Thứ 2, 25/11/2024, 00:14[GMT+7]

Lắng nghe ân tình của biển

Thứ 2, 24/09/2018 | 09:05:35
2,684 lượt xem
Trong số những bia ký còn lưu lại ở làng Bác Trạch, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, Lân Dương hầu bi ký (hay Lê Binh bộ Hiệp lý Lân Dương hầu bi ký) ghi rõ con thứ Viêm quận công Phạm Đình Sĩ là Phạm Trần Thiện được triều đình nhà Lê tấn phong Lân Dương hầu và được thụ phong là Hiệp lý Lê Binh bộ nắm chức Đề đốc binh chính vệ Tứ Ngự doanh.

Từ đường Viêm quân công làng Bác Trạch, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải nơi phối thờ Lân Dương hầu Phạm Trần Thiện.

Trong số những bia ký còn lưu lại ở làng Bác Trạch, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, Lân Dương hầu bi ký (hay Lê Binh bộ Hiệp lý Lân Dương hầu bi ký) ghi rõ con thứ Viêm quận công Phạm Đình Sĩ là Phạm Trần Thiện được triều đình nhà Lê tấn phong Lân Dương hầu và được thụ phong là Hiệp lý Lê Binh bộ nắm chức Đề đốc binh chính vệ Tứ Ngự doanh. Ông có công lớn đánh giặc ngoại xâm và dẹp bọn phản loạn ở Sơn Tước, Sơn Tây và núi Tam Tằng kinh Bắc… lập chiến công trong vòng 10 năm được đặc ân ban chức Kiêu kỵ Hiệu úy đồng thời là trung thần hộ tống vua Lê Chiêu Thống bôn tẩu ở Trung Hoa nhưng giữ khí tiết thà “làm quỷ nước Nam” chứ nhất quyết không gọt đầu, tróc tóc…

Phạm Trần Thiện (Phạm Văn Thiện) sinh ngày 5 tháng 3 năm Canh Thìn (1760) tại làng Bác Trạch, tổng Cao Mại, huyện Chân Định (nay là làng Bác Trạch, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải) niên hiệu Cảnh Hưng và mất ngày 4 tháng 3 năm Canh Thìn tại Thăng Long niên hiệu Minh Mệnh thứ 1 (1820) thọ 60 tuổi. Sau khi ông mất, nhà Nguyễn phong tặng ông danh hiệu Lê triều tiết nghĩa. Ngược dòng thời gian, nhà Lê nắm vương quyền trải mấy trăm năm tuy cuối triều phân tranh Lê - Trịnh nên không có thực quyền, ngôi vua chỉ là hư vị nhưng Thái Tổ có công lao lớn đánh tan giặc Minh giành độc lập dân tộc nên tuy đã suy vong mà tâm tình hoài Lê vẫn như một mạch nước ngầm chảy âm ỉ trong mạch đất của người dân Bắc Hà. Bối cảnh lịch sử cuối triều Lê và suốt thời kỳ Tây Sơn sau này được các sử gia chủ yếu thời kỳ nhà Nguyễn ghi chép không đầy đủ nên đã “trám” vào khoảng trống của lịch sử khối hình không đầy đủ về nhà mạt Lê trong đó có công lao xây dựng, bảo vệ nhà Lê và hộ tống vua Lê Chiêu Thống của trung thần Lê triều tiết nghĩa Lân Dương hầu Phạm Trần Thiện, người con của huyện Tiền Hải.

Nhiều tài liệu khảo cứu của các sử gia cho rằng cuối triều đại Tây Sơn, không hiếm cựu thần nhà Lê vẫn tưởng Nguyễn Ánh đang đóng vai phục quốc, hưng Lê, nhưng thực chất Nguyễn Ánh sau khi cầu viện Pháp giúp đỡ thành công đã quay lại trả thù nhà Tây Sơn với chiêu bài “phù Lê” nên vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng của triều Lê. Nguyễn Ánh cũng đã cho người liên lạc với con cháu và cựu thần nhà mạt Lê. Tân triều (Nguyễn Ánh) lợi dụng dư âm cuộc chiến chống nhà Tây Sơn để “phù Lê, diệt Trịnh” truất đi cái “mệnh trời” của Lê triều đã kéo dài trên 300 năm. Trong bối cảnh ngổn ngang vua Lê - chúa Trịnh và tàn dư nhà Tây Sơn khiến Nguyễn Ánh không thể áp dụng chính sách tru di tông thất nhà Lê giống như nhà Trần từng làm với nhà Lý, nhà Hồ với nhà Trần, Nguyễn Ánh soi bới mạnh vào sự bạc nhược và vô dụng của ông vua thất thế Lê Chiêu Thống. 

Lần giở cảo thơm. Tạp chí Nam Phong phần Hán Văn số 90, tháng 12 năm 1924, có đăng biên khảo dài 5 kỳ nhan đề “Tang thương lệ sử” tác giả là Hàm Giang Ðinh Lệnh Uy. Tài liệu này khá đầy đủ viết về cuộc đời và thân phận lưu vong của vua Lê Chiêu Thống mặc dầu chủ yếu vẫn dựa theo tài liệu triều Nguyễn và Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Cảnh ngộ bi ai, phẫn uất của ông vua vong quốc Lê Chiêu Thống mới ngoài 20 tuổi gặp hoàn cảnh trớ trêu bỗng chốc trở thành miệng tiếng cho người đời sau đàm tiếu. Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Khiêm (Kỳ) cháu vua Lê Hiển Tông, sinh ra và lớn lên đã phải chịu những lưỡi gươm tranh quyền, tranh thế treo lơ lửng trên đầu. Nhiều sử gia cùng chung một nhận định rằng Lê Chiêu Thống không phải là một hoàng tôn sống trong nhung lụa mà chỉ là một đứa trẻ mồ côi đầy bất hạnh sống chết trong tay những kẻ đam mê quyền lực và ông có thể mất mạng bất cứ lúc nào. 

Những sử liệu còn ghi lại suốt cuộc đời hơn 20 năm Lê Duy Kỳ làm vua trên danh nghĩa chỉ được một vài năm và ngay cả khi ngự trên ngai vàng cũng luôn luôn bị những thế lực khác tiếm quyền. Lúc 22 tuổi (năm Ðinh Mùi 1787) đến đầu năm Mậu Thân (1788) một khoảng thời gian khá ngắn Lê Chiêu Thống phải bôn ba khắp nơi này sang nơi khác và qua lại vùng đất trấn Sơn Nam hạ như phủ Thái Ninh, phủ Long Hưng, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương (nay là Hưng Hà, Đông Hưng, Thái Thụy, Kiến Xương và Tiền Hải)… không dưới 5 lần ghé thăm nhiều làng xã khác nhau để tìm trung thần phò vua sang cầu viện nhà Thanh và nhiều lần thoát chết trong gang tấc trên đường bôn ba. Tuy danh nghĩa là vua nhưng nhiều kẻ trong phủ Chúa lại coi ông là một món hàng để lợi dụng cũng như để buôn bán quyền lực. 

Một số sử gia đã cố gắng làm sáng tỏ cuộc đời long đong, lận đận của vị hoàng đế ngoài hai mươi tuổi này. Cụ thể từ cuối tháng 11 (âm lịch) năm Mậu Thân (1788) đến đầu tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) khoảng chừng 1 tháng vua Lê Chiêu Thống buộc phải đóng vai bù nhìn dưới quyền bảo hộ của quân Thanh. Khi nhà Tây Sơn tiến quân ra Bắc, Tôn Sĩ Nghị không thể chống đỡ thế mạnh như chẻ tre của Tây Sơn đã tháo chạy về nước, Lê Chiêu Thống không còn đất dung thân đành kéo gia quyến chạy theo quân Thanh sang Trung Hoa, chấm dứt nghiệp đế vương để sống vật vờ nơi đất khách quê người từ tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) đến tháng mười năm Quý Sửu (1793). Trên đường vong quốc Lê Chiêu Thống đã được Lân Dương hầu Phạm Trần Thiện bao bọc, chở che nhưng sau đó Lê Chiêu Thống mắc bệnh rồi chết, năm ấy khoảng 27 tuổi. Mặc dù ở ngôi vua nhưng cuộc đời Lê Duy Kỳ vốn đã khốn khổ đến lúc chạy sang nương nhờ nhà Thanh cũng vẫn gặp những cảnh ngộ éo le đầy nước mắt. Theo tài liệu khảo cứu, ngôi vua của Lê Chiêu Thống chỉ là hư vị và luôn luôn bị đe dọa bởi phủ Chúa, ông chỉ sống tương đối yên lành lúc bên cạnh vua Lê Hiển Tông đến khi quân Tây Sơn ra Bắc diệt họ Trịnh năm Bính Ngọ (1786). Nhiều sử gia cho rằng cuộc đời vua Lê Chiêu Thống cũng như chiếc ngai vàng của nhà mạt Lê những năm cuối cùng của triều đại mục nát này chỉ là một chiếc lá trôi giữa dòng nước chảy xiết.

Thông qua các tài liệu sử sách trong và ngoài nước khi đề cập đến cuộc xâm lăng của nhà Thanh đối với Đại Việt đều nhấn mạnh vào cốt lõi việc Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta chỉ với mục tiêu “hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong” đối với nhà Lê như là một nghĩa vụ thiên triều nước lớn bắt buộc phải làm cho một nước nhỏ vốn là phiên thuộc của họ. Nghiên cứu và làm sáng tỏ phần nào cuộc bôn tẩu của Lê Chiêu Thống qua đất Thái Bình dẫn đến cuộc vong quốc của vị vua cuối triều đại nhà Lê cũng là góp phần làm sáng tỏ công lao phục quốc của công thần Lân Dương hầu, Lê triều tiết nghĩa Phạm Trần Thiện, người con quê biển, sỉnh ra từ biển và khi nhắm mắt xuôi tay cũng trở về với biển.


Ông Nguyễn Thanh, Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam tại Thái Bình
Theo các tài liệu nghiên cứu, khi Nguyễn Huệ ra Bắc đã thực hiện đề nghị của Nguyễn Hữu Chỉnh nêu cao danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” để thu phục lòng người Bắc Hà và chính chiêu bài này đã khiến cho quân chúa Trịnh buông vũ khí đầu hàng. Tôi rất tán thành với nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhà Tây Sơn giữ nước chưa đầy 20 năm thì chính họ cũng bị tiêu diệt. Sự thay đổi quá nhanh trong một thời gian ngắn của nhiều thế lực, nhiều vương quyền khiến cho sử sách ghi chép về thời kỳ này bao gồm đủ loại khuynh hướng, nếu áp đặt một phía về nhà Lê chắc chắn sẽ thiếu sót và thiên vị.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tại thôn Bác Trạch, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải còn 4 bia đá khắc ghi về các nhân vật có công trạng lớn của dòng họ Phạm. Bia Tiên công chế văn, dựng ngày 15 tháng 2 năm Cảnh Hưng 13 (1752); bia Tiên công bi ký hay Chân Định huyện Cao Mại tổng Bác Trạch, xã Phạm quận công bi văn. Bia lập ngày 28 tháng 6 năm Tự Đức 9 (1856); bia Lân Dương hầu bi ký hay Lê Binh bộ Hiệp lý Lân Dương hầu bi ký và bia Hiệp trấn hầu bi ký hay Lê Tuyên Quang Hiệp trấn Bác Trạch phạm hầu bi ký.

Ông Nguyễn Văn Phung, Chủ tịch UBND xã Vân Trường, huyện Tiền Hải


Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã chúng tôi đặc biệt chú ý đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Khuyến khích nhân dân đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di tích lịch sử văn hóa điển hình như từ đường Viêm quận công Phạm Đình Sĩ ở thôn Bác Trạch. Phối hợp với chính quyền và nhân dân xã Phương Công cùng chung sức tôn tạo, tu sửa và bảo vệ di tích lịch sử Đình Tổ, nơi thờ nguyên mộ, tôn thất nhà Trần, cháu Đại tư đồ Trần Nguyên Đán là Trần Nguyên Áng (sau đổi thành Nguyễn Công Áng).


Quang Viện