Thứ 7, 23/11/2024, 13:57[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới nơi biên cương Tổ quốc

Thứ 5, 20/09/2018 | 07:51:37
662 lượt xem
Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã chủ động, tích cực thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới. Diện mạo các xã giáp biên của Điện Biên đã có nhiều khởi sắc trên cơ sở gắn phát triển kinh tế xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82, Quân khu 2 cùng người dân huyện Điện Biên làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: PA).

Tỉnh Điện Biên có 29 xã biên giới thuộc địa bàn 04 huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên và Mường Chà. Xác định rõ ý nghĩa chính trị xã hội của chủ trương xây dựng nông thôn mới nhất là tại khu vực biên giới, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 9/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở và đồng bào các dân tộc nắm được mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động các nguồn lực để từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới tại các địa phương, nhất là đối với khu vực giáp biên. Nhờ đó, đến nay qua đánh giá, việc xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Điện Biên đã từng bước giúp các xã trong vùng từng bước đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; vừa hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, trực tiếp góp phần xây dựng và bảo vệ biên giới, đoàn kết, hữu nghị; giữ vững an ninh, quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Cụ thể, tính đến tháng 8/2018, với việc triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới tại 29 xã biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tiêu chí bình quân đã thực hiện tại các xã nằm trong Đề án là 7,28 tiêu chí/xã; đạt 52,61% so với mục tiêu Đề án (mục tiêu đến năm 2020, số tiêu chí bình quân/xã đạt 13,83 tiêu chí/xã). Trong 29 xã biên giới hiện đã có 4 xã của huyện Điện Biên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa; đạt 57,14% so với mục tiêu đề án đến năm 2020 (7 xã đạt); 2 xã cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí là Sín Thầu (huyện Mường Nhé) và xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ). Hiện còn 12 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 11 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của các xã vùng biên cũng đã được nâng lên, trong đó có 5 xã đạt tiêu chí giao thông; 14 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 11 xã đạt tiêu chí điện; 11 xã đạt tiêu chí trường học; 6 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 10 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại; 13 xã đạt tiêu chí Thông tin và truyền thông; 29 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm; 21 xã đạt tiêu chí quốc phòng, an ninh…

Là xã đầu tiên của tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, sau gần 4 năm, với sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên đã có nhiều bước phát triển rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng mạnh, với mức 27,15 triệu đồng/người/năm (năm 2017); tổng sản lượng cây lương thực có hạt năm 2017 của toàn xã là trên 3.760 tấn, đạt 100,39% kế hoạch. Tại những vùng ít có khả năng phát triển cây lúa, Thanh Chăn đã đẩy mạnh chuyển đổi sang canh tác các loại cây có củ, quả có thể thay lương thực, thực phẩm vừa làm hàng hóa như khoai, sắn và các loại cây khác như: Củ đậu, dưa chuột, cà chua, tỏi... Nhờ đó, đến nay toàn xã chỉ còn 9,1% hộ nghèo.

Theo đồng chí Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, thành công lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới đó là hệ thống chính trị ở cơ sở đã thường xuyên được củng cố; kinh tế xã hội có bước phát triển rõ rệt; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được đẩy mạnh qua đó giúp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Phối hợp tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại khu vực biên giới của tỉnh Điện Biên. (Ảnh: PA)

Khách quan nhìn nhận, với đặc điểm của một tỉnh miền núi, những kết quả nói trên trong Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới là sự nỗ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới thực sự có hiệu quả bền vững thì tỉnh Điện Biên hiện đang đứng trước khá nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo tính toán, nhu cầu vốn để bảo đảm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới của tỉnh Điện Biên là rất lớn, cần khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy Chính phủ đã tạo điều kiện để Điện Biên sử dụng nguồn tăng thu hàng năm cho xây dựng nông thôn mới nhưng nguồn tăng thu của Điện Biên thường thấp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế đặt ra. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực hiện nội dung đầu tư hạ tầng nông thôn, một số tiêu chí nông thôn mới ở 29 xã biên giới của tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều trở ngai, vướng mắc nhất là các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, chợ nông thôn, môi trường (vì xuất phát điểm về phát triển kinh tế xã hội tại các vùng này là rất thấp). Bên cạnh đó, thói quen sản xuất của người dân khu vực giáp biên nhìn chung còn lạc hậu; việc ứng dụng các tiến bộ vào sản xuất nhìn chung còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc mở rộng sản xuất, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích cũng gặp khó khăn.

Được biết, để các xã vùng biên giới tại Điện Biên thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm giúp các xã trong vùng từng bước đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, bên cạnh việc đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các xã biên giới (Đề án 29 xã biên giới), tỉnh Điện Biên cũng sẽ chú trọng cân đối các nguồn lực, lồng ghép các chương trình hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các xã biên giới. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, động viên, hướng dẫn người dân tích cực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Thông qua đó, vừa tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân vừa đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã nằm trong Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Điện Biên./.

Theo: dangcongsan.vn