Thứ 2, 25/11/2024, 13:24[GMT+7]

Thứ ba học trò

Thứ 2, 03/09/2018 | 14:09:53
538 lượt xem
Các cụ ta đã tổng kết “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng trên đời này chưa ai nhìn thấy quỷ cũng chẳng ai nhìn thấy ma. Nhưng học trò thì ai cũng gặp và có lẽ cũng vì lý do đó nên nhiều người nói rằng học trò phải là thứ nhất trên con đường phát triển của mỗi con người không thể bỏ qua giai đoạn làm học trò và chính quá trình làm học trò sẽ là hành trang quyết định chặng đường tiếp theo của mỗi con người.

Võ Hương Giang tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt”.

Phải khẳng định rằng, học trò ngày nay giỏi trên mọi lĩnh vực từ học tập đến cuộc sống và những gương sáng trong học trò luôn xuất hiện mọi lúc mọi nơi. 

Nhà giáo ưu tú Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đưa ra nhận định: Nhìn chung mọi người rất dễ nhìn thấy những cái dở, những cái chưa hay, chưa tốt của học trò, trong khi các em có rất nhiều cái hay, cái tốt, cái đáng để cho mọi người học tập thì lại ít được nhìn thấy, ít được quan tâm. Là người công tác lâu năm trong ngành Giáo dục và cũng trưởng thành từ một giáo viên rồi trở thành cán bộ quản lý, tôi thấy cách nhìn như vậy là phiến diện. Phải công bằng mà nói, học trò ngày nay được trang bị hành trang khá đầy đủ để vào đời và các em cũng có điều kiện để tiếp cận với khoa học công nghệ mới và thả sức sáng tạo. Còn hiện tượng học trò nghịch ngợm cãi chửi nhau hay đầu cắt trọc rồi sơn màu nọ màu kia, thậm chí đi xe máy khi chưa đến tuổi hoặc đi xe đạp hàng ba hàng bốn... những chuyện ấy là không tránh khỏi nhưng đừng vì những con sâu nhỏ mà làm hỏng cả nồi canh, hãy nhìn các em ngày nay và nhìn lại chúng ta ba bốn mươi năm trước, thì mới thấy học trò bây giờ đáng quý, đáng yêu biết bao. 

Ngừng một lát như để nghĩ lại và tư duy cho thật chính xác về những gương sáng của học trò mình, rồi ông kể với tôi, trước tiên là cô bé Võ Hương Giang “thần đồng hát xẩm”, học sinh Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng). 

Giang mới 7 tuổi nhưng đã xuất hiện và trở thành ngôi sao sáng trong cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt, sau khi xem em biểu diễn, giám khảo Trấn Thành đã phải đập đầu thán phục. Giám khảo Việt Hương thì cho rằng, tiết mục xuất sắc như một nghệ nhân 70 tuổi hát. Còn giám khảo Huy Tuấn vốn khó tính mà cũng không ngần ngại gọi em là “thần đồng hát xẩm”.

Không có gen của bố, cũng chẳng có gen của mẹ nhưng Hương Giang đã đến với sân khấu và trở thành người nổi tiếng với giọng hát xẩm đầy quyến rũ. Nhìn Hương Giang biểu diễn và nghe giọng hát của em, tôi lại nhớ đến nghệ sĩ hát xẩm tài năng Hà Thị Cầu, không biết bà Cầu đã đi vào Hương Giang như thế nào để em có được giọng hát xẩm đầy quyến rũ hôm nay, không chỉ giỏi hát xẩm Hương Giang còn hát giỏi các dòng hát dân ca khác.

Hệ thống điều khiển tự động máy bơm tưới nước cho cây trồng của em Nguyễn Thành Vinh và em Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trường THCS Vũ Hòa, Kiến Xương).

Học trò chăm ngoan, học giỏi đã trở thành ước mơ không chỉ của các gia đình mà còn của cả nhà trường và xã hội nhưng vượt ra ngoài ước mơ đó, nhiều em ngay ở lứa tuổi nhà trường đã trở thành những nhà nghiên cứu khoa học, với những đề tài sáng kiến mà người lớn cũng phải nể trọng, nhiều người đã gọi các em là “những nhà sáng chế không chuyên” trong số 66 mô hình đạt giải tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Bình lần thứ III, có tới 19 mô hình sáng chế dành cho nông nghiệp. 

Điển hình là sáng chế hệ thống tự động điều khiển tưới nước cho cây trồng của nhóm tác giả Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Thị Hồng Nhung và Phạm Thu An, các em đều là học sinh Trường THCS Vũ Hòa (Kiến Xương). Áp dụng sáng chế này, người dân chỉ việc bỏ ra dưới 400.000 đồng là có được hệ thống tự động điều khiển tưới nước sử dụng cảm biến ánh sáng và cơ cấu chuyển đổi hệ thống tự động điều khiển tưới nước cho cây trồng, có thể nhận biết được độ ẩm của đất trong vườn. Với sáng chế này, các em đã đạt giải nhất cuộc thi song niềm vui hơn là được nhiều hộ nông dân ở huyện Vũ Thư, Kiến Xương và thành phố Thái Bình hào hứng đón nhận.

Vũ Minh Quang: “... em thấy đây là việc nên làm”.

Câu chuyện về tình cảm đẹp của hai em học sinh Trường THPT Tây Tiền Hải, là Vũ Minh Quang và Lê Ngọc Quốc Đạt, không chỉ khiến các bạn đồng trang lứa mà còn khiến nhiều cán bộ, nhân dân ở huyện Tiền Hải phải trầm trồ ngưỡng mộ. 

Đạt mắc bệnh xương thủy tinh từ nhỏ, chân yếu và teo lại không thể tự đi bằng đôi chân của mình, những tưởng phải bỏ giấc mơ đến trường nhưng Đạt đã may mắn khi 9 năm qua được Vũ Minh Quang đều đặn đưa đi học. 

Nhận tấm bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, khi được hỏi cảm nghĩ của mình Vũ Minh Quang thản nhiên trả lời các nhà báo, em không nghĩ hành động của mình lại được mọi người biết đến và lại được nhận phần thưởng cao quý, em chỉ biết rằng những việc em làm với Đạt là những việc bình thường, xuất phát từ tình cảm của hai chúng em và là việc nên làm.

Học trò bây giờ là vậy nên dù có là thứ nhất hay thứ ba, thì mọi việc làm của các em cũng rất đáng trân trọng, rất đáng tự hào và chắc chắn trong thời đại công nghiệp 4. 0 những suy nghĩ, những cách làm, cùng hiệu quả của nó sẽ đi sâu và vươn xa hơn nữa trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của chúng ta và chính những việc làm như thế sẽ làm khác đi và dần mất đi những hình ảnh trái chiều mà người này, người khác cứ nghi kỵ mỗi khi nói đến học trò.

Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày