Quy định về thanh toán biên mậu Việt-Trung có gì mới?
Đây là một nội dung cần lưu ý của Thông tư 19/2018/NĐ-CP ngày 28/8/2018 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc.
Để dư luận hiểu rõ về các quy định sửa đổi, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) đã phân tích thêm về những điểm đáng chú ý liên quan đến Thông tư này. Ông Minh cho biết, hiện tại Việt Nam đã có các quy định về cơ chế thanh toán biên mậu với 3 nước có chung biên giới gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia. Các cơ chế thanh toán này được thực hiện trên cơ sở Hiệp định thanh toán song phương ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương 3 nước có chung biên giới nói trên. Trên cơ sở các Hiệp định thanh toán song phương, Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn cụ thể hoạt động thanh toán biên mậu tại ba khu vực biên giới. Tinh thần các Hiệp định nói trên là thúc đẩy thương mại biên giới (TMBG), giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ, bên cạnh việc thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi theo thông lệ quốc tế, khuyến khích thương nhân, ngân hàng sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán, khuyến khích thanh toán qua ngân hàng. Đồng bản tệ chỉ được lưu hành tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu.
Trong thời gian qua, cơ chế thanh toán phù hợp với đặc thù thương mại biên giới đã góp phần thúc đẩy quan hệ giao thương giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới và góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại vùng biên. Cơ chế thanh toán biên mậu Việt Nam-Trung Quốc được triển khai thực hiện từ năm 2004 trên cơ sở quy định tại Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN, đã góp phần thúc đẩy thương mại biên giới giữa hai nước, thực thi hiệu quả chức năng quản lý nhà nước, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của cư dân 7 tỉnh biên giới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy định cũ, có một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của thương mại biên giới hai nước Việt, Trung. Ngày 23/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Nghị định 14 quy định cụ thể hơn các hoạt động thương mại biên giới bao gồm: Mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân; mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới và giao trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về thanh toán đối với các hoạt động thương mại biên giới nêu trên.
Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 19 là cần thiết để hướng dẫn thực hiện Nghị định 14 của Chính phủ và khắc phục những vướng mắc cũ, hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu Việt-Trung. Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, Thông tư 19 có nhiều nội dung thay đổi so với Quyết định 689.
Thứ nhất, quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng để đảm bảo đầy đủ, phù hợp với quy định tại Nghị định 14, đồng thời đảm bảo yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán bằng đồng bản tệ đối với tất cả các chủ thể có tham gia hoạt động thương mại biên giới.
Thứ hai, quy định, hướng dẫn cụ thể các phương thức thanh toán áp dụng đối với từng hoạt động thương mại biên giới, bao gồm, thanh toán trong hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc của thương nhân; thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới. Theo đó, phương thức thanh toán chủ yếu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân là thanh toán qua ngân hàng với đồng tiền thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi, tiền đồng Việt Nam (VND) và nhân dân tệ (CNY). Trường hợp thương nhân Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại Điều 6 Nghị định 14 được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) nhưng phải nộp vào ngân hàng trong vòng 7 ngày trên cơ sở xuất trình các chứng từ hợp lệ.
“Riêng với cư dân biên giới và thương nhân kinh doanh, giao dịch tại chợ biên giới được áp dụng phương thức thanh toán qua ngân hàng bằng đồng bản tệ là CNY, VND. Chỉ được phép thanh toán tiền mặt bằng VND, không được thanh toán bằng nhân dân tệ tiền mặt”, ông Nguyễn Ngọc Minh lưu ý.
Ngoài ra, Thông tư 19 cũng đã bổ sung quy định về hoạt động ủy thác thanh toán bằng đồng CNY giữa các ngân hàng được phép và hoạt động thanh toán bằng đồng CNY trong hệ thống ngân hàng được phép có chi nhánh ngân hàng biên giới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Thông tư 19/2018/TT-NHNN ban hành đã khắc phục những nội dung không phù hợp tại Quyết định 689 và hoàn thiện cơ sở pháp lý trong hoạt động thanh toán thương mại biên giới.
Quy định tại Thông tư 19 hướng dẫn đầy đủ hoạt động thanh toán phù hợp với từng hoạt động thương mại biên giới quy định tại Nghị định 14, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ giao thương hơn nữa giữa thương nhân, cư dân hai nước. Ngoài ra, hoạt động thanh toán biên mậu bằng đồng bản tệ góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, giảm một phần nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Cơ chế thanh toán biên mậu tại Thông tư 19 còn tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ của cư dân biên giới, khách du lịch, nâng cao đời sống kinh tế-xã hội của người dân các tỉnh biên giới. Nhờ đó kinh tế-xã hội của các tỉnh biên giới ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, quy định tại Thông tư 19 cũng góp phần thực thi hiệu quả chức năng quản lý của Nhà nước về tiền tệ, hạn chế buôn lậu và gian lận thương mại, góp phần chống thất thu thuế, phù hợp với định hướng chỉ đạo của Chính phủ.
Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối cho biết thêm, ngay sau khi Thông tư 19 được ban hành, NHNN bước đầu đã nhận được nhiều những phản hồi tích cực từ phía các ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Quân đội...
“Đa số các ngân hàng thương mại đều cho rằng, Thông tư ban hành đã tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh đối với hoạt động thanh toán biên mậu Việt Nam-Trung Quốc, khuyến khích doanh nghiệp và người dân thanh toán qua ngân hàng, hạn chế thanh toán tiền mặt, thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng”, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối nói.
Theo baochinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục
- Chỉ tài khoản đã xác thực mới được đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội 25.12.2024 | 21:49 PM
- Từ 25/12/2024: Người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản 25.12.2024 | 21:49 PM
- Quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV 25.12.2024 | 18:49 PM
- Quỳnh Phụ: Khen thưởng 41 tập thể, 28 cá nhân trong công tác văn hóa, thông tin 25.12.2024 | 18:50 PM
- Đánh giá, xác nhận xã Phương Công và Nam Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 25.12.2024 | 18:00 PM
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán 25.12.2024 | 18:06 PM
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024 25.12.2024 | 18:30 PM
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Đạt và vượt 8/8 nhóm chỉ tiêu do Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đề ra 25.12.2024 | 17:16 PM
- Hội thảo khoa học “Dinh dưỡng với sức khỏe cộng đồng” 25.12.2024 | 16:53 PM
- Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo 25.12.2024 | 16:46 PM
Xem tin theo ngày
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng