Thứ 7, 23/11/2024, 00:26[GMT+7]

Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại nhiều địa phương

Thứ 6, 31/08/2018 | 14:31:15
833 lượt xem
Mưa lớn kéo dài (từ ngày 27-30/8) đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh vùng núi phía bắc và Bắc Trung Bộ. Nhiều tuyến đường bị sạt lở nặng, gây chia cắt giao thông, cô lập nhiều địa bàn.

Người dân Điện Biên dọn dẹp nhà cửa để quay về nơi ở. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Điện Biên thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng do mưa lũ

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, mưa lũ gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các huyện: Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Chà và Tủa Chùa. Cụ thể, mưa lũ đã làm hư hỏng hơn 70 nhà dân, 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp; hơn 224 ha lúa và hơn 50 ha hoa màu bị sạt lở vùi lấp; hơn 150 con gia súc, gia cầm  và hơn 40 ha ao cá bị cuốn trôi.

Mưa lũ cũng đã khiến 14 điểm trường bị ngập lụt, hư hỏng, trong đó hơn 1.000 m3 đất đá bị sạt lở xuống các điểm trường, 40 m tường bị đổ, 300 m đường bê tông vào trường bị hư hỏng, 170 taluy nguy cơ bị sạt lở.

Về giao thông, 25 tuyến đường bị thiệt hại, sạt lở với gần 700 điểm sạt lở. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã khiến 3 trụ sở xã bị ngập bùn 0,5 m, 1 trạm y tế bị thiệt hại, 2 cột điện trung ấp và 7 cột điện hạ áp bị sạt lở. Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra từ ngày 27-30/8 trên địa bàn tỉnh Điện Biên khoảng 120 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã tổ chức đoàn kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra tại các địa phương. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện phối hợp với UBND các xã xuống cơ sở xác minh, cập nhật mức độ thiệt hại; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã xuống tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Sạt lở đất đá gây ách tắc nhiều tuyến đường tại tỉnh Hòa Bình

Theo thông tin nhanh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, ngày 30/8 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa to đến rất to. Có nơi, lượng mưa đo được lên đến 221,8 mm.

Tính đến 19h ngày 30/8, mưa lớn đã làm nhiều nơi tại TP. Hòa Bình cùng các huyện xảy ra lũ quét và sạt lở đất, gây thiệt hại nhà cửa tài sản người dân. Nhiều tuyến đường trong tình trạng bị ách tắc chưa thể lưu thông. Huyện Mai Châu là địa bàn thiệt hại nhiều nhất với 46 hộ dân bị ngập úng, sạt lở đất đá vào nhà và làm sập một nhà dân tại xã Vạn Mai; khoảng 90 ha lúa bị ngập úng…

Mưa lũ lớn còn làm sạt lở đất đá gây ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân; gây ngập úng, vùi lấp và cuốn trôi hàng nghìn ha lúa, hoa màu; ngập úng ách tắc giao thông nhiều tuyến đường liên xóm, xã trên địa bàn các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Lương Sơn, Lạc Sơn và TP. Hòa Bình.

Ngoài ra, các tuyến đường Quốc lộ 6, 12B nước ngập sâu khoảng 0,7 m; tuyến đường 432, 433, 444, 445, 450, bị sạt lở taluy âm, taluy dương gây ách tắc giao thông. Hiện người và các phương tiện giao thông chưa thể lưu thông qua lại được…

Sở Giao thông vận tải và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ huy động máy móc, thiết bị, nhân lực hót sụt, gạt đất đá; các vị trí ngầm, suối ngập đã được rào chắn, cắm biển cảnh báo, cử người trực gác không cho người và phương tiện qua lại.

Hiện tại, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình bị ảnh hưởng do mưa bão đang tiếp tục rà soát, thống kê xác định mức độ thiệt hại; đồng thời, chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ và cảnh báo nguy cơ sạt lở đất sẽ còn xảy ra, nhất là đối với những địa hình đồi dốc.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại Sơn La

Đến chiều 30/8, mưa lũ đã làm 1 người chết là anh Vì Văn Sơn (sinh năm 1977, ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), hiện thi thể nạn nhân đã được tìm thấy. Một người bị thương là anh Vàng Nhìa Mua (ở xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), đang được cấp cứu tại bệnh viện huyện.

Mưa lũ làm nhiều nhà trên địa bàn bị ảnh hưởng, các hộ dân phải di dời khẩn cấp; gây ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; thiệt hại lớn về lúa, hoa màu, ao cá, nương ngô; 3 trường học ở huyện Mai Sơn bị nước lũ tràn ngập toàn bộ khuôn viên nhà trường, một trường mầm non xã Chiềng Công (huyện Mường La) bị sạt taluy dương với khối lượng đất đá khoảng 60 m3.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các sở, ban ngành chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở những khu vực đồi núi cao tỉnh Yên Bái

Từ đêm 29/8 đến ngày 30/8, địa bàn xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có mưa to kéo dài, lũ quét làm 1 người chết.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Chấn đã huy động lực lượng tại chỗ di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tổ chức mai táng cho nạn nhân theo phong tục địa phương.

Theo Đài khí tượng thủy văn Yên Bái, từ ngày 29-31/8, mực nước trên Sông Thao tại khu vực Yên Bái lên nhanh dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở những khu vực đồi núi cao tại các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Lục Yên.


Ngập lụt tại tuyến đường bờ kè ven sông Lam thuộc địa phận thị trấn Hòa Bình, Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An


Nhiều khu vực của tỉnh Nghệ An ngập lụt nặng

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết: Ngày 30/8, địa bàn huyện Tương Dương đã có ít nhất 15 nhà bị ngập và 15 nhà khác đang có nguy cơ bị sụt lún, sạt lở phải khẩn cấp di dời; huyện Con Cuông có 13 nhà bị ngập… Nhiều tuyến đường có đoạn ngập sâu, mặt đường lún, nứt, taluy âm nền đường bị hỏng, dãy nứt ăn sâu vào mặt nhựa đường rất nguy hiểm khi qua lại.

Nguyên nhân chính của tình trạng ngập lụt bất thường trong ngày 30/8 là do thời tiết có mưa cộng với các nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê xả lũ khẩn cấp.

Ngày 30/8, thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã họp khẩn để bàn về phương án vận hành hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiêm Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn về việc bảo đảm an toàn hạ du khi vận hành hồ chứa các thủy điện này.


Lũ làm sạt lở đường tại Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN


Nhiều thôn bản miền núi của Thanh Hóa bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ

Do mưa lớn từ ngày 28/8, nhiều thôn, bản thuộc các huyện núi Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa bị cô lập. Mưa lớn liên tục đã gây ra tình trạng sạt lở đất trên diện rộng, vùi lấp nhiều nhà, phòng học, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, sóng điện thoại bị mất. Mực nước các sông Mã, sông Lò, sông Luồng đang dâng cao. Chính quyền và người dân đang tập trung khắc phục sự cố, sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn.

Dự báo từ Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, nước lũ tại các sông thuộc khu vực miền núi đang dâng cao. Từ nay đến ngày 2/9, một đợt lũ sẽ xuất hiện các sông. Mực nước sông Mã tiếp tục lên, hạ lưu sông Bưởi có khả năng lên mức báo động 3. Các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.

Theo baochinhphu.vn