Thứ 5, 16/01/2025, 12:29[GMT+7]

Học tập và làm theo phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng

Thứ 3, 04/09/2018 | 09:39:38
1,558 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 9/2018)

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm - một tấm gương lớn cho các thế hệ mãi mãi noi theo.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và noi theo. Tấm gương đạo đức của Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường; hướng cho mọi người đến với những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Học tập và làm theo phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay, khi toàn Đảng và toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng,

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương trước hết đòi hỏi người đứng đầu cần phải tiên phong thực hành trước. Người thường xuyên nhắc nhở: “Muốn lãnh đạo vững thì trước hết cán bộ và đảng viên phải có tư tưởng, lập trường vững chắc để lãnh đạo, xung phong làm gương mẫu”. Khi mở đầu bài viết: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác khẳng định: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đây vừa là lời nhắc nhở, vừa là lời chỉ bảo ân cần của Người đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự nêu gương trong công việc, trong đạo đức, lối sống, trong tác phong hằng ngày, tiên phong trong suy nghĩ và hành động, dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, chỉ có như vậy thì quần chúng nhân dân mới tin tưởng và noi theo. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) người đứng đầu phải xác định phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là lương tâm và trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước Tổ quốc. Là người lãnh đạo, quản lý tình hình mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm cao nhất việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, người đứng đầu phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện.

Nêu gương theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn là sự tiên phong, là sự mực thước, là cái chuẩn cho người khác noi theo. Bác khẳng định: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Theo đó, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cần phải “làm mẫu” trong ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc và nội dung “làm mẫu” là “nói đi đôi với làm”. Đối với mình là không được tự cao tự đại, tự mãn. Bởi tự cao, tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì dễ mù quáng, thiển cận, luôn đề cao cá nhân mình, coi thường quần chúng, nhất định sẽ thoái bộ, dừng lại. Người nhấn mạnh: “Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”. Đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải: “Thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân”. Đối với việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư. Người luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “chí công vô tư”, nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng. Như vậy, nêu gương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên cần được coi là nhiệm vụ then chốt của then chốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay, là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII).

Nêu gương theo Hồ Chí Minh là để mọi người “bắt chước” noi theo. Bản chất của sự nêu gương xuất phát từ vai trò, trách nhiệm và là công việc tự giác, thường xuyên của người cán bộ, đảng viên. Bác dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Noi gương chỉ được thực hiện khi có sự nêu gương, có sự “làm mẫu”, làm “mực thước” và nêu gương chỉ có giá trị đích thực khi có sự noi gương. Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên bên cạnh trách nhiệm tự tu dưỡng tốt còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu. Theo đó, việc đấu tranh ngặn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ thành công khi có sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu.

Để đưa việc học tập và làm theo phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào chiều sâu, trở thành công việc thường xuyên của các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, trong thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng biểu dương, nhân rộng gương điển hình, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt của các địa phương, cơ quan, đơn vị; phê bình, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Đẩy mạnh tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, vận động nhân dân tích cực học tập và làm theo Bác, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở địa phương, cơ sở; tích cực phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm tự giác, gương mẫu học trước, làm trước của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, đảng viên trong phòng, chống và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu; đồng thời, tạo động lực để khuyến khích và phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Thứ ba, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Thông qua tự phê bình và phê bình giúp cho cán bộ, đảng viên nhận rõ ưu, khuyết điểm của mình để phấn đấu và rèn luyện; từ đó khắc phục những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bởi thế, cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong hoạt động và sinh hoạt Đảng với tinh thần xây dựng, trung thực, chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh. Cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ. Vận dụng linh hoạt các biện pháp xử lý đối với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; “xây” đi liền với “chống”, nói đi đôi với làm, tạo môi trường thuận lợi phòng, chống có hiệu quả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ tư, mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải đăng ký trước tập thể về nội dung trách nhiệm nêu gương trên cả ba phương diện: đối với mình; đối với người, với tổ chức và đối với công việc; đồng thời, phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, nghiêm túc thực hiện. Người đứng đầu cần phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hằng ngày, hằng giờ theo các tiêu chí đã được Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) chỉ ra; chủ động, nghiêm khắc trong tự phê bình và phê bình; xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu để rèn luyện, rút kinh nghiệm để nêu tấm gương sáng về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày