn có các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng T.Ư; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; cùng các lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí; nguyên lãnh đạo và cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao; các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cán bộ chủ chốt từ các đơn vị của Bộ Ngoại giao và cán bộ làm công tác ngoại vụ của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đồng chí Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao chủ trì hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung, của ngành ngoại giao nói riêng.

Tổng Bí thư nêu rõ, với sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại của chúng ta trong gần ba năm qua, nhất là trong năm 2017, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước, đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại; tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, những kết quả nói trên đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng và các chủ trương liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng ta. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, bám sát yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kết hợp với yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả về song phương và đa phương. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tượng, đối tác; tăng cường hợp tác tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa Việt Nam với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư lưu ý, cần phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.

Tổng Bí thư khẳng định, trước đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ, cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, nhất là bản lĩnh chính trị. Cán bộ ngoại giao phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vướng vào tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bên phải) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đề nghị các đại biểu dự hội nghị bám sát những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chủ đề hội nghị, làm việc với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, tập trung huy động cao độ sức mạnh của trí tuệ tập thể, coi trọng tính tương tác và tư duy phản biện khoa học trong thảo luận.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Đây là dịp để chúng ta kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Thủ tướng khẳng định, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động rất nhanh và khó lường, trong khi đất nước đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh hội nhập sâu rộng. Bối cảnh đó đòi hỏi ngành ngoại giao phải tiếp tục nỗ lực, tận tâm, liên tục thích ứng; chủ động, sáng tạo trong tư duy, hiện đại trong cách làm, chú trọng tính hiệu quả để triển khai thắng lợi các chủ trương, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Tại phiên khai mạc, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại T.Ư Đảng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có các tham luận, trong đó nêu bật những thành tựu mà ngành ngoại giao đã đạt được, đánh giá cao công tác phối hợp giữa ngành ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại, đồng thời nêu biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên các trụ cột trong thời gian tới.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày