Thứ 4, 13/11/2024, 13:44[GMT+7]

Cuộc giải cứu bên kia biên giới

Thứ 3, 18/09/2018 | 08:45:47
56,041 lượt xem
Từ cuộc điện thoại gọi về vội vã lúc nửa đêm cho gia đình, dù thông tin ít ỏi nhưng lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Bình đã vào cuộc nhanh chóng không chỉ bằng một lực lượng tinh nhuệ với những công cụ hỗ trợ hiện đại mà lcòn phải dùng đến nhiều kế sách mềm dẻo, linh hoạt, câu nhử để bắt gọn đối tượng nhằm giải cứu thành công cho hàng chục cô gái bị bọn buôn người bán sang bên kia biên giới.

Lực lượng cảnh sát lên kế hoạch đấu tranh, bắt giữ đối tượng.

Cho đến bây giờ, gia đình bà Bùi Thị N. ở huyện Đông Hưng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại câu chuyện mà chỉ cách đây ít lâu gia đình gặp phải. Một cuộc điện thoại lúc nửa đêm, người đầu dây bên kia là con gái mình. Cuộc điện thoại vội vã, gia đình bà N. sửng sốt, bất ngờ khi nghe tin con mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Bản thân H. lại không biết rõ mình đang ở khu vực nào bên kia Trung Quốc, nhưng qua cuộc điện thoại H. vội vàng kể là ở vùng núi, bọn buôn người đưa đi rất xa, mấy ngày mới tới nơi này.

Trước thông tin trên gia đình bà N. đã nhanh chóng đến cơ quan Công an trình báo sự việc. Kết hợp với những thông tin đã thu thập trong thời gian trước và thông tin gia đình nạn nhân cung cấp, lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự đã giao nhiệm vụ tiếp cận triệt phá cho các trinh sát. Căn cứ số điện thoại của H. gọi về, các trinh sát tính toán việc liên lạc lại với H. Phương án tiếp cận ở đây được đặt ra là nhắn tin, gọi điện bằng tiếng Trung Quốc hay tiếng Việt Nam. Việc nhắn tin gọi điện thoại bằng tiếng Việt thì khi bọn buôn người phát hiện ngôn ngữ lạ sẽ nghi ngờ và có thể cấm H. sử dụng điện thoại mà nếu nhắn tin điện thoại bằng tiếng Trung Quốc thì H. không đọc và nghe được. Cuối cùng phương án gọi điện cho H. bằng tiếng Trung Quốc vì nếu người bên đó nghe máy nói tiếng Trung Quốc thì các trinh sát nói tiếng Trung, còn nếu H. nghe máy, các trinh sát nói tiếng Việt. Tuy nhiên, khi ấn định xong phương án thì số máy trên lại không liên lạc được. Nhiều lần liên lạc sau đó nhưng không thu được tín hiệu gì hơn. Sau một cuộc điện thoại H. gọi về cho gia đình trong đêm, gia đình và các trinh sát không thấy H. tiếp tục liên lạc, sự việc liên lạc về Việt Nam hôm trước của H. bại lộ bị cấm sử dụng điện thoại di động. Nhưng các trinh sát vẫn kiên trì chờ đợi cuộc liên lạc lần thứ 2. Một ngày chờ đợi, hai ngày rồi đến ngày thứ chín, điện thoại của bố H. đổ chuông, xác định cuộc điện thoại sẽ diễn ra nhanh chóng nên các anh trực tiếp nghe điện thoại và giới thiệu ngay là công an Việt Nam. Chỉ trong một phút, cuộc trao đổi giữa công an và H. được thống nhất. Mọi trao đổi phải bí mật, thường diễn ra 1 lần vào buổi sáng, 1 lần vào buổi tối và sau mỗi lần nhắn tin H. sẽ xóa toàn bộ nội dung tin nhắn bằng tiếng Việt trong máy. Bởi theo các trinh sát, nếu bị lộ thông tin H. liên lạc về Việt Nam các đối tượng mua người có thể sẽ bán cô gái này đi vùng khác, lúc đó sẽ rất khó cho việc giải cứu. Các trinh sát rất căng thẳng, mong từng ngày bình yên đến với cô gái, bởi H. nói rằng “nếu một ngày không thấy cô liên lạc như thỏa thuận với công an có nghĩa là cô đã gặp nguy hiểm”. Trước tình huống này, các anh phải đưa ra các phương án để giải cứu.

Kế “điệu hổ ly sơn” đã được áp dụng theo hướng dẫn của các trinh sát, H. đã liên lạc với người đã bán H. sang Trung Quốc có tên là Lê Thị Hồng, 31 tuổi ở Châu Cường, Quỳ Hợp, Nghệ An nói với cô ta là mình đã tìm được 2 cô bạn gái quê ở Hải Dương, rất trẻ và xinh đẹp để đưa sang Trung Quốc bán kiếm lời. Đầu tiên tú bà kia giật mình và nghĩ đến việc H. giở trò nên không đồng ý, nhưng nghĩ rằng H. là một cô gái mộc mạc hiền lành nên không thể có những chiêu trò gì dối trá mình được đồng thời nghĩ H. đã thích ứng và muốn kiếm tiền từ việc buôn bán người nên Lê Thị Hồng đã bập vào cái bẫy này. Theo chỉ dẫn, Hồng đã sang nhà chồng H. xin phép cho H. về Việt Nam cùng cô ta, lúc đầu gia đình chồng H. đã phản đối quyết liệt nhưng Hồng đã điều 1 người bản địa thân quen sang thuyết phục nên gia đình nhà chồng H. mới đồng ý cho H. ra khỏi nhà để tìm giúp những cô gái Việt Nam sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tổ công tác luôn có mặt tại gia đình H. một tổ công tác khác có nhiệm vụ lưu động để đón lõng, khi tổ ở nhà điều được Hồng về Việt Nam thì tổ trinh sát lưu động phục bắt ngay đối tượng này... Khi H. và Hồng vừa về đến Thái Bình thì nhóm trinh sát hóa trang đã bắt ngay Hồng, Hồng hoàn toàn bất ngờ kêu cứu, H. nói luôn với Hồng đó là những chiến sĩ công an, lúc này Hồng mới tái mặt sợ hãi. Bắt Hồng giải cứu được H. là một thành công của lực lượng công an. Nhưng nhiệm vụ cấp bách tiếp theo là làm sao bắt giữ được Vi Thị Lan cùng quê với Hồng ở Quỳ Hợp, Nghệ An đang ở bên Trung Quốc vì Hồng tinh quái 1 thì Lan tinh quái 10. Hơn nữa, Vi Thị Lan là đối tượng cộm cán đã tổ chức buôn bán, câu móc hàng chục cô gái sang bên kia biên giới chưa được giải cứu được. Lan đã nhiều lần bị công an bắt hụt nên thị rất cảnh giác. Nếu để lộ lực lượng công an đang truy bắt thì coi như công sức của các trinh sát đổ ra sông, ra biển.

Tiếp tục dùng chiến thuật “điệu hổ ly sơn” như áp dụng với Lê Thị Hồng, một tổ công tác đưa đối tượng Hồng lên vùng biên giới Móng Cái để trực tiếp liên lạc với Lan, sau đó bắt Lan... Hồng liên lạc nhiều lần nhưng Lan không bắt máy. 3 ngày sau Lan lại điều những đối tượng là người nước sở tại trà trộn gần khu vực biên giới phía Móng Cái thay mặt Lan xem người. Qua điện thoại lực lượng công an yêu cầu người buôn nói với Lan là đã có hàng nhanh chóng mang tiền sang để đưa các cô gái sang Trung Quốc, cuối cùng Lan cũng thực hiện theo yêu cầu... Tuy nhiên, đối tượng này yêu cầu phải nhìn thấy hàng thì mới xuất hiện tại Móng Cái. Để giải quyết tình thế 2 nữ trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Bình lập tức trở thành chim mồi... Nhìn thấy 2 cô gái trẻ Lan xuất hiện và bị các trinh sát bắt giữ...

Tại Cơ quan công an, Vi Thị Lan và Lê Thị Hồng đã khai nhận hành vi lừa bán hàng chục cô gái nói trên, trước đó Lan cũng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc nhưng khi nắm bắt được nhu cầu mua vợ của những người đàn ông trong vùng, Lan đã quay trở về Việt Nam để lừa bán phụ nữ. Để thực hiện trót lọt các phi vụ, Lan, Hồng yêu cầu các nạn nhân phải nói với bố mẹ, người thân là đi làm ở một nơi rất tử tế, lương cao và yêu cầu không sử dụng điện thoại trong vòng 2 tháng nên việc mất tích của các cô gái không ai hoài nghi. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vi Thị Lan và Lê Thị Hồng về tội mua bán và khẩn trương tiến hành các biện pháp phối hợp giải cứu sớm đưa các cô gái là nạn nhân của các vụ mua bán người trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình.

Qua những vụ việc gần đây mà lực lượng công an phát hiện được, bọn tội phạm vẫn sử dụng thủ đoạn lừa bán là chính. Ví dụ như quen nhau trên mạng, hẹn gặp nhau rồi lừa bán qua bên kia biên giới, có trường hợp giả vờ yêu đương sau đó lừa bán, có trường hợp là bạn bè thân thiết nhưng không hiểu được dã tâm của người đó nên vẫn bị mắc bẫy...

Việc chống hành vi buôn bán người không riêng gì của ngành Công an mà phải toàn xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó, đầu tiên là nhận thức của người dân, đặc biệt là chị em cần tự nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức để bảo vệ mình để ngăn chặn tình trạng này.

Bình Vân

(Công an tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày