Thứ 7, 23/11/2024, 09:47[GMT+7]

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, thực hiện nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về lĩnh vực kinh tế, ngân sách

Thứ 6, 21/09/2018 | 08:49:13
1,005 lượt xem
Hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Do vậy, thời gian qua, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát về lĩnh vực khó này.

Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn đạt 7 - 8% năm. 6 tháng đầu năm 2018, Thành phố Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng 7,07%, thu ngân sách đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ… Thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tầu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước. Điều đó đặt ra cho HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm vụ quan trọng là phải giám sát và bảo đảm việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND Thành phố Hà Nội đã triển khai các hoạt động giám sát bao gồm: xem xét báo cáo và chất vấn tại kỳ họp, giám sát chuyên đề, giải trình; trong đó có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách.

Tại các kỳ họp, HĐND thành phố đều dành 1 ngày làm việc cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn, các vấn đề liên quan đến ngân sách như: quản lý chợ gắn với hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm; vấn đề nợ đọng thuế, phí và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp... Thường trực HĐND thành phố cũng đã tổ chức thành công 3 phiên giải trình, trong đó có 2 phiên về lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Hoạt động chất vấn, giải trình đều được tổ chức theo đúng quy định, khoa học, hiệu quả, có phát video phóng sự trực quan về nội dung; có báo cáo tóm tắt của các cơ quan; đại biểu HĐND hỏi, lãnh đạo UBND thành phố và các cơ quan có liên quan trả lời, giải trình sâu từng nhóm vấn đề, tranh luận dân chủ, thẳng thắn... Thông báo kết luận phiên chất vấn, giải trình với các nội dung rõ ràng, cụ thể, ghi rõ các cam kết trả lời, các mốc thời gian thực hiện để yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và thuận tiện cho cử tri theo dõi, giám sát.

Thường trực, các ban, tổ đại biểu HĐND cũng đã tiến hành nhiều cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề liên quan đến kinh tế, ngân sách. Trong đó, HĐND thành phố tổ chức 6/9 cuộc giám sát chuyên đề; Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Đô thị tổ chức được 41 cuộc giám sát, khảo sát; các tổ đại biểu HĐND thành phố đã tổ chức được 15 cuộc giám sát. Nhiều chương trình giám sát về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội; công tác triển khai, thực hiện dự án, công trình trọng điểm; tình hình giao kế hoạch và phân bổ dự toán ngân sách; tình hình mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; việc thực hiện kiến nghị Kiểm toán Nhà nước; công tác quản lý chung cư cũ, biệt thự cổ; tình hình xử lý vi phạm trật tự xây dựng... đã đạt hiệu quả cao, là tiền đề quan trọng để Thành ủy, HĐND, UBND thành phố bàn thảo, xây dựng các chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy thực hiện theo đúng yêu cầu, quy định. Kết quả giám sát chuyên đề cùng nhiều nội dung giám sát, khảo sát đột xuất khác còn là nguồn dữ liệu để các ban HĐND thực hiện thẩm tra các nội dung theo lĩnh vực được phân công, giám sát qua báo cáo các nội dung tại kỳ họp HĐND. Các ban HĐND thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố; bảo đảm nội dung thẩm tra có tính phản biện cao, cung cấp nhiều thông tin để HĐND thảo luận, quyết nghị. Riêng đối với thẩm tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo được chia làm 4 lĩnh vực để 4 ban HĐND thẩm tra riêng và giao 1 ban tổng hợp thành báo cáo thẩm tra chung. Thẩm tra của các ban luôn được UBND thành phố và các ngành có liên quan tiếp thu, giải trình bổ sung nếu cần và tạo nên không khí thảo luận sôi nổi, quyết nghị chất lượng tại kỳ họp HĐND.

Để đạt được hiệu quả toàn diện, chất lượng trong hoạt động giám sát nói chung và giám sát trên lĩnh vực kinh tế, ngân sách ở HĐND thành phố Hà Nội trước hết là luôn có sự quan tâm của Thành ủy, các đồng chí lãnh đạo thành phố đối với hoạt động của HĐND. Các kết quả giám sát, hoạt động chất vấn, phiên giải trình, thẩm tra của HĐND luôn được Thành ủy chú trọng, sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, xem xét trong các hội nghị quan trọng và có những ý kiến, kết luận cụ thể. Bố trí cán bộ lãnh đạo, chuyên trách HĐND hầu hết đều là những đồng chí có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, có bản lĩnh, có quan điểm thẳng thắn và xây dựng, cùng sự vào cuộc của các đại biểu là thành viên không chuyên trách của 4 ban. Các chương trình công tác của HĐND thành phố đều được xây dựng ngay từ đầu năm theo từng danh mục cụ thể, trong đó phân công các cơ quan chủ trì, phối hợp, tham mưu và “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”. Riêng đối với lĩnh vực kinh tế, ngân sách, Thường trực HĐND thành phố luôn dành sự quan tâm, có chỉ đạo thường xuyên và yêu cầu các bộ phận liên quan nghiên cứu kỹ, tích lũy kiến thức, tài liệu, thông tin đầy đủ, nắm chắc các nội dung. Thường trực, các ban và tổ đại biểu HĐND thành phố luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát. Quy trình tổ chức hoạt động giám sát, thẩm tra, tổ chức chất vấn, phiên giải trình đều được thực hiện bảo đảm: chuẩn bị kỹ càng, chu đáo; triển khai hoạt động giám sát bài bản, khoa học, công khai; thông báo kết luận giám sát cụ thể; chú trọng hậu giám sát, tăng cường tái giám sát.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách hơn nữa, giải pháp mà Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội đề xuất là: Xác định và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm, đề cao tính chủ động của Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban, đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Tiếp tục nâng cao năng lực giám sát, chủ động linh hoạt đổi mới từ nội dung, phương thức tổ chức thực hiện giám sát theo hướng nhóm vấn đề đi vào trọng tâm, trọng điểm, công khai, dân chủ, hiệu quả, vì dân, sát dân và gắn với thực tiễn cơ sở. Các kết luận giám sát phải cụ thể, rõ trách nhiệm của các đơn vị, rõ lộ trình yêu cầu khắc phục để các đơn vị phải triển khai thực hiện. Tăng cường tái giám sát, theo đến cùng việc thực hiện kết luận giám sát. Tận dụng tối đa các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các ngành, các cấp đã có để tránh trùng lặp và bổ sung, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về lĩnh vực kinh tế, ngân sách làm cẩm nang giúp cho việc nắm bắt, so sánh, đánh giá tình hình, kết quả, mục tiêu thực hiện một cách chính xác, chất lượng. Tiếp tục nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu giúp việc, nhất là phục vụ cho lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội giảm số lượng đại biểu HĐND và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, tăng số lượng đại biểu chuyên trách; có cơ chế, chính sách đặc thù quy định cụ thể trong Luật cho các đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục có các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm công tác của HĐND nói chung và đối với hoạt động giám sát, giám sát trên lĩnh vực kinh tế, ngân sách nói riêng…

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội