Thứ 3, 23/07/2024, 14:34[GMT+7]

Áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất bánh đa

Thứ 3, 02/10/2018 | 09:03:57
1,908 lượt xem
Hơn 9 năm tiếp quản cơ sở sản xuất bánh đa Hoa Ngọ của bố mẹ cũng là chừng ấy năm anh Nguyễn Đăng Anh và em trai Nguyễn Tuấn Tùng (thôn Quỳnh Ngọc, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ) áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, mang lại hiệu quả cao.

Áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất bánh đa giúp tiết kiệm nhân công, thời gian, tăng hiệu quả sản xuất mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Bánh đa Quỳnh Côi được người dân cả nước biết đến, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng nếu sản xuất thủ công thì không đáp ứng đủ. Bởi vậy, anh Nguyễn Đăng Anh đã đưa máy móc vào sản xuất, tiết kiệm nhân công, giảm thời gian, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả. 

Anh Nguyễn Đăng Anh so sánh: Việc đưa máy nghiền bột, máy tráng bánh, máy sấy vào sản xuất đã giúp người làm nghề giảm vất vả đi rất nhiều. Nếu như trước kia 4 - 5 người làm bánh phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng để thổi lò, xay gạo, tráng bánh thì nay với dây chuyền sản xuất bánh đa chạy bằng điện người làm bánh chỉ cần chuẩn bị đủ nguyên liệu như gạo sạch, nước sạch là có thể khởi động dây chuyền sản xuất. Cách làm này vừa bảo đảm sản phẩm bánh đa sản xuất sạch mà còn giảm đi sự vất vả của người làm.

Hiện nay, quy mô sản xuất của cơ sở sản xuất bánh đa của hai anh em Nguyễn Đăng Anh khá rộng rãi, máy làm bánh với công suất trung bình mỗi ngày từ 5 - 6 tạ gạo và thành phẩm được khoảng 3 - 4 tạ bánh, thời gian xay bột, tráng bánh cũng chỉ trong buổi sáng. Doanh thu hàng tháng của cơ sở đạt trên 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. 

Bà Nguyễn Thị Tản, thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) cho biết: Nhiều năm trước khi chưa có máy xay, máy tráng, chúng tôi làm vất vả lắm, dậy sớm cặm cụi xay bột, tráng bánh rồi tranh thủ nắng to thì đem phơi. Sử dụng máy móc sản xuất bánh đa chúng tôi nhàn hơn rất nhiều, thu nhập ổn định khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Chúng tôi vẫn có thể tranh thủ cấy lúa, trồng hoa màu và chăm sóc gia đình.

Các công đoạn trong quá trình chế biến làm bánh đa được thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn gạo, sử dụng nguồn nước sạch. Gạo được ngâm từ 9 - 10 giờ, sau đó đưa vào máy xay và tráng bánh. Sau khi tráng bánh xong đưa ra phên phơi nắng, hoặc những ngày không có nắng thì đưa vào hệ thống sấy khô. Bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở bánh đa Hoa Ngọ đã khẳng định uy tín của mình. Trong cơ sở, anh Nguyễn Đăng Anh phụ trách phần chất lượng sản phẩm còn người em Nguyễn Tuấn Tùng phụ trách mở rộng thị trường. 

Anh Tùng cho biết: Theo nhu cầu của khách hàng, hiện nay, cơ sở có những loại bánh thái theo từng kích thước khác nhau, loại nhỏ, loại to và có cả bánh đa màu gấc. Thị trường tiêu thụ không chỉ bó hẹp trong huyện, trong tỉnh mà sang cả các tỉnh bạn. Dịp lễ, tết hay mùa mưa, cơ sở sản xuất không đáp ứng được hết nhu cầu thị trường. 

Chị Nghiêm Thị Thủy, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình cho biết: Bánh đa là món ăn quen thuộc của gia đình chúng tôi. Với bánh đa Hoa Ngọ, tôi thấy sợi nhỏ đều, khi phơi khô có màu trong suốt. Khi nấu, sợi bánh nở ra màu trắng tinh, giòn dai và thơm mùi gạo.

Anh Nguyễn Đỗ Tuân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) cho biết: Cơ sở sản xuất bánh đa Hoa Ngọ là một trong những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã, được nhiều đoàn viên thanh niên trong và ngoài xã tới tham quan, học tập. Bên cạnh đó, hai anh em Anh, Tùng cũng nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của tuổi trẻ địa phương.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày