Thứ 6, 22/11/2024, 21:24[GMT+7]

Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại các khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền

Thứ 5, 27/09/2018 | 08:41:15
1,703 lượt xem
Một năm cần hàng trăm triệu đồng để duy trì hoạt động, sửa chữa, duy tu công trình và cần thêm nguồn nhân lực để quản lý… là những khó khăn lớn mà ngành chức năng huyện Thái Thụy đang gặp phải trong công tác quản lý 2 khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền trong huyện.

Khu vực bến cá Vĩnh Trà (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) thu hút được nhiều tàu thuyền vào neo đậu vì có nhiều hoạt động hậu cần nghề cá.

Hiện nay, huyện Thái Thụy được nhà nước đầu tư xây dựng 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền gồm: khu neo đậu tại xã Mỹ Lộc với quy mô hơn 20ha, cho 300 tàu cá với loại tàu công suất tối đa là 300CV vào neo đậu; khu neo đậu tại xã Thái Thượng đầu tư giai đoạn 1 là 20ha, cho 104 tàu cá với loại tàu công suất tối đa là 300CV vào neo đậu. Để bảo đảm duy trì hoạt động hiệu quả tại 2 khu, UBND huyện Thái Thụy đã giao cho Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp huyện quản lý.

Theo ông Mai Đức Trung, Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp huyện: Từ khi tiếp nhận 2 khu neo đậu tàu thuyền đến nay, Trung tâm đã tổ chức quản lý bảo đảm an ninh trật tự, tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và duy trì hoạt động, Trung tâm gặp phải không ít khó khăn như cần nguồn kinh phí lớn lên tới hơn 200 triệu đồng/khu neo đậu/năm, phục vụ cho công tác quản lý, trông coi, điện nước, duy tu sửa chữa thường xuyên vì đây là công trình phòng, chống thiên tai nên hay bị tác động của mưa bão gây hư hại. Ngoài ra, do phải thực hiện thêm nhiệm vụ chức năng mới, trong khi nguồn nhân lực của Trung tâm không được tăng thêm cũng gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý.

Thực tế cho thấy, hiện nay, tại 2 khu neo đậu tránh bão trên địa bàn huyện Thái Thụy chỉ thu hút được tàu thuyền vào neo đậu khi sắp có bão xảy ra. Còn vào những ngày bình thường thì có rất ít tàu thuyền vào neo đậu. Như khu neo đậu tránh bão tại xã Thái Thượng có rất ít tàu thuyền vào neo đậu vào những ngày bình thường. Mặc dù vị trí này rất gần với khu vực thị trấn Diêm Điền, các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Hà tập trung đông số lượng lớn tàu thuyền khai thác thủy sản. Ngư dân chủ yếu cho tàu thuyền vào neo đậu tại các khu vực gần bến cá Vĩnh Trà (thị trấn Diêm Điền), cảng cá Tân Sơn (Thụy Hải)... 

Lý giải điều này, anh Trịnh Quang Vinh, chủ tàu khai thác thủy sản tại thị trấn Diêm Điền cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến tàu thuyền ít neo đậu tại khu tránh trú bão, trong đó do thói quen, tâm lý của ngư dân muốn neo đậu gần nhà. Nhưng lý do chính vẫn là tại các khu neo đậu tránh bão hiện nay không có dịch vụ hậu cần nghề cá như cung cấp nhiên liệu, ngư cụ, đá lạnh bảo quản, khu chế biến thủy sản và sửa chữa tàu thuyền... vì thế rất khó để thu hút được tàu thuyền vào neo đậu. Trong khi các khu vực khác gần bến cá, cảng cá lại phát triển tốt dịch vụ này nên thu hút được nhiều tàu thuyền vào neo đậu.

Tàu thuyền vào tránh bão tại khu neo đậu xã Mỹ Lộc (Thái Thụy).

Theo nhận định của ngành chức năng huyện Thái Thụy, trung bình một năm có từ 5 - 10 cơn bão đổ bộ vào tỉnh ta, thời gian hoạt động sử dụng khu neo đậu vào mục đích tránh trú bão cho tàu thuyền tối đa chỉ từ 15 - 30 ngày/năm. Vì thế công trình neo đậu tránh bão dư thừa tới 92% công năng sử dụng là rất lãng phí. Mặt khác, qua nghiên cứu, khảo sát quy mô, mặt bằng, vị trí và các hạng mục hạ tầng tại 2 khu neo đậu tránh bão nhận thấy rất thuận lợi cho việc thực hiện cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá như đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, chế biến thủy hải sản, xăng dầu, đá bảo quản thủy hải sản, bốc xếp hàng hóa... Cụ thể, như nhà điều hành 2 tầng của khu neo đậu có thể làm văn phòng, nhà ở công nhân; mặt bằng sân bê tông và một phần đất trống nhà nước đã đền bù, thu hồi, san lấp mặt bằng có thể làm kho bãi hàng hóa. Do vậy, ngoài mục đích tránh trú bão khu neo đậu còn kết hợp phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ giúp khai thác tối đa công năng, hiệu quả sử dụng tài sản, giảm bớt việc sử dụng kinh phí của nhà nước. Đồng thời, góp phần phát triển hoạt động khai thác thủy hải sản cũng như tạo ra thói quen cho tàu thuyền của ngư dân neo đậu tránh trú khi cần thiết.    

Ông Mai Đức Trung cho biết thêm: Để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại các khu neo đậu tránh bão thì phải thực hiện thay đổi hình thức quản lý hiện nay, cụ thể từ hình thức quản lý nhà nước chuyển sang cho tổ chức kinh tế tư nhân quản lý, trong đó có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, Trung tâm đã tham mưu UBND huyện lập đề án nghiên cứu, đề xuất tỉnh giao 2 khu neo đậu tránh bão tại xã Thái Thượng và xã Mỹ Lộc cho tổ chức kinh tế tư nhân quản lý và khai thác theo hình thức hợp đồng O&M, quy định tại khoản 9, điều 3, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước mắt huyện phải được chủ trương chấp thuận của tỉnh, hướng dẫn của các sở, ngành chức năng. Cùng với đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và những lợi ích của việc chuyển đổi hình thức quản lý.

Trần Tuấn