Chủ nhật, 24/11/2024, 10:12[GMT+7]

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của múa lân

Thứ 2, 24/09/2018 | 09:02:36
3,929 lượt xem
Tuy mang lại không khí trung thu đến sớm và niềm vui cho mọi người đặc biệt là các em nhỏ, song nhiều đội múa lân cũng mang đến không ít phiền hà khi làm náo loạn sự yên tĩnh của khu dân cư, thay vì vui chơi lại là biến tướng của hình thức xin tiền...

Một đội múa sư tử xin tiền ở đường Minh Khai (thành phố Thái Bình).

Mỗi dịp tết Trung thu chỉ cần đi một vòng các tuyến phố, các khu vui chơi giải trí nơi tập trung đông người ở thành phố Thái Bình, mọi người dễ dàng bắt gặp những đoàn múa lân (múa sư tử) rộn ràng biểu diễn. Thậm chí, các đoàn múa lân vào từng ngõ, đến từng nhà là chuyện không còn xa lạ với nhiều người dân. Tuy mang lại không khí trung thu đến sớm và niềm vui cho mọi người đặc biệt là các em nhỏ, song nhiều đội múa lân cũng mang đến không ít phiền hà khi làm náo loạn sự yên tĩnh của khu dân cư, thay vì vui chơi lại là biến tướng của hình thức xin tiền...

Theo quan niệm xưa, Lân, Ly, Quy, Phượng là 4 con vật tứ linh mang lại nhiều may mắn. Một đội múa lân đầy đủ thường có mặt đủ hình tượng của cả 4 con vật tứ linh. Ngoài ra còn có sự xuất hiện dẫn dắt tứ linh của ông Địa với mặt nạ cười to tròn, đôi mắt hiền từ, bụng phệ, trên tay luôn cầm chiếc quạt phe phẩy và dáng đi nhún nhảy, ngộ nghĩnh. Các đội múa lân thường xuất hiện ở những lễ hội truyền thống trong nhịp trống rộn ràng với mục đích thu hút sự chú ý, tham gia của mọi người. Đồng thời mang ý nghĩa xua đi tà khí, đem đến cuộc sống an lạc, nhiều may mắn và niềm vui, phát tài phát lộc cho mọi người dân. 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều địa phương còn duy trì các đội múa lân truyền thống với đầy đủ tứ linh, được đầu tư kỹ lưỡng cả về trang phục và luyện tập kỹ thuật, điển hình như ở xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình), Đông Thọ, Đông Hoàng (Đông Hưng), Độc Lập (Hưng Hà)... Khi biểu diễn thường có nhiều bài múa, mỗi bài mang một nội dung, ý nghĩa khác nhau song đều thể hiện được sự bài bản, chuyên nghiệp trong từng động tác và có sự phối hợp nhịp nhàng, hòa quyện giữa các linh vật và nhân vật ông Địa. Đội múa lân xuất hiện ở đâu thường thu hút hàng đoàn người đi theo và các điểm dừng chân biểu diễn người dân thường quây thành vòng tròn để đội múa ở giữa.

Những năm gần đây, các đội múa lân xuất hiện trên địa bàn thành phố Thái Bình nhiều hơn và thành phần, trang phục cũng đơn giản hơn, hầu hết là tự phát và do các em thiếu nhi thực hiện. Chỉ với 1 - 2 chú sư tử, ông Địa cùng với một cặp xèng, 1 chiếc trống là đã thành một đội múa lân rộn ràng. 

Em Dũng, một thành viên đội múa lân xuất hiện ở đường Lê Quý Đôn (thành phố Thái Bình) cho biết: Từ 2 năm trước, chúng em được các bác trong tổ dân phố quyên góp mua cho bộ múa sư tử này để tập biểu diễn mỗi dịp tết Trung thu. Nay gần đến trung thu, các bác cho chúng em mang ra tự do tập múa và gõ trống cho có không khí. Đi loanh quanh trong khu ngõ mãi cũng chán nên chúng em rủ nhau ra ngoài đường phố để có nhiều người xem. 

Ngoài các đội sư tử nho nhỏ tự phát của các em thanh thiếu nhi, tại các khu vui chơi tập trung đông người như Quảng trường 14-10, đường Lê Quý Đôn cũng xuất hiện đội múa do người lớn thực hiện và đến từ tuyến huyện. Có đội có cả sư tử, rồng trang phục lộng lẫy có đèn nhấp nháy và biểu diễn khá bài bản. 

Anh Thanh, một trong những thành viên đội sư tử biểu diễn ở Quảng trường 14-10 cho biết: Tiện nhà có ô tô tải, chúng tôi lên xe đi lòng vòng trong xã và đi luôn từ Đông Hưng lên thành phố. Vừa đi vừa gõ trống rộn ràng dọc đường đi nên cũng thu hút nhiều người đi theo xem. Mục đích cũng chỉ là để các em thiếu nhi và mọi người xem cho vui.

Biểu diễn múa sư tử tại Quảng trường 14-10 (thành phố Thái Bình).

Cùng xem múa lân ở Quảng trường 14-10, chị Hà cho biết: Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, tối nào cũng đòi bố mẹ chở ra đường xem múa sư tử. Cũng vì muốn đi xem sư tử mà đứa bé thì ăn ngoan, đứa lớn học lớp 2 thì tự giác làm bài tập sớm để 8 giờ được đi chơi mà không phải giục như mọi hôm. Đi vòng quanh các phố gặp đội nào tôi cũng dừng lại cho các con xem. Các cháu phấn khởi, thích thú lắm. Song chị Hà cho biết, nhóm nào cũng có 1 - 2 cháu cầm rổ xin tiền người đi đường hoặc vào các quán ăn ven đường xin tiền khách bằng được, chưa cho thì nhất định chưa đi. Song cũng có đội múa sư tử của người lớn thì không cầm rổ xin tiền từng người mà có chiếc thùng xốp để mọi người xem tự nguyện, ai cho tiền thì bỏ vào. Vì vậy, cho con đi chơi nhưng chị luôn nhớ phải mang theo tiền. Tuy số tiền không nhiều, song chị cũng thấy phiền hà và băn khoăn không biết các cháu nhỏ xin tiền và sử dụng tiền như thế nào, bố mẹ các cháu ở nhà có biết để quản lý con, quản lý chi tiêu của con không. 

Ở khu đô thị Trần Lãm (thành phố Thái Bình), bà Thanh cũng cho biết: Gần đến rằm trung thu đã có 2 nhóm trẻ múa sư tử từ đâu đến chứ không phải người của tổ dân phố. Cứ nhìn thấy trong nhà điện sáng có bóng người là đứng ở cửa đánh trống ầm ĩ và gọi xin tiền, khi nào cho tiền mới đi. Thay vì vui vẻ mở cửa đón tiếp lấy may theo truyền thống, hàng xóm chúng tôi bảo nhau từ nay nghe tiếng trống từ xa là đóng cửa, tắt đèn cho đỡ phiền, bởi khi chúng gọi cửa mà không cho thì sợ chúng quậy phá. 

Hỏi chuyện một cậu bé trong đội múa sư tử, cầm rổ xin tiền khách trong quán ăn tối ở đường Minh Khai (thành phố Thái Bình), cậu bé thật thà cho biết: Có người cho chúng cháu 50.000 đồng, có người cho vài nghìn. Có hôm chúng cháu xin được vài trăm nghìn nhưng có tối chỉ được vài chục nghìn. Chúng cháu tự quản lý tiền, xin được nhiều thì chia cho mỗi đứa một ít, còn thì để dành liên hoan...

Trung thu đang đến gần, mỗi buổi tối, tiếng trống rộn ràng cùng các đội múa sư tử trên các đường phố, khu dân cư làm cho lòng người thêm phấn chấn. Nhiều người lớn thấy như được trở lại tuổi thơ, còn các em nhỏ thì háo hức bởi không khí trung thu đang đến sớm và tràn ngập. Song bên cạnh ý nghĩa giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, việc có nhiều đội múa lân tự phát và xin tiền gây phiền hà, phản cảm đã khiến không ít người ái ngại. Mong rằng các cấp chính quyền, các bậc cha mẹ, đoàn thanh niên quan tâm, hướng dẫn để các em vui chơi ý nghĩa, giữ mãi nét đẹp truyền thống múa lân mỗi dịp tết Trung thu về.

Đức Anh