Thứ 6, 22/11/2024, 22:41[GMT+7]

Thiên tai gây nhiều thiệt hại ở một số địa phương

Thứ 6, 21/09/2018 | 08:27:13
953 lượt xem
Theo báo cáo nhanh ngày 20/9 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, những ngày qua mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về tài sản và sản xuất ở một số địa phương.

Nhiều diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do lũ (Ảnh: K.V)

Theo báo cáo nhanh ngày 19/9/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tình hình thiệt hại do mưa lớn trong đêm ngày 18/9 và ngày 19/9, lũ gây ngập một số cầu tràn tại xã Hà Lâu, ngập úng 21ha hoa màu tại xã Yên Than và sạt lở 70m3 đất sau UBND huyện Tiên Yên, hiện nước đã rút. Huyện Bình Liêu, sạt lở một số điểm cục bộ trên quốc lộ 18C (đoạn tại xã Đồng Tâm) nhưng không gây ách tắc, 03 nhà bị hư hỏng tại xã Lục Hồn, không có thiệt hại về người. Các địa phương đã chủ động biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả.

Tại tỉnh Nghệ An, theo Báo cáo nhanh số 75/VP-PCTT ngày 19/9/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tình hình thiệt hại do mưa lớn kèm theo lốc gây lũ quét tại các xã Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Na huyện Tương Dương. Đến 17 giờ ngày 19/9, 03 trường học bị ảnh hưởng lũ quét (Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS, Tiểu học bản Pa Tý xã Yên Tĩnh và Trường Tiểu học bản Yên Hương xã Yên Hòa) cơ bản đã hoàn thành công tác khắc phục, dọn dẹp, vệ sinh trường và bắt đầu hoạt động dạy học từ ngày 20/9; riêng trường Pa Tý đã tiếp tục dạy học từ 19/9.

Tại tỉnh Bắc Kạn, theo báo cáo nhanh số 72/BC-VPPCTT ngày 19/9/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của mưa lớn, nên 01 vị trí của đường tỉnh 258B trên địa bàn tỉnh bị sạt lở taluy âm với chiều dài 14m, sâu 4m.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, theo báo cáo nhanh ngày 19/9/2018 của Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam, tính đến 17h ngày 19/9/2018, lũ đã gây thiệt hại 1.519 ha lúa.

Về tình hình lũ trên sông Cửu Long, mực nước lúc 7h00 ngày 20/9, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,93m (dưới báo động 2 là 0,07m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,54m (trên báo động 2 là 0,04m). Dự báo, mực nước sông Cửu Long sẽ lên theo triều. Đến ngày 23/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,0m (ở mức báo động 2); tại Châu Đốc lên mức 3,6m (trên báo động 2 là 0,1m).

Về tình hình hồ chứa thuỷ điện, hiện nay, hồ Hòa Bình, Sơn La đang ở mức cao (lúc 7h00 ngày 20/9, mực nước hồ Hoà Bình ở mức 116,92m, hồ Sơn La ở mức 214,41m). Hồ Hòa Bình đã mở 01 cửa xả đáy từ 15h00 ngày 19/9/2018.

Về hồ chứa thủy điện khác, trong 183 hồ cập nhật thông tin vận hành, có 36 hồ xả điều tiết qua tràn, trong đó: khu vực Bắc Bộ có 72 hồ, hiện 05 hồ chứa vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa, xả nước qua tràn; khu vực Bắc Trung Bộ có 16 hồ, hiện 05 hồ chứa vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa, xả nước qua tràn.

Về hồ chứa thuỷ lợi, khu vực Bắc Bộ có 185/289 hồ chứa lớn và 2.128/2.696 hồ chứa nhỏ tích đầy nước, trong đó có 04 hồ chứa có cửa van đang vận hành xả lũ. Khu vực Bắc Trung Bộ có 33/135 hồ chứa lớn và 1.185/1.785 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Hồ có cửa van vận hành xả lũ: Hồ Vực Mấu (Nghệ An) xả 20m3/s.

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cảnh báo mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và lũ trên sông Cửu Long; chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Các tỉnh miền núi, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu khi có mưa lớn để kịp thời cảnh báo, sơ tán người dân, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng theo dõi.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên theo dõi, đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao và chuẩn bị phương án xử lý sự cố giờ đầu; tổ chức tuần tra, phát hiện các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch để cảnh báo, sơ tán người dân kịp thời.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai./.

Theo dangcongsan.vn