Thứ 6, 22/11/2024, 22:07[GMT+7]

Trở về từ ASIAD

Thứ 6, 31/08/2018 | 07:49:19
2,412 lượt xem
Vỡ òa hạnh phúc trong vòng tay thầy cô, gia đình và người hâm mộ thể thao, đó là cảm xúc của các vận động viên: Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Bùi Trường Giang trong ngày trở về từ ASIAD 18.

Các vận động viên đón nhận những bó hoa tươi thắm từ đại diện các sở, ngành, đơn vị và người thân.

Với tấm huy chương vàng ở môn đua thuyền (Rowing) và huy chương bạc môn Wushu tại Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) lần thứ 18 diễn ra tại Indonesia, 3 động viên đến từ Thái Bình đã góp công vào thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam. Thành tích của các vận động viên không chỉ là niềm vui mà đó còn là niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc.

ASIAD 2018 đang tạo ra sức nóng với những cuộc tranh tài, đọ sức khốc liệt của hơn 11.000 vận động viên đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ với 462 nội dung thi đấu thuộc 40 môn thể thao. 352 vận động viên của Đoàn thể thao Việt Nam tham gia, trong đó có 3 vận động viên đến từ Thái Bình đã mang về những tấm huy chương vàng, bạc cho Đoàn thể thao Việt Nam, trong đó Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền đã cùng đồng đội mang về tấm huy chương vàng đầu tiên ở bộ môn đua thuyền nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ. Chiến thắng của các cô gái trẻ đã giải cơn khát vàng cho thể thao nước nhà.

Có mặt tại buổi lễ vinh danh các vận động viên đạt huy chương vàng, bạc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, cả 3 vận động viên không giấu được sự xúc động trước tình cảm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, thầy cô, gia đình và những người hâm mộ thể thao dành tặng. 

Tạ Thanh Huyền chia sẻ: Chúng em rất vinh dự và tự hào khi giành được những tấm huy chương tại ASIAD 2018. Kết quả đó không chỉ là sự nỗ lực rèn luyện của riêng bản thân mà còn là sự dạy dỗ của các thầy cô, sự động viên khích lệ của gia đình, người hâm mộ. Được đón nhận sự quan tâm, động viên, khích lệ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chúng em rất vui mừng, phấn khởi. Đó là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh cho chúng em ở những chặng đường tiếp theo.

Thành tích của các vận động viên không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Thái Bình mà còn là niềm vui chung của người dân cả nước. Song, để có được thành công ấy, ít ai biết rằng, các vận động viên phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ. 

Vì sự nghiệp thể thao, Phạm Thị Thảo dù mới sinh con được 4 tháng nhưng vẫn phải cai sữa sớm để dành thời gian luyện tập, thi đấu. Tạ Thanh Huyền dù tuổi còn rất trẻ nhưng rất siêng năng luyện tập với trăn trở làm sao duy trì được thể lực và kỹ thuật tốt nhất. Còn với vận động viên Bùi Trường Giang là không quản ngày đêm khổ luyện, chịu đau đớn với những vết thương để tìm ra lối đánh sở trường, nhanh lẹ, riêng biệt mà hiệu quả.

Trong quá trình luyện tập và thi đấu ở nước bạn, các vận động viên chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, mưa, nắng thất thường, điều kiện tập luyện. 

Tạ Thanh Huyền chia sẻ: Ở bộ môn đua thuyền, các vận động viên phải luyện tập ở hồ nhân tạo, sóng gió khác hoàn toàn với luyện tập ở sông. Trên đường đua có nhiều loại gió, vì vậy các vận động viên phải lựa chiều gió để chèo sao cho đạt tốc độ tốt nhất. Dù có sự khác biệt về thời tiết, điều kiện luyện tập song các vận động viên đều cố gắng khắc phục, quyết tâm đạt thành tích cao. 

Phạm Thị Thảo chia sẻ thêm: Nơi luyện tập chỉ cách chỗ ở khoảng 10 phút đi xe. Mỗi ngày chúng em dành 4 giờ luyện tập, 2 giờ buổi sáng và 2 giờ buổi chiều. Khi vào đến chung kết, đọ sức với các đội mạnh như Iran, Hàn Quốc, Thái Lan,… các vận động viên luôn động viên nhau cố gắng, thi đấu hết khả năng mang vinh quang về cho Tổ quốc. Tham dự giải đấu lớn, các vận động viên được học hỏi, giao lưu rất nhiều, bổ sung những kinh nghiệm còn thiếu để đạt thành tích cao tại các giải đấu khác.

Đó là những khó khăn của các vận động viên môn đua thuyền còn ở môn Wushu, vận động viên Bùi Trường Giang cũng phải đối mặt với nhiều thử thách. 

Bùi Trường Giang cho biết: Trước khi tham gia ASIAD, em có thời gian luyện tập tại Trung Quốc khoảng 1 tháng. Ở trận đấu giành huy chương vàng với vận động viên Trung Quốc, em bị giãn dây chằng nhưng vẫn băng gối, tiếp tục lên sàn đấu. Về điều kiện ăn, nghỉ không có gì lo lắng, tuy nhiên, em phải ăn chế độ riêng để ép cân. Nơi tập luyện cách chỗ ở 30km, đường thường xuyên bị tắc, khó di chuyển nên các thầy tổ chức cho chúng em luyện tập ngay tại làng vận động viên. Em rất vui và tự hào vì lần thứ 2 được tham gia thi đấu ở đấu trường lớn như ASIAD.

Không chỉ đạt thành tích vàng ở môn đua thuyền, Wushu, ở môn thể thao vua - bóng đá, các cầu thủ quê Thái Bình cũng đã ghi danh, để lại nhiều dấu ấn trong lòng người hâm mộ. 

Cùng với Đoàn Văn Hậu, quê Hồng Minh (Hưng Hà), Minh Vương là thành viên của đội tuyển Olimpic Việt Nam sang Indonesia thi đấu. Suốt 5 trận đầu, Minh Vương phải ngồi nghế dự bị, phải tới trận đấu với Hàn Quốc ở vòng bán kết khi sự kiên nhẫn của huấn luyện viên Park Hang Seo dành cho Xuân Trường đã cạn, Minh Vương mới được vào sân với hy vọng mang lại luồng gió mới cho đội tuyển và sự thực luồng gió đó đã đến. Phút 70 của trận đấu, Minh Vương tự tin đứng trước quả đá phạt, cú ra chân tuyệt đẹp của anh đã không cho người hùng ở World Cup 2018 của Hàn Quốc là thủ thành Jo Hyeonowoo một cơ hội cản phá. Minh Vương đã làm được điều mà các chân sút của đội tuyển Đức không làm được ở World Cup 2018 là chọc thủng lưới Jo Hyeonowoo.

Như vậy, cái duyên thay người để lập công của thầy Park lại đúng với bàn thắng danh dự cho đội tuyển Olimpic Việt Nam và nó có ý nghĩa rất lớn với sự nghiệp thể thao của Minh Vương bởi nó là sự khẳng định tài năng, khát vọng được cống hiến của chàng trai quê xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Khó và khốc liệt là điều có thể thấy tại ASIAD 2018. Để mang vinh quang về cho Tổ quốc, các vận động viên đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều, đôi khi phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Quên đi cái riêng vì cái chung to lớn, hy vọng vinh quang ngày trở về là nguồn động viên, cổ vũ cho các vận động viên đang thi đấu tại ASIAD 18 và là động lực để các vận động viên tiếp tục rèn luyện, đạt thành tích cao hơn nữa ở những giải đấu tiếp theo.

Hoàng Lanh