Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục: Góc nhìn của người trong cuộc
“Lạ” mà không “lạ”
Những tiết học TV1-CNGD đầu năm học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Thái Bình) cũng không khác biệt gì so với những năm trước. Ở bài học đầu tiên, vừa chỉ tay vào các ô vuông, các em vừa đọc hai câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Không chỉ ô vuông mà ngay cả khi chỉ vào các đồ vật khác như: cục nam châm, nắp bia, ngón tay, các em cũng đọc trôi chảy hai câu thơ này. Nhiều người gọi đây là cách dạy “lạ”.
Cô giáo Lê Thị Kim Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ: Đây không phải là năm đầu tiên nhà trường dạy TV1-CNGD mà 4 năm qua, nhà trường đã triển khai dạy chương trình này vì thế cách dạy này chỉ lạ với những người không có con học tiểu học hoặc chưa từng cầm vào cuốn sách này. Đến nay, nhiều phụ huynh còn gửi gắm sự tin tưởng khi thấy con em mình sớm đọc thông, viết thạo, nắm rất chắc luật chính tả. Ưu điểm của phương pháp dạy học này là học sinh nắm chắc luật chính tả, học sinh phát âm và viết chuẩn, kể cả những tiếng phiên âm chữ nước ngoài.
Cũng theo cô giáo Lê Thị Kim Hạnh, với những học sinh có khả năng nhận thức ở mức trung bình khá thì các em sẽ tiếp thu kiến thức rất nhanh, tuy nhiên với những em có khả năng nhận thức hạn chế thì giáo viên phải dành nhiều thời gian quan tâm hơn.
Tại Trường Tiểu học Phú Xuân (thành phố Thái Bình), mặc dù chỉ học được vài buổi song các em học sinh lớp 1 đã quen với những ký hiệu mà cô giáo thực hiện trong tiết học TV1-CNGD. Khi cô giáo cầm thước chỉ vào các cục nam châm gắn trên bảng, hơn 50 học sinh lớp 1A2 đọc trôi chảy 2 câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoan, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2, Trường Tiểu học Phú Xuân cho biết: Theo chương trình dạy tiếng Việt truyền thống, thầy cô giáo muốn dạy học sinh âm gì thì viết âm đó lên bảng với các chữ cái và học sinh chỉ cần đọc, ghi nhớ âm đó là được, dùng lâu dần sẽ thành quen. Còn trong chương trình của công nghệ giáo dục, thời gian đầu, học sinh sẽ đếm tiếng, sau đó học sinh tự phân tích ngữ âm và ghép thành các chữ mới. Qua đó, học sinh có thể tạo ra bộ chữ viết riêng của mình. Trong quá trình đó, bước đầu tiên là các em phải học tách câu thành từng tiếng. Và việc dùng các ký tự như hình vuông, hình tròn, hay tam giác chỉ phục vụ cho việc tách câu để đếm tiếng. Việc dạy như thế này chỉ xuất hiện khi các em học bài đầu tiên trong sách TV1-CNGD.
Cũng theo cô giáo Nguyễn Thị Hoan, việc dùng các hình khối chỉ là cách mà TV1-CNGD sử dụng như một vật hiện hữu để học sinh có thể học cách tách tiếng. Nếu thay các khối hình này bằng các vật hiện hữu khác như viên phấn, bút, nắp bia, sỏi, đá… thì các em cũng đọc được. Vì vậy, nếu phụ huynh chưa thực sự hiểu và không theo sát quá trình học của các con thì dễ dẫn đến tình trạng phản đối TV1-CNGD như những ngày qua.
Từ lo lắng sang tin tưởng
Chương trình công nghệ giáo dục được áp dụng dạy ở một số trường học tại Thái Bình từ năm học 1993 - 1994 đến năm 2000 thì dừng lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đổi mới. Đến năm học 2014 - 2015, được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục Thái Bình áp dụng dạy TV1-CNGD ở 32 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, năm học 2015 - 2016 là 197 trường, năm học 2016 - 2017 là 282 trường và được triển khai đại trà từ năm học 2017 - 2018 ở 295 trường với 895 lớp và 28.002 học sinh. Như vậy, đến nay, Thái Bình là 1 trong 48 tỉnh, thành phố dạy TV1-CNGD.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, về quá trình triển khai, mặc dù thời gian đầu còn gặp khó khăn, song đội ngũ giáo viên trong tỉnh đã tự trau dồi kiến thức, học hỏi qua các buổi tập huấn nên đến thời điểm này, kiến thức và chuyên môn của giáo viên tương đối tốt. Kết quả đạt được trong những năm qua là học sinh tiếp thu kiến thức nhanh, nắm vững cấu tạo ngữ âm, luật chính tả, đọc thông, viết thạo là minh chứng rõ nhất của phương pháp dạy học này. Đây cũng là điều khiến phụ huynh yên tâm để con học theo TV1-CNGD.
Chị Nguyễn Thị Mai (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) có con đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chia sẻ: Con tôi đã từng học chương trình TV1-CNGD. Tôi nhận thấy rằng mặc dù chương trình khác rất nhiều so với phương pháp dạy truyền thống song lại rất ưu việt. Con tôi bây giờ học lớp 4, cháu nắm rất chắc luật chính tả, đặc biệt là về phần ngữ âm. Nhờ con về dạy lại cho bố mẹ nên đến giờ tôi mới biết thế nào là âm tiết, âm vị.
Cùng quan điểm với chị Mai, chị Lại Khánh Linh (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Lúc đầu, khi Trường Tiểu học Kim Đồng tổ chức họp phụ huynh và thông báo về việc triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục, tôi và nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng về tính hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, đến bây giờ, khi con tôi lên lớp 2, tôi nhận thấy phương pháp dạy học này giúp trẻ hạn chế được việc đọc và viết sai chính tả rất nhiều. Tuy nhiên, nếu năm sau có cải cách tôi mong muốn cuốn sách sẽ có thêm phần giải thích nghĩa của từ để giúp trẻ có vốn từ vựng phong phú.
Mặc dù TV1-CNGD có nhiều ưu điểm song qua quá trình dạy học đại trà tại Thái Bình, theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý và giáo viên, chương trình vẫn còn một số hạn chế như: chưa đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 5, “chân không” về nghĩa (không dạy nghĩa của từ, tiếng, đoạn văn)… Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học, từ năm học 2019 - 2020 đối với lớp 1, các năm học sau lần lượt đối với lớp 6 và lớp 10. Như vậy, chỉ còn một năm nữa, các em học sinh lớp 1 sẽ học sách giáo khoa mới, đồng nghĩa với việc năm học này Thái Bình sẽ giữ ổn định dạy TV1-CNGD cho đến khi thay sách giáo khoa mới.
Video: tieng_viet_1_cong_nghe_giao_duc_1_web_031018.mp4
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Thái Bình) Cô giáo Cao Thị Phương Lâm, tổ trưởng tổ Tiếng Việt, Trường Tiểu học Phú Xuân (thành phố Thái Bình) Chị Lại Hồng Hạnh, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) Cháu Đỗ Gia Huy, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hùng Dũng (Hưng Hà) Con đã từng học sách TV1-CNGD, con không thấy khó mà ngược lại, cách cô dạy rất hay. Trong tiết học cô không nói nhiều mà cô sử dụng các ký hiệu bằng tay để học sinh thực hiện. Tuy nhiên, con thấy một số bạn học yếu trong lớp thì thực hiện các thao tác hơi chậm nên cô giáo phải dành nhiều thời gian dạy các bạn hơn. |
Đặng Anh
Tin cùng chuyên mục
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước 25.11.2024 | 21:36 PM
- Thông cáo báo chí số 25, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV 25.11.2024 | 21:36 PM
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024 25.11.2024 | 22:07 PM
- Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 25.11.2024 | 21:37 PM
- Đại biểu HĐND tiếp xúc với cử tri huyện Vũ Thư trước kỳ họp thứ chín 25.11.2024 | 19:07 PM
- Tuyên bố chung Việt Nam-Bulgaria 25.11.2024 | 18:44 PM
- Đại biểu HĐND: Tiếp xúc cử tri tại huyện Đông Hưng 25.11.2024 | 18:45 PM
- Hưng Hà: Triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2025 25.11.2024 | 18:45 PM
- Tiếp nhận ủng hộ màn tuyn cho nhân dân sau bão số 3 25.11.2024 | 18:47 PM
- Hưng Hà: Ra mắt mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình 25.11.2024 | 17:39 PM
Xem tin theo ngày
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh