Thứ 6, 10/01/2025, 18:15[GMT+7]

Phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

Thứ 5, 20/09/2018 | 08:26:37
3,593 lượt xem
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (KBT) được công nhận theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển: Nam Hưng, Nam Phú, Nam Thịnh bao gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước. Đây là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Đa dạng sinh kế cho người dân vùng đệm là giải pháp phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước.

Đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của con người bởi các chức năng: nạp, tiết nước ngầm; lắng đọng trầm tích, độc tố; tích lũy chất dinh dưỡng; hạn chế lũ lụt; duy trì đa dạng sinh học chắn sóng, gió bão vào ổn định bờ biển, chống xói lở... 

Ở Thái Bình, KBT với khoảng 9.000ha thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, 3.500ha phục hồi sinh thái và khoảng 1.700ha vùng đệm. KBT hiện đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loại quý hiếm và có tầm quan trọng quốc tế. Do đặc điểm KBT là bãi bồi phù sa sông Hồng bồi đắp, hình thành rừng ngập mặn, vì vậy nơi đây trở thành nơi trú ngụ của hàng triệu con chim. Theo kết quả các công trình nghiên cứu đã công bố, KBT có khoảng 200 loài chim, thuộc 31 họ, 14 bộ, trong đó có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn gen, được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: cò thìa, rẽ mỏ thìa, choắt chân vàng lớn, cò trắng Trung Quốc, te vàng, choắt mỏ vàng, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông... Thực vật có trên 100 loài, là thức ăn cho các loại chim, đặc biệt, có tới 43 loại cây có thể làm thuốc.

Các loại cá ở KBT cũng phong phú với trên 100 loài, một số loài có giá trị xuất khẩu như cá vược, cá đối vằn, cá bớp, cá lác, cá nhệch, cá thủ vàng...; 20 loài có giá trị kinh tế cao như ngao dầu, ngán, vọp, don, móng tay, cua biển, ghẹ, tôm... là nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân địa phương. Ngoài ra, còn có khoảng 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát trong đó có 4 loài thuộc diện quý hiếm, cần bảo tồn, được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Vị trí địa lý cùng hệ sinh thái đặc trưng ở cả 3 xã: rừng ngập mặn, rừng phi lao chắn cát trên cồn Vành, hệ sinh thái thủy sinh và vùng cửa sông - ven biển đã tạo lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch sinh thái. Với dân số 3 xã khoảng trên 15.000 người, trong đó có khoảng 50% sống phụ thuộc vào tài nguyên của KBT, chủ yếu là khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã tạo áp lực khá lớn lên các hệ sinh thái trong khu vực. Do vậy, thời gian qua, huyện Tiền Hải cũng như chính quyền các xã trong KBT đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý KBT (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, làm tốt công tác khuyến lâm, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động thông qua trồng rừng. Để phát triển bền vững KBT, về lâu dài cần nghiên cứu đa dạng sinh kế cho cộng đồng dân cư quanh vùng đệm; tạo mối quan hệ giữa các lực lượng bảo vệ rừng và người dân...

Ngân Huyền