Thứ 5, 08/08/2024, 10:15[GMT+7]

Trở lại miền quê cách mạng

Thứ 5, 16/08/2018 | 08:29:46
2,792 lượt xem
Những ngày tháng tám lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Minh Tân (Kiến Xương) không chỉ là hậu phương vững chắc cho cách mạng mà còn trở thành hàng rào vững chắc bảo vệ an toàn cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh hoạt động trong kháng chiến. Truyền thống lịch sử vẻ vang đó đã và đang được cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây giữ gìn, phát huy, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đường vào trung tâm xã Minh Tân (Kiến Xương).

Ngồi trong đình làng Nguyệt Giám, ông Ngô Văn Nhân, người đã trải qua những giai đoạn gian khó của cách mạng, từng tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi kể cho chúng tôi nghe về một thời hào hùng: Minh Tân vốn là vùng quê cách mạng với nhiều chiến công hiển hách. Toàn xã có 8 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, mỗi di tích là một câu chuyện bi hùng thời kháng chiến. 

Chỉ tính riêng làng Nguyệt Giám trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã huy động trên 300 người tham gia chiến trường, chiếm trên 30% dân số của làng. Kháng chiến, chiến đấu gian khổ, khó khăn nhưng không có trường hợp nào đảo ngũ, phản bội chạy theo địch. Hầu hết các liệt sĩ của làng đều ở độ tuổi mười tám đôi mươi, rời ghế nhà trường là ra chiến trường. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX, cùng với chùa Nam Dương Liễu, tại đình làng Nguyệt Giám đã diễn ra tập kết binh sĩ của nghĩa quân Phan Bá Vành với 3.000 quân, ban đêm bí mật vượt sông Hồng, cởi trần đóng khố tập kích vào doanh trại địch. Vào tháng 3/1942, mật thám Pháp về đình làng tập trung vây bắt hơn 20 người hoạt động cách mạng đem bỏ tù. Những năm 1948 - 1949, quân Pháp thường xuyên đưa ca nô, tàu chiến bắn phá vào làng, tìm bắt cán bộ. Chỉ tính riêng 3 năm, từ 1950 đến 1952, chúng đã bắn đại bác trúng đình 5 lần nhưng đình làng vẫn đứng vững và là nơi tiếp tục diễn ra các cuộc họp quan trọng của làng. Đình làng cũng là nơi tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên, trở thành trụ sở chính của chính quyền cách mạng.

Nguyệt Giám là ngôi làng hiếm có của tỉnh bởi làng có 42 lão thành cách mạng, 75 liệt sĩ, 8 mẹ Việt Nam anh hùng, trên 40 thương binh, bệnh binh, gần 50 sĩ quan cấp tá trở lên. Tới nay, Nguyệt Giám có 3 anh hùng, trong đó 2 người được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, 1 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

Ông Ngô Văn Nhân tự hào: Nguyệt Giám còn không thua bất cứ nơi đâu về truyền thống khoa bảng, học vấn. Từ thời Cách mạng tháng Tám thành công, tất cả mọi người đều phải học chữ, để thôi thúc mọi người trong làng ai cũng biết chữ người dân đã làm một chiếc cổng chào đơn sơ trên đường ra chợ trong đó một bên là hố bẩn một bên là đường để mỗi người đi qua đều phải trả lời, nếu trả lời đúng được đi trên đường và trả lời sai phải đi xuống hố. Từ đó tới nay, các thế hệ con cháu trong làng đã phát huy truyền thống hiếu học, thành đạt và làm việc ở nhiều thành phố lớn trên cả nước.

Bà Phan Thị Nữ, Bí thư Chi bộ thôn Nguyệt Giám cho biết: Toàn thôn có 507 hộ, Chi bộ thôn có 84 đảng viên, trong đó 3 đảng viên được tặng huy hiệu 70 năm tuổi đảng, 68 đảng viên được tặng huy hiệu 30 năm tuổi đảng trở lên. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, hàng tháng Chi bộ đều thông tin tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh, triển khai công việc của Chi bộ trong đó chú trọng tới phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể. Mặc dù kinh tế của thôn chủ yếu là nông nghiệp song nhờ có sự linh hoạt trong phát triển kinh tế, lực lượng con em đi làm ăn xa lớn nên thu nhập, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ khá, giàu của thôn hiện nay chiếm trên 50%, chỉ còn 34 hộ nghèo.

Không chỉ Nguyệt Giám mà ở các ngôi đền như Hành Tại, Thanh Am, đền Nam, đền Đông, chùa Nam... cũng gắn nhiều với các chiến tích từ các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, Minh Tân như một miền đất cổ, có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống cách mạng. 

Ông Phan Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung xây dựng quê hương phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, bảo đảm tình hình chính trị ổn định, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới. Trên con đường phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã coi công tác chỉ đạo sản xuất là yếu tố đầu tiên quyết định thắng lợi, ra nghị quyết chỉ đạo một số vấn đề then chốt phù hợp với cuộc sống, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người dân trong lúc nông nhàn, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn... góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

Với truyền thống một vùng quê cách mạng, đến nay Minh Tân đã khoác lên mình tấm áo mới. Năm 2018 xã phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 323,65 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,68 triệu đồng.

Thu Thủy