Góp vui đêm rằm
Sắp đến rằm Trung thu, chúng tôi tìm về gia đình ông Đỗ Văn Tý, xóm 4, thôn Vô Thái, xã Dũng Nghĩa đúng vào thời điểm ông đang cặm cụi, tỉ mẩn khâu những đường chỉ cuối cùng để hoàn thành chiếc mặt nạ giấy bồi. Đôi bàn tay nhăn nheo nhưng động tác thoăn thoắt thể hiện sự lành nghề, lão luyện của một người thợ thủ công đã từng có hơn 15 năm trong nghề. Ngôi nhà rộng gần 70m2 lúc nào cũng chứa đầy những chiếc mặt nạ và đầu sư tử, đầu lân làm từ giấy bồi đầy đủ sắc màu, kích cỡ.
Theo như ông Tý, để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi cần trải qua nhiều công đoạn: từ khâu chọn giấy, xé giấy thành từng miếng, bôi hồ dán và phơi khô, sau đó chọn màu sơn quét cho phù hợp và cuối cùng là khâu dây đeo. Mỗi ngày, gia đình ông làm được từ 100 - 200 chiếc mặt nạ và khoảng trên 200 đầu sư tử. Giá bán mỗi chiếc đầu sư tử bé nhất là 30.000 đồng, to nhất lên đến 3,5 triệu đồng. Giá mỗi chiếc mặt nạ dao động từ 25.000 - 40.000 đồng. Ngoài lực lượng lao động chính của gia đình, ông Tý thuê thêm 2 lao động cùng làm.
Ông Tý cho biết: Công việc này không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn. Nguyên liệu để làm mặt nạ và đầu sư tử là giấy báo, vở cũ được ông tận dụng. Ông làm công việc này chủ yếu xuất phát từ tình yêu thương dành cho con trẻ. Nhìn thấy những nụ cười của các cháu, ông thấy rất ấm lòng.
Mỗi dịp trung thu cận kề, trẻ con trong xóm lại tụ họp rất đông để xem anh Hòa, anh Chiều làm đầu lân.
Hàng năm, gia đình ông Tý làm mặt hàng này từ tháng 3 âm lịch, khi đó chỉ làm khung và dán giấy. Đến tháng 9, tháng 10 âm lịch, gia đình ông mới đem ra phơi khô và quét sơn bởi theo như chia sẻ của ông Tý, nếu quét sơn ngay từ tháng 3 thì khi đến mùa trung thu, giấy sẽ bị bạc màu. Điều đặc biệt, cứ mỗi độ hè về, ngày nào cũng có hàng chục học sinh trong thôn, trong xã đến nhà ông tham gia làm mặt nạ và đầu sư tử. Cháu thì khâu vá, cháu bôi hồ dán, cháu quét sơn. Các sản phẩm của gia đình ông không chỉ được bán cho các hộ dân trong xã, trong huyện và tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Thanh Hóa…
Những ngày này, khách đến hỏi mua đầu sư tử và mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Tý khá đông.
Trong cái rộn ràng của mùa tết thiếu nhi, chúng tôi đến gia đình anh Vũ Ngọc Hòa và gia đình anh Phạm Minh Chiều, thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng. Từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng trống, tiếng kẻng tùng tùng, keng keng... Những đèn ông sao được trang trí khắp từ cổng vào trong nhà trông rất bắt mắt. Nếu chỉ nhìn vào những sản phẩm đầu lân của các gia đình, ít ai có thể đoán ra rằng đây lại là sản phẩm của những người nông dân bởi đường nét và màu sắc rất hài hòa. Những “chú lân” đã hoàn thành được xếp cẩn thận, ngay ngắn trên kệ. Mặc chiếc áo còn đọng màu sơn, anh Chiều tỉ mẩn làm tiếp những chiếc đầu lân để kịp chuẩn bị cho các cháu vui trung thu.
Không đòi hỏi phải trả công, không tiền thù lao, anh Chiều chia sẻ: Tôi thấy các cháu thích nên đã bàn với anh Hòa, 2 người cùng góp vốn mua nguyên liệu về làm đầu lân. Công việc này không gian khổ nhưng mất cũng khá nhiều thời gian, tôi tranh thủ làm những lúc rảnh rỗi, chủ yếu là buổi tối. Nhìn nụ cười của bọn trẻ chúng tôi như thấy mình cũng trẻ ra vài tuổi.
Mặt nạ giấy bồi và đầu sư tử được bày bán đủ mọi kích cỡ, đa dạng màu sắc trông rất bắt mắt.
Để làm ra một chiếc đầu lân cần trải qua khá nhiều công đoạn. Khâu đầu tiên phải chọn được cây tre non mềm dẻo để dễ uốn thành khuôn. Sau đó, bọc vải và khâu lông. Quá trình này đòi hỏi sự khéo tay và kiên trì.
Anh Hòa tâm sự: Tôi theo bố làm đầu lân từ khi còn học lớp 6. Lớn lên vì bận nhiều việc nên việc làm đầu lân cũng bị bỏ ngỏ. Đến bây giờ, tuổi đã ngoại tứ tuần rồi mình mới tìm lại cái thú vui ngày xưa. Nhưng khi làm là say lắm. Hơn nữa mình làm chủ yếu vừa để góp vui cho các cháu, vừa giữ gìn được những nét truyền thống của cha ông để lại.
Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, những đồ chơi dân gian sẽ ngày càng bị mai một nếu không có những người như ông Tý, anh Hòa, anh Chiều. Họ là những người lặng lẽ góp vui đêm hội trăng rằm, những người “giữ hồn” dân tộc bằng nghề làm mặt nạ và đầu sư tử truyền thống.
Thu Trang
Tin cùng chuyên mục
- Cục CSGT lý giải mức phạt vi phạm giao thông mới tăng hàng chục lần từ 1/1/2025 29.12.2024 | 21:01 PM
- Năm 2024 nắng nóng, bão mạnh bất thường 29.12.2024 | 21:01 PM
- Doanh thu phí bảo hiểm đi lùi năm thứ 2 liên tiếp 29.12.2024 | 21:01 PM
- 50 VĐV tham gia giải Pickleball huyện Tiền Hải lần thứ I năm 2024 29.12.2024 | 21:00 PM
- Khoảnh khắc máy bay chở 181 người của Hàn Quốc bốc cháy 29.12.2024 | 16:59 PM
- Hàn Quốc xác nhận ít nhất 167 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay 29.12.2024 | 16:59 PM
- Đối thoại, tránh đối đầu 29.12.2024 | 17:00 PM
- Sưởi ấm ngày đông với ly trà sữa gừng thơm nồng 29.12.2024 | 17:00 PM
- Tiền Hải: 100% cơ sở giáo dục mầm non đạt tiêu chuẩn trường học an toàn 29.12.2024 | 16:14 PM
- Vũ Thư: Khen thưởng 23 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực: tài nguyên và môi trường, kinh tế và hạ tầng, nông nghiệp và phát triển nông thôn 29.12.2024 | 16:15 PM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh