Thứ 7, 04/01/2025, 03:56[GMT+7]

Lễ hội Pchum Ben ở Campuchia

Thứ 6, 17/08/2018 | 09:47:42
7,286 lượt xem
Nếu như Việt Nam có ngày lễ Vu Lan báo hiếu, đất nước láng giềng Campuchia có một ngày lễ mang ý nghĩa tương tự là lễ Pchum Ben. Hãy cùng khám phá những nét đặc sắc của ngày lễ này.

Tên gọi lễ hội Pchum Ben bắt nguồn từ một giai thoại Phật giáo được truyền lại qua nhiều thế hệ. Theo ngôn ngữ Khmer, Pchum có nghĩa là “một cuộc gặp gỡ”, còn Ben là “quả cầu" làm bằng thứ gì đó như các loại thực phẩm.

Lễ hội này diễn ra trong suốt 15 ngày của tháng 9 Dương lịch hàng năm, ứng với 15 ngày đầu tháng Pheakta Bot, tháng thứ 10 theo lịch Khmer. 

14 ngày đầu tiên của tháng Pheakta Bot được gọi là Kan Ben (quan sát lễ hội) và ngày thứ 15 được gọi là ngày Pchum Ben, là ngày chính hội. Đây cũng là ngày cuối cùng trong ba tháng an cư tịnh tu của chư tăng. 

Lễ hội Pchum Ben được diễn ra với nhiều ý nghĩa quan trọng đối với người dân Campuchia: một là xin sự tốt lành cho bản thân mình, thứ hai là xin sự bình an cho người thân và thứ ba là để bày tỏ lòng tôn kính trọng và biết ơn của mình đối với ông bà tổ tiên.

Trong mùa lễ hội, chư tăng thay phiên nhau tụng kinh bằng tiếng Pali liên tục không ngừng nghỉ suốt cả ngày và đêm để cầu nguyện và cứu độ những vong linh đã quá vãng. 

Trong các nghi thức tôn giáo được thực hiện trong ngày lễ, có một nghi thức gọi là “mở cửa địa ngục”, với ý niệm là cứu giúp những vong linh bị đọa đầy trong các địa ngục tạm thời thoát khỏi hình phạt trong mùa lễ hội.

Ngoài việc tụng kinh siêu độ vong linh, người dân Campuchia còn dâng phẩm vật lên cúng tổ tiên, ông bà đã quá vãng. 

Bên cạnh đó, một việc làm không thể bỏ qua trong mùa lễ hội Pchum Ben của người Campuchia đó là cúng dường phẩm vật lên chư tăng.

Để tổ chức lễ cúng dường chư tăng trong ngày Pchum Ben, người dân địa phương sẽ ăn vận thật đẹp, nô nức tới chùa với các món đồ ăn, hoa quả, bánh gạo nếp và quà cho các nhà sư được chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Sau khi lễ xong, các sư thầy trong chùa sẽ ban lời chúc tốt lành đến mỗi người. Lễ sẽ được hạ xuống và mọi người cùng ăn chung với nhau, cùng nhau cười nói thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau trong cuộc sống.

Ngoài ra, trong lễ hội này, người dân Campuchia còn giúp đỡ những người nghèo và người tàn tật... để tích góp công đức, và họ cũng tin rằng việc làm này sẽ giúp cho các linh hồn tổ tiên được siêu thoát.

Trong suốt mùa lễ hội còn có các nghệ sĩ trình diễn những điệu nhạc truyền thống. Kết thúc lễ hội sẽ có hoạt động đua trâu. Trâu sẽ được trang điểm đeo mặt nạ nhiều màu sắc trước khi vào đường đua. 

Theo kienthuc.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày