Thứ 6, 22/11/2024, 22:57[GMT+7]

Nguyên Xá: Dân giàu nhờ công nghiệp, làng nghề

Thứ 6, 31/08/2018 | 09:23:03
1,754 lượt xem
Phát huy hạ tầng nông thôn mới, những năm qua, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) tập trung đẩy mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển. Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, công nghiệp và làng nghề khởi sắc cũng thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển nâng cao đời sống của nhân dân.

Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp (cụm công nghiệp Nguyên Xá) đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất và bảo vệ môi trường, sức khỏe công nhân.

Vào thời điểm này, các công ty, hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở cụm công nghiệp (CCN) Nguyên Xá đang huy động nhân lực đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Cùng với máy móc chạy hết công suất, những người thợ thủ công cũng bận rộn suốt ngày. 

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp cho biết: Dù đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị tự động hóa hiện đại để tăng năng suất, chất lượng nhưng hiện nay, trước nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng và để chuẩn bị đủ hàng bán đợt tết, chúng tôi phải thuê thêm 10 công nhân làm việc thời vụ, nâng tổng số 40 công nhân lao động tập trung với mức thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng tùy theo trình độ tay nghề.

Cũng như doanh nghiệp Khởi Tiếp, các công ty, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ như Quang Đạm, Hữu Hiệu, Mộc Tiên cũng tập trung sản xuất cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Đưa chúng tôi đi thăm CCN Nguyên Xá, chị Hoàng Thị Huyền, cán bộ xây dựng - giao thông - công thương xã phấn khởi cho biết: Toàn bộ 4ha đất điểm công nghiệp làng nghề thôn Thái trước đây đã được lấp đầy diện tích với 10 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh rất có hiệu quả, giải quyết việc làm cho 920 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài 3 doanh nghiệp sản xuất ngành may mặc, còn lại là các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ - nghề truyền thống của địa phương. Trước nhu cầu của các hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ muốn mở rộng quy mô và chuyển từ khu dân cư ra điểm công nghiệp làng nghề sản xuất, Nguyên Xá đã quy hoạch mở rộng điểm công nghiệp làng nghề thêm 11ha, nâng cấp thành CCN Nguyên Xá và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kinh nghiệm để thu hút dự án và tạo điều kiện cho hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn là Nguyên Xá tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng trong CCN và cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn bảo đảm cho xe có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên có thể ra, vào vận chuyển hàng hóa. Chính quyền địa phương cũng phối hợp với Điện lực Vũ Thư đầu tư hoàn thiện mạng lưới điện, bảo đảm điện áp ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đối với các hộ và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, địa phương tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý, tín chấp vay vốn đầu tư. 

Ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Hàng năm địa phương đều phối hợp các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, chuẩn bị nguồn nhân lực tại chỗ cho các doanh nghiệp; hỗ trợ các hộ sản xuất và doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Cách làm này cũng đang được Nguyên Xá áp dụng trong việc thu hút các dự án mới đầu tư vào CCN.

Một điều đáng ghi nhận ở CCN Nguyên Xá là các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đều chú trọng xử lý rác thải, nước thải để bảo vệ môi trường và tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Nguyên Xá không ngừng tăng trưởng ở mức từ 10 - 15%/năm; năm 2017 đạt 165 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2018 đạt 94 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2017. Do quy hoạch CCN gắn với làng nghề và chợ nông thôn (chợ Thái) nên thương mại, dịch vụ của Nguyên Xá cũng không ngừng phát triển. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người của người dân Nguyên Xá đạt 42 triệu đồng/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2013 - thời điểm địa phương đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Khắc Duẩn