Thứ 7, 23/11/2024, 18:35[GMT+7]

Anh Khuể giàu lên từ đất

Thứ 2, 20/08/2018 | 08:36:49
1,523 lượt xem
Nhận thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ sẽ tăng giá trị trên cùng một diện tích canh tác, anh Bùi Văn Khuể, thôn An Nạp, xã An Châu (Đông Hưng) đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình về vùng chuyên màu, đầu tư trồng cây ăn quả, cây dược liệu. Với 2 mẫu chuyển đổi, tích tụ gia đình anh Khuể thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Khuể chăm sóc vườn thanh long của gia đình.

Trước đây, ruộng của gia đình anh Khuể nằm lẻ tẻ ở khắp các cánh đồng, việc sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, chỉ đủ ăn mà không có dư để bán, ước mơ làm giàu từ đất có vẻ xa vời. Nhưng từ khi xã thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng chuyên màu, đặc biệt là cho phép bà con nông dân tích tụ ruộng đất, anh Khuể quyết chí bám đất làm giàu. Anh đã mạnh dạn thuê lại ruộng của những hộ không cấy, chuyển về vùng chuyên màu, quy vùng, làm tường rào bao quanh, trồng rau màu. Với cách làm này, anh Khuể dần biến ước mơ làm giàu từ đất của mình thành hiện thực.

Thời kỳ mới chuyển đổi năm 2013, anh Khuể quay vòng trồng ớt, bí xanh, cải dưa trên diện tích 2 mẫu. 

Anh Khuể cho biết: Lao động chỉ có hai vợ chồng nên trồng màu rất vất vả, hầu như lúc nào cũng phải bám ruộng nhưng vốn đầu tư ít, cho thu hoạch nhanh, thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. 

Sau mấy vụ, thấy giá rau xanh lên xuống thất thường, hay bị thương lái ép giá nên anh Khuể lại loay hoay với bài toán trồng cây gì để có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vậy là vẫn trên diện tích đó, anh Khuể chuyển dần sang trồng cây dài ngày như thanh long, táo, mít, cam, đinh lăng. Lấy ngắn nuôi dài, dưới gốc thanh long, táo anh trồng xen các cây ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch như ớt, bí, rau các loại. 

Đến nay, anh Khuể trồng được 150 gốc thanh long, 70 cây táo, 4.000 gốc đinh lăng và hàng trăm cây mít, ổi, cam. Thanh long đã cho thu hoạch 3 năm nay, mít, táo, ổi, đinh lăng cho thu hoạch từ năm 2017. Anh Khuể không phải lo đầu ra cho sản phẩm nông sản của gia đình, thương lái đến tận vườn đặt cọc trước để mua bởi sản phẩm nông sản của anh thường có chất lượng cao, hướng đến sản phẩm sạch. 

Anh Khuể cho biết: Để thanh long sai quả, quả to, vỏ bóng, ngọt mát, tuyệt đối không để cây bị che ánh sáng mặt trời; làm trụ thấp, vững chãi; tỉa bỏ 2/3 cành già, cành sâu bệnh sau đợt thu hoạch quả hoặc ngay trước lúc thu đợt quả cuối cùng, khi cây đã cho quả ổn định, tỉa bỏ cành non mới mọc nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi quả, bón phân hữu cơ đúng kỹ thuật, đúng đợt với lượng phù hợp. Với táo, sau trồng 20 - 30 ngày, tưới nước phân pha loãng, sau đó bón thúc, hàng năm bón phân hữu cơ và bồi đất vào gốc, trước khi cây ra hoa rộ bón phân, phun bón lá… Đặc biệt, dù hai vợ chồng phải thay nhau làm cỏ, chăm sóc cây nhưng anh Khuể tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ để phun, hạn chế đến mức thấp nhất phun thuốc trừ sâu cho cây.

Các năm trước, mỗi năm anh Khuể thu được 100 - 150 triệu đồng. Nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ với cây ớt, bí xanh, 2 lứa thanh long anh Khuể đã thu được 100 triệu đồng. Anh cũng đang chuẩn bị xuất bán đinh lăng với giá 200.000 - 300.000 đồng/gốc. Thanh Long sẽ còn cho thu hoạch được 3 - 4 lứa quả nữa... 

Anh Khuể phấn khởi cho biết: Bây giờ tôi mới nhận ra một điều làm giàu từ đất không khó, quan trọng nhất là phải chọn được loại cây trồng thích hợp với đồng đất, với nhu cầu thị trường, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp tập trung, tôi đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học.

Không chỉ làm giàu cho mình mà anh Khuể còn đem kinh nghiệm trồng rau, trồng cây ăn quả chia sẻ với bà con trong xóm cùng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.

Thu Hiền