Thứ 7, 23/11/2024, 09:27[GMT+7]

Nguyên Xá - đất anh hùng

Thứ 4, 05/09/2018 | 09:21:11
10,965 lượt xem
Về xã Nguyên Xá (Đông Hưng) hôm nay - “làng kiểu mẫu” năm xưa vẫn in dấu chiến công hiển hách trong những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi tự hào, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng đang trên đà phát triển, hội nhập.

Tượng đài du kích làng Nguyễn - niềm tự hào của Nguyên Xá.

Pháo đài bất khả xâm phạm

Những năm 1930 - 1945, để khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thành công, Nguyên Xá đã thành lập các đội tự vệ, ban ngày tập võ, ban đêm đi tuần để bảo vệ an ninh thôn xóm và cán bộ cách mạng về địa phương gây dựng phong trào. Thanh niên trong xã tổ chức chặt cây, lấy gạch đá dựng làm chướng ngại vật trên đường đê Trà Lý để cản xe cơ giới của giặc. 

Ngày 19/8/1945, nhân dân Nguyên Xá cùng với quân và dân các xã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa tiến về phủ lỵ Tiên Hưng giành chính quyền. Ủy ban cách mạng lâm thời ở Nguyên Xá được thành lập ngay sau đó.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dù lọt vào giữa vòng vây chiếm cứ của giặc song quân và dân Nguyên Xá dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã nhất tề đứng lên xây dựng làng xã thành pháo đài bất khả xâm phạm với hệ thống giao thông hào lũy dày đặc, bao quanh làng. Cuộc chiến đấu của nhân dân Nguyên Xá gian khổ mà anh dũng đã làm thất bại chính sách “giết sạch, đốt sạch, phá sạch” nhằm triệt hạ làng Nguyễn, buộc quân Pháp phải tháo chạy, từ bỏ âm mưu bình định vùng đồng bằng Liên khu 3. 

Là một trong những thành viên của đội quân báo khi mới 15 tuổi, nay đã ở tuổi 85 nhưng ông Nguyễn Hữu Yến vẫn nhớ như in những trận chiến đấu oanh liệt của làng Nguyên Xá xưa mà ông từng được tham gia. 

Ông Yến nhớ lại: Ngày 29/8/1950, giặc huy động 2 tiểu đoàn quân cơ động với 2.000 tên đánh vào Nguyên Xá. Du kích làng Nguyễn phối hợp với bộ đội kiên cường đánh trả. Sau 3 lần tấn công, giặc vẫn không vào được làng, chúng phải bỏ Nguyên Xá tập trung đánh Phong Châu. Du kích Nguyên Xá chia làm hai mũi bất ngờ nổ súng đánh vào sườn quân địch. Cùng lúc đó, tiếng kèn đồng của chiến sĩ du kích Nguyễn Huy Trù vang lên làm hiệu lệnh xung phong, nhân dân trong vùng hò reo náo động, giặc hoảng loạn bỏ chạy như ong vỡ tổ. Từ ngày 20 - 25/2/1954, quân dân làng Nguyễn kiên cường chiến đấu với gần 4.000 tên địch có vũ khí tối tân, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí các loại. Thắng lợi này đã chứng tỏ sự trưởng thành mau chóng của lực lượng bán vũ trang cơ sở, đánh dấu thời kỳ suy tàn của những binh đoàn cơ động Pháp, tạo tiền đề cho chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Vì thế, làng kháng chiến Nguyên Xá đã trở thành điển hình tiêu biểu cho phong trào đấu tranh cách mạng của toàn tỉnh, vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng cờ thêu 5 chữ vàng: “Nguyên Xá - làng kiểu mẫu”.

Thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nguyên Xá đã bắn rơi 2 máy bay địch bằng súng bộ binh. Ghi nhận thành tích tiêu biểu trong chiến đấu, năm 1973, Đảng, Nhà nước đã phong tặng lực lượng dân quân, du kích xã Nguyên Xá danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đổi mới, phát triển không ngừng

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Nguyên Xá luôn đoàn kết, tận dụng thế mạnh của địa phương, xây dựng thành công nông thôn mới. 

Trong sản xuất nông nghiệp, xã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Là một trong những xã đầu tiên của huyện áp dụng cấy máy bằng mạ khay, đến nay, trên 50% diện tích đã áp dụng. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất cấy lúa chất lượng cao, xây dựng trang trại nuôi các loại con có giá trị kinh tế. Do vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của xã năm 2017 đạt 60 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Tiến Vững, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ một xã thuần nông, đến nay Nguyên Xá đã trở thành điểm sáng của huyện về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với sản phẩm nổi tiếng cả nước là kẹo lạc, bánh cáy. Cụm công nghiệp Nguyên Xá thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư, hoạt động hiệu quả. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã đạt gần 300 tỷ đồng, chiếm 56% cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,71%. Năm 2015, sau khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, xã tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững. Đến nay, nhiều công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã đã được đầu tư xây dựng như: 100% tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được mở rộng, trải nhựa và bê tông; hệ thống trường học 3 cấp được xây mới, nâng cấp; trạm y tế được đầu tư xây dựng với đủ các thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân... Nguyên Xá cũng làm tốt công tác lưu giữ, phát huy cái nôi của nghệ thuật múa rối nước và làn điệu chèo mượt mà, sâu lắng truyền thống, góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa Việt, tâm hồn Việt.

Thời gian tới, Nguyên Xá tiếp tục kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp; duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu bánh cáy làng Nguyễn; tiếp tục quy vùng sản xuất hàng hóa, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao; quy hoạch, xây dựng khu thương mại Đà Giang... 

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tin rằng Nguyên Xá sẽ đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa trong thời gian tới.

Thu Hiền