Thứ 2, 25/11/2024, 02:29[GMT+7]

Hà Nam: Nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

Thứ 6, 21/09/2018 | 09:05:19
997 lượt xem
Thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam luôn quan tâm, chỉ đạo hiệu quả hoạt động giám sát, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Làm tốt công tác giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương, luật pháp của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Chính vì vậy, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam luôn quan tâm, chỉ đạo hiệu quả hoạt động giám sát, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Để những ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, đúng luật, trước khi giám sát, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, phân nhóm ý kiến, tiến hành khảo sát kỹ từng nội dung mà cử tri có ý kiến, kiến nghị để tránh tình trạng giải quyết, trả lời chung chung, gây bức xúc đối với cử tri và nhân dân. Cùng với việc ban hành quy định về quy trình tiếp nhận, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh Hà Nam, Thường trực HĐND tỉnh phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của các tổ đại biểu, của từng đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên từng địa bàn trong tổ chức hoạt động giám sát, do vậy đã rút ngắn được thời gian giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, hiệu quả giải quyết cũng được nâng cao.

Tại các phiên họp hàng tháng, Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND và các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổng hợp, rà soát, xem xét, chọn những vấn đề cử tri bức xúc, những vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết; yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện việc giải trình tại phiên họp. Qua giải trình, chỉ ra nguyên nhân của việc chậm giải quyết để có các giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ. Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Pháp chế giám sát, khảo sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri tại các sở, ban ngành, địa phương; đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ đại biểu tổng hợp ý kiến và chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết và tổng hợp báo cáo trình tại kỳ họp HĐND tỉnh gần nhất.

Đặc biệt, trong các kỳ họp của HĐND tỉnh Hà Nam, phiên trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và phiên chất vấn, trả lời chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Thường trực HĐND tỉnh còn thiết lập đường dây nóng, cử cán bộ theo dõi, tiếp nhận để chuyển trực tiếp ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri tới chủ tọa kỳ họp. Chủ tọa kỳ họp sẽ xem xét, phân loại các ý kiến và giao cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trả lời ngay tại phiên họp hoặc trả lời bằng văn bản gửi về Thường trực HĐND tỉnh và trả lời tại các kỳ họp HĐND các huyện, thành phố. Việc trả lời ý kiến, kiến nghị qua đường dây nóng và ý kiến các đại biểu trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong tỉnh, mang lại những kết quả thiết thực, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian qua, việc giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng thường xuyên được lãnh đạo HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo trong các cuộc họp giao ban tuần với trưởng các ban, Văn phòng HĐND tỉnh. Tại đây, các vấn đề báo chí trung ương và địa phương phản ánh, dư luận xã hội quan tâm được nêu lên để Thường trực HĐND tỉnh kịp thời có chỉ đạo giải quyết.

Dây chuyền sản xuất sữa của Công ty Cổ phần Sữa Hanamilk Hà Nam (Duy Tiên, Hà Nam).

Tuy nhiên, hiện nay đa số các đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND còn hạn chế, một số ít còn tâm lý nể nang, nhất là trong hoạt động chất vấn, yêu cầu giải trình. Các đại biểu mới thực hiện tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu ra mình theo sự phân công của tổ đại biểu. Ở một số đơn vị vẫn còn tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”, đại biểu “chuyên trách” nên phần nào cũng còn những hạn chế trong nắm bắt, thu thập các ý kiến, nguyện vọng của người dân, của bản thân cử tri. Sau các cuộc tiếp xúc cử tri, công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri, có nơi còn chưa đầy đủ. Việc giải quyết một số kiến nghị cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND các cấp thuộc trách nhiệm của một số cơ quan có thẩm quyền chưa được tập trung giải quyết dứt điểm, thấu đáo… Vì vậy, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam cho rằng cần phải tăng cường trách nhiệm của tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh trong giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri đối với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn; kịp thời kiến nghị những nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn để chất vấn tại kỳ họp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; thông tin kịp thời kết quả giải quyết trên các phương tiện truyền thông. Đối với các nội dung đang giải quyết cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là những kiến nghị có nhiều bức xúc, có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động đến nhiều người. Lựa chọn kỹ các nội dung giám sát cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao chất lượng xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Tăng cường theo dõi việc thực hiện giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng, các địa phương, kịp thời kiến nghị chỉ đạo thực hiện và có biện pháp xử lý nếu thiếu trách nhiệm…

Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam