Thứ 6, 22/11/2024, 21:06[GMT+7]

Học tập tư tưởng của Bác Hồ và Chính phủ lâm thời về cải cách thủ tục hành chính; chống xa hoa, lãng phí

Thứ 2, 03/09/2018 | 07:22:27
1,829 lượt xem
Cách đây 73 năm, sau thành công của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào. Ngay trong buổi họp đầu tiên, ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời đã thông báo gồm 6 vấn đề, trong đó bao trùm là xây dựng, củng cố khối đoàn kết giải quyết nạn đói, nạn dốt, giặc ngoại xâm và thực hành tiết kiệm...

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9 năm 1945 (ảnh tư liệu)

Chính phủ mới ngay khi ra mắt đã kêu gọi toàn dân thực hành “CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”...[1]

Chúng ta cùng nhớ lại những thời khắc lịch sử cách đây 73 năm...

Ngày 2/9/1945.

14 giờ, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói:

“Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.

Ngày 3/9/1945.

Sáng, tại Bắc Bộ phủ (trụ sở tạm thời của Chính phủ), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức.

Người trình bày trước Hội đồng Chính phủ Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoàbao gồm sáu vấn đề:

1. Giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ "phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo".

2. Giải quyết nạn dốt. "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ".

3. Phải có một hiến pháp dân chủ. Người đề nghị Chính phủ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v".

4. Phải giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta, Người đề nghị "mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH".

5. Đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và "tuyệt đối cấm hút thuốc phiện".

6. Đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương - Giáo đoàn kết.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thông báo Về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể. Trong thông báo, Người lưu ý:

“1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.

2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.

3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ".

Có một chi tiết khác rất đáng chú ý, đó là vì tế nhị nên trong thông báo không đề cập đến việc nhận hoa chúc mừng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc riêng với các đồng chí giúp việc và các đồng chí cảnh vệ lưu ý các đoàn đại biểu khi đến chúc mừng Chính phủ lâm thời mới ra mắt thì không mang theo hoa, tránh hình thức, xa hoa, lãng phí...

Cũng trong ngày 3/9/1945, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ lâm thời đã ngay lập tức quyết định phát động chiến dịch cứu đói và tăng gia sản xuất [2]. Đây chính là quyết định đầu tiên và cũng là hành động đầu tiên của Chính phủ mới. Quan điểm chỉ đạo và hành động xuyên suốt của chiến dịch này là trên tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và phải triệt để thực hành tiết kiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với đồng bào cả nước và bản thân Người nêu gương thực hành trước: cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa, mỗi bữa một bơ, đem gạo đó để cứu dân nghèo.

73 năm qua, bài học về thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, hình thức, lãng phí vẫn còn nguyên giá trị

Tính ra, Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ lâm thời chỉ ngắn gọn, xúc tích trong 246 từ, nhưng bao hàm trong đó 6 nội dung cốt tử để bảo đảm vận hành được đất nước còn rất non trẻ trong những ngày đầu mới thành lập. Trong số những nội dung cần nhấn mạnh (được viết chữ IN HOA), có nội dung “CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. Đó cũng chính là tiếp nối mạch nguồn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây đạo đức người cán bộ cách mạng ngay từ những ngày trước Cách mạng tháng Tám phải thực hành tiết kiệm, chống bệnh hình thức, xa hoa, lãng phí.

Không chỉ để lại dấu ấn 6 nhiệm vụ cấp bách được Chính phủ lâm thời chuyển hóa ngay thành những hành động cụ thể, mà trong thông báo riêng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với các đoàn đại biểu những việc hết sức cụ thể về sắp xếp lịch biểu làm việc, số lượng đại biểu, thời gian tiếp chuyện... với mục đích cải cách thủ tục hành chính sao cho cả hai bên không cảm thấy phiền hà, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn riêng các đồng chí giúp việc, các đồng chí cảnh vệ nhắc đại biểu của các đoàn thể phải nghiêm chỉnh, gương mẫu không tặng hoa Chính phủ mới ra mắt chính là nhằm thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống thói xa hoa, lãng phí của công.

Khi đó đất nước còn muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài, ngân khố gần như bằng không, kỹ thuật và kinh nghiệm điều hành đất nước gần như chưa có gì, nhân dân vẫn còn đói khổ vì vẫn còn dư âm của những ngày đen tối trong cảnh lầm than nô lệ... Vì vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề thực hành “CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” phải là một trong những nội dung trọng tâm hàng đầu. Chính tư tưởng và hành động đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Trung ương Đảng, cùng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành sợi chỉ đỏ, xuyên suốt, góp phần vào quá trình lãnh đạo cách mạng, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất Đất nước; cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa về sau này.

Những năm sau đổi mới, đất nước có điều kiện hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, mở rộng ngoại giao; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể; kỹ thuật điều hành đất nước ngày càng hoàn thiện; đạo đức công vụ luôn được củng cố; hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện chặt chẽ... Những điều đó làm cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một bộ phận cán bộ hư đốn, suy thoát về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chạy theo thói xa hoa, lãng phí, hình thức chủ nghĩa, lợi dụng “lợi ích nhóm” để bòn rút công quỹ, hưởng thụ cá nhân, vun vén cho gia đình, dòng họ. Đã có rất nhiều cá nhân, vụ việc bị phát giác, bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Nhưng vẫn có nhiều người bị mờ mắt trước những cám dỗ của đồng tiền và quyền lực, dẫn đến xa ngã, vi phạm kỷ cương, kỷ luật.

Nhiều cơ quan đơn vị, tổ chức cá nhân vẫn còn sính bệnh chạy theo thành tích, thích phô trương, lãng phí khi chi tiêu cho phần lễ nghi, khánh tiết của các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm quá mức cần thiết. Có những đại biểu đến dự tặng những lẵng hoa quá to gây lãng phí, hoặc những món quà quá “hoành tráng” nhằm phô trương hoặc có phần “xu nịnh” thái quá, rất phản cảm.

Cũng vẫn còn hiện tượng nhiều cơ quan công quyền chưa nghiêm túc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính rườm rà gây tốn kém và lãng phí thời gian công sức của xã hội. Cá biệt, vẫn còn nhiều cán bộ có thái độ cửa quyền, hách dịch, gây khó dễ khi giao tiếp với nhân dân, làm xói mòn lòng tin của quần chúng và gây bức xúc trong xã hội.

Những việc làm đó đều đi ngược lại và làm trái với yêu cầu về thực hành “CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời quy định ngay từ những ngày đầu thành lập nước.

Chính vì vậy, dù 73 năm đã đi qua, nhưng những bài học trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Chính phủ lâm thời từ những ngày đầu ra mắt về cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống thói xa hoa, chống bệnh hình thức, lãng phí... đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Những Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương Đảng về xây dựng, củng cố đạo đức người cán bộ cách mạng; về cải cách thủ tục hành chính; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về phòng chống suy thoái đạo đức, lối sống, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, v.v..., nếu không được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, triệt để từ trên xuống dưới thì tình trạng vi phạm kỷ cương, kỷ luật, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên khó mà ngăn chặn được một cách triệt để.

Hơn lúc nào hết, kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng biểu thị quyết tâm thực hiện theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức người cán bộ cách mạng, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước; trên tinh thần “Lấy Dân làm gốc”; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 

------------

[1] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (Tập II: 1/1930 - 9/1945; Tập III: 9/1945 - 12/1946), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2007;

[2] Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam (Tập III: 1945 - 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2007, tr.9

Theo: dangcongsan.vn