Thứ 6, 22/11/2024, 21:16[GMT+7]

Tiền Hải: Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 6, 28/09/2018 | 08:48:09
787 lượt xem
Theo dự báo của ngành chuyên môn, thời tiết cực đoan những tháng cuối năm gây ảnh hưởng đến lĩnh vực chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang lây lan và bùng phát trên nhiều quốc gia. Để chủ động phòng, chống bệnh DTLCP, huyện Tiền Hải đã tích cực tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tập trung vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại vùng chăn nuôi, nhằm bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi phát triển ổn định.

Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ là biện pháp thiết thực phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Dù bệnh DTLCP vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng các ngành chuyên môn đã khuyến cáo các địa phương nếu chủ quan, lơ là thì nguy cơ bệnh DTLCP xâm nhiễm vào đàn lợn là rất lớn, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Bệnh DTLCP không lây nhiễm trên người, vi rút gây bệnh DTLCP tồn tại rất lâu, khó phát hiện dẫn đến khó khăn cho công tác phòng dịch. 

Đối với huyện Tiền Hải hiện có tổng đàn lợn là 121.755 con. Để bảo vệ đàn lợn trên địa bàn, trong điều kiện chưa có vắc-xin phòng bệnh DTLCP, huyện Tiền Hải khuyến cáo nhân dân chủ động sử dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc ở các trang trại, gia trại là biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt giải pháp phòng bệnh DTLCP, thường xuyên giám sát vùng chăn nuôi, khuyến cáo hộ chăn nuôi định kỳ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi. Hạn chế tối đa việc ra, vào tham quan cơ sở chăn nuôi, nhất là các cơ sở sản xuất giống... Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở cách phòng, chống dịch bệnh động vật để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15/9 đến ngày 15/10. 

Từ đầu năm đến nay, Tiền Hải cũng đã tổ chức 2 đợt phát động vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong phạm vi toàn huyện. Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, khuyến cáo các hộ chăn nuôi bất kỳ khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh DTLCP cần thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất để lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm.

Nam Hồng là xã có nhiều trang trại, gia trại, do đó công tác tiêu độc, khử trùng tại các vùng chăn nuôi địa phương rất chú trọng. 

Ông Phạm Văn Khiết, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Theo chỉ đạo của huyện, các địa phương phải tập trung các biện pháp phòng bệnh DTLCP có nguy cơ xâm nhiễm vào đàn lợn trên địa bàn. Do đó, Nam Hồng đã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh DTLCP, thường xuyên tuyên truyền đến hộ chăn nuôi vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn. Tập trung phát quang bụi rậm xung quanh chuồng nuôi, thu gom phân, rác thải để chôn hoặc ủ vôi bột, khơi thông cống rãnh không để các mầm bệnh có nơi trú ngụ gây hại đến đàn vật nuôi. Không chỉ có Nam Hồng thực hiện tốt các đợt phát động vệ sinh, khử trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi mà nhiều địa phương cũng không chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. 

Bà Trần Thị Mừng, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Nam Trung chia sẻ: Nam Trung có đàn lợn gần 4.000 con; trâu, bò, dê 265 con; chó, mèo 600 con; gia cầm 43.460 con. Xã đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi định kỳ thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận 1 lần/tuần bằng thuốc sát trùng, vôi bột để bảo đảm cho chăn nuôi phát triển ổn định, an toàn không dịch bệnh. Ngoài thực hiện tốt khâu phun phòng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, thì việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định sẽ là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu bảo vệ đàn vật nuôi không bị lây nhiễm dịch bệnh.

Mạnh Thắng