Thứ 2, 25/11/2024, 02:02[GMT+7]

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc xử lý nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng

Thứ 4, 29/08/2018 | 16:23:27
1,483 lượt xem
Ngày 29/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi khảo sát.

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn. Dự buổi khảo sát có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Buổi sáng, Đoàn khảo sát tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thái Bình và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Thái Bình. 

Đến ngày 31/7/2018, tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thái Bình là 11.493 tỷ đồng, trong đó dư nợ theo Nghị quyết số 42 trên 1.160,26 tỷ đồng. Qua một năm triển khai Nghị quyết số 42, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thái Bình đã xử lý được 153,78 tỷ đồng nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng xuống 0,8%. 

Đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Thái Bình, thời điểm 31/7/2017, nợ xấu theo Nghị quyết số 42 là 301 tỷ đồng. Nợ xấu tăng cao là do khách hàng gặp rủi ro trong kinh doanh không có khả năng trả nợ. 1 năm qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Thái Bình đã xử lý, thu hồi 27,2 tỷ đồng nợ xấu. 

Hiện các ngân hàng đang triển khai một loạt các biện pháp như tiếp tục áp dụng chính sách khuyến khích khách hàng trả nợ thông qua việc điều chỉnh lãi suất, xử lý nợ xấu qua phương án khởi kiện tại tòa, bán khoản nợ thông qua Trung tâm đấu giá Sở Tư pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan để xử lý nhanh, dứt điểm tổng thể nợ xấu.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số vấn đề về khó khăn trong thu hồi nợ xấu, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong xử lý nợ xấu, giải pháp xử lý nợ xấu, tổ chức quán triệt, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng…

Buổi chiều, Đoàn khảo sát tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương chi nhánh Thái Bình và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Thái Bình. 

Đến ngày 31/7/2018, nợ xấu nội bảng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương chi nhánh Thái Bình là 10,743 tỷ đồng, giảm 7,102 tỷ đồng so với thời điểm 31/8/2017, nợ xấu ngoại bảng là 259 tỷ đồng của 35 khách hàng. Từ khi có Nghị quyết số 42, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Thái Bình đã xử lý thu hồi nợ xấu được 6.501 triệu đồng bằng cách đôn đốc khách hàng chủ động bán tài sản trả nợ ngân hàng, xử lý nợ xấu theo quy trình rút gọn, khởi kiện khách hàng ra tòa…

Hoạt động tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thái Bình.

Tại buổi khảo sát, các ngân hàng đều khẳng định Nghị quyết số 42 đã tạo động lực cho các tổ chức tín dụng chủ động trong xử lý nợ xấu, các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt hỗ trợ ngành ngân hàng xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, một số khách hàng không hợp tác trong bàn giao tài sản thế chấp, gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu. Do vậy, các ngân hàng đề nghị Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết số 42 cho phép thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng tại tòa; quy định tại Nghị quyết số 42 và các hướng dẫn cần đồng bộ, nhất quán, kịp thời; UBND tỉnh, các sở, ngành tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua lại tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp nợ xấu…

Tại các điểm khảo sát, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu đề nghị các ngân hàng tiếp thu ý kiến của đại biểu để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đồng chí cũng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của đại diện lãnh đạo các ngân hàng, giao cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp ý kiến của các đại biểu trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Thu Hiền