Thứ 5, 05/12/2024, 02:24[GMT+7]

Thanh niên xung phong Thái Bình: Với những con đường lịch sử

Thứ 2, 10/09/2018 | 08:43:53
1,430 lượt xem
Nghe theo tiếng gọi của Đảng, cách đây tròn 55 năm (tháng 9/1963), hàng trăm thanh niên Thái Bình đã tình nguyện xung phong đi mở đường, xây dựng vùng kinh tế mới, củng cố quốc phòng, an ninh với tên gọi ban đầu là Công trường 112 (trực thuộc Ban Chỉ đạo công tác miền Tây) - Bộ Giao thông Vận tải.

Các cựu thanh niên xung phong Công trường 112 - Bộ Giao thông Vận tải (khu vực tỉnh Thái Bình) cùng nhau ôn lại kỷ niệm.

Những ngày này, trong căn nhà nhỏ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh, tổ 1, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình luôn rộn rã tiếng cười nói. Tụ họp về đây, ông cùng những người đồng đội năm xưa bồi hồi, xúc động cùng nhau ôn lại kỷ niệm cách đây tròn 55 năm. Những mái đầu đã bạc, dáng đi cũng không còn nhanh nhẹn như trước nhưng ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy vẫn như mới diễn ra ngày nào.

Đã ở tuổi ngoài 70 nhưng ông Vũ Văn Lục, trưởng ban liên lạc cựu thanh niên xung phong Công trường 112 - Bộ Giao thông Vận tải (khu vực tỉnh Thái Bình) vẫn rất minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lục cho biết: Nhiệm vụ chính của Công trường 112 là phá núi, mở đường chiến lược giữa đại ngàn hiểm trở trên dãy Hoàng Liên Sơn lên biên giới Việt - Trung, thuộc địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Chiều dài tuyến đường gần 100km, từ km8 Ô Quý Hồ - Sa Pa (Lào Cai) đến Pa Tẩn - Phong Thổ (Lai Châu). Hơn 3.000 đoàn viên, thanh niên của 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương được bố trí thành 6 đơn vị, gọi là C. Thanh niên tỉnh Thái Bình được bố trí thành 2 đơn vị là C2 và C4 (sau này là C315 và C312) với gần 800 thanh niên của các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Quỳnh Côi, Kiến Xương, Thư Trì, Thụy Anh, Tiền Hải và thị xã Thái Bình.

Để ổn định nơi ăn chốn ở, thanh niên Thái Bình trên công trường không quản ngày đêm vất vả vượt núi, trèo đèo, lên rừng dùng búa, dao để đốn gỗ, chặt tre, cắt lá tranh dựng bếp ăn, lán ở. Địa bàn đóng quân của đơn vị trên vùng rừng núi cao, vực thẳm, khí hậu hết sức khắc nghiệt, một ngày thời tiết thay đổi bốn mùa, quanh năm mây mù bao phủ. Quần áo giặt hàng tuần không khô, đều phải “sấy khói” trong các lán. Mùa mưa thác đổ, lũ quét làm sạt núi lấp đường, cản trở thi công, tắc đường vận chuyển. Mùa khô thì thiếu nước, cả đơn vị hàng trăm người từ tắm giặt, vo gạo, rửa rau, nấu ăn tất cả đều trông vào một chiếc chảo gang chứa nước, đường kính chưa đầy 1m. Hết gạo, thiếu muối, đơn vị phải ăn sắn luộc, ngô bung hàng tháng, nhạt muối cả tuần, bí xanh, bí đỏ, rau tàu bay là thực phẩm chủ yếu.

Khó khăn, gian khổ là thế nhưng để hòa cùng phong trào thi đua “gió Đại Phong”, “sóng Duyên Hải”, “cờ Ba Nhất”, cán bộ, chiến sĩ Công trường 112 đã quyết tâm phấn đấu trên mặt trận phá núi, mở đường, khí thế lao động sản xuất trên toàn công trường như ngày hội. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nở rộ, luôn vượt các chỉ tiêu, định mức được giao. Kỹ thuật rèn choòng, xà beng, đục đá, nổ mìn; sáng kiến làm xe cút kít vận chuyển trên goòng gỗ, ky trượt, cầu quay đã đưa năng suất lao động tăng gấp 2 - 3 lần định mức. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, được tập thể suy tôn là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Sau 2 năm lao động vất vả, năm 1965 tuyến đường cơ bản được khai thông.

Bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ dùng máy bay tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc. Đầu năm 1965, Công trường 112 được Bộ Giao thông Vận tải điều đi làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thời chiến ở các trọng điểm. Nhiệm vụ chính của đơn vị giai đoạn này là san lấp hố bom, mở thêm các đường ngầm, đường tránh, làm các bến phà phụ, sơ tán các kho hàng... Gần 1 tháng hành quân bộ, ngày nghỉ, đêm đi, đi đến đâu máy bay địch đánh ở đó, như một số ga Làng Khay, Làng Nhíp, Cò Nòi, Trái Hút, Yên Bái... Đang trên đường chuyển quân nhưng anh chị em không sợ nguy hiểm, dũng cảm lao vào cứu các toa tàu hàng quân trang, quân dụng dưới mưa bom bão đạn của máy bay Mỹ. Những địa danh như Ba Khe, đèo Lũng Lô, đèo Bản Dạ, Quang Huy (Nghĩa Lộ); Vạn Yên, Phù Yên, ngã ba đi Xồm Lồm, bến phà Tạ Khoa (Sơn La) mà “đạn cày đạn, bom cày bom” đều có mặt những thanh niên Công trường 112.

Sau đó, một bộ phận của Công trường 112 lại tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải điều đi làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trong bất kỳ tình huống nào ở các ban 64, 66, 67 trên các trọng điểm kênh Dân, kênh Sơn, kênh Than (Thanh Hóa); bến phà Xuân Sơn (Quảng Bình); bến phà Hương Khê (Hà Tĩnh); Quỳnh Lưu (Nghệ An). Đầu năm 1967, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục điều lực lượng thanh niên Công trường 112 bảo đảm giao thông, làm đường tránh và sân bay dã chiến Kép, phố Ráng (Hà Bắc); Chi Lăng, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), trực thuộc Cục công trình II - Bộ Giao thông Vận tải. Máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc vào chiến trường. Ga Đồng Mỏ, Chi Lăng, Trường Công nhân kỹ thuật cầu đường là những trọng điểm bị đánh phá, có ngày 3 - 4 trận. Nhiều đội viên bị thương, bị sức ép nhưng vẫn giữ vững ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải. Đến cuối năm 1969 - 1970, Công trường 112 giải thể, một số đội viên được bổ sung vào bộ đội, một số sáp nhập với đơn vị bạn, một số ít được cử đi học, còn lại đa số anh chị em do bệnh tật, thương tích, sức khỏe yếu trở về tiếp tục xây dựng quê hương...

Với những đóng góp xứng đáng, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận Công trường 112 là đơn vị thanh niên xung phong. Ngày 19/7/2002, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã ra quyết định tặng kỷ niệm chương thanh niên xung phong cho lực lượng thanh niên Công trường 112 - Bộ Giao thông Vận tải (khu vực tỉnh Thái Bình).

Phạm Hưng