Thứ 6, 10/01/2025, 21:54[GMT+7]

Hiệu quả mô hình quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen

Thứ 4, 10/10/2018 | 08:37:08
832 lượt xem
Lùn sọc đen (LSĐ) là bệnh nguy hiểm đối với lúa, gây thiệt hại lớn đến năng suất, sản lượng lúa ở vụ mùa năm 2009, vụ mùa năm 2017 của tỉnh ta.

Ruộng được quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ cho năng suất cao hơn ruộng đối chứng không xử lý khoảng 8,87 tạ/ha.

Trước tình hình trên, được sự chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện mô hình quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa. Qua tổng kết, đánh giá cho thấy nhiều hiệu quả, cần được nhân rộng.

Mô hình lắp đặt bẫy đèn để theo dõi mật độ rầy.

Mô hình được thực hiện tại thôn Lợi Thành, xã Đông Quý (Tiền Hải) là vùng trọng điểm lúa bị nhiễm bệnh LSĐ gây hại nặng ở vụ mùa năm 2017 với diện tích 2,5ha. Trong đó, 2ha là diện tích làm theo quy trình của mô hình; 0,5ha diện tích áp dụng các biện pháp chỉ đạo phòng, chống bệnh LSĐ năm 2018 của tỉnh; 360m2 đối chứng không xử lý hạt giống, không phun trừ rầy giai đoạn mạ và giai đoạn lúa đẻ nhánh. 

Ngoài việc tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh LSĐ theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp (xử lý hạt giống trước khi gieo để phòng, trừ rầy; phun tiễn chân mạ trước khi cấy; giám sát chặt chẽ rầy lưng trắng; tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy cây lúa bị bệnh, phun trừ rầy lưng trắng nếu có), mô hình có cán bộ kỹ thuật trực tiếp giám sát, theo dõi rầy vào bẫy đèn, điều tra, thu mẫu trong ruộng mô hình và các ruộng gần mô hình, thu mẫu rầy lưng trắng gửi giám định. 

Qua các kỳ điều tra cho thấy mật độ rầy lưng trắng ở ruộng mô hình và ruộng nông dân áp dụng đúng các biện pháp phòng, tránh bệnh LSĐ thấp hơn so với ruộng đối chứng, đặc biệt ở giai đoạn phân hóa đòng (mật độ rầy lưng trắng ở ruộng mô hình là 11,4 con/m2, ruộng tuân thủ đúng quy trình phòng, tránh bệnh LSĐ là 11,7 con/m2, ruộng đối chứng là 2.372 con/m2). Tỷ lệ cây lúa bị nhiễm bệnh LSĐ ở ruộng mô hình và ruộng tuân thủ đúng quy trình chỉ xuất hiện rải rác; ở ruộng đối chứng bệnh xuất hiện từ giai đoạn đẻ nhánh rộ, tỷ lệ bệnh cao nhất và thể hiện rõ nhất ở giai đoạn lúa trỗ đến chắc xanh là 13,2 - 14,3%. Tính theo tiêu chuẩn ngành, con số này chỉ ở mức độ nhiễm trung bình, nhưng trên quy mô lớn (huyện, tỉnh) thì có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan đến sự lan truyền của vi rút LSĐ nếu không được quản lý và xử lý ngay từ đầu. Về năng suất, so với ruộng đối chứng thì ruộng mô hình và ruộng tuân thủ đúng quy trình có năng suất cao hơn 14,7%; hạch toán về hiệu quả kinh tế cao hơn gần 6,4 triệu đồng/ha.

Gia đình ông Nguyễn Thế Lương là một trong những hộ tham gia mô hình. Ông Lương cho biết: Vụ mùa năm 2017 gia đình tôi có 5/7 sào lúa bị nhiễm LSĐ, phải bừa tiêu hủy, thiệt hại lớn về sản lượng. Năm nay, được tham gia mô hình, tôi thấy lúa sinh trưởng và phát triển đồng đều hơn ruộng ngoài mô hình, nắm chắc nguyên nhân, triệu chứng bệnh, có thể tự tin phòng, trừ rầy lưng trắng và bệnh LSĐ ở các vụ sau.

Ông Trần Văn Thuận, Trưởng thôn Lợi Thành cho biết: Vụ mùa năm ngoái cả thôn thiệt hại khoảng 1/3 diện tích vì bệnh LSĐ, đến vụ mùa năm nay, qua thăm đồng, đánh giá năng suất lúa ước đạt trên 2 tạ/sào. Mô hình không chỉ chứng minh hiệu quả trong bảo vệ lúa, nhóm nông dân trong mô hình còn trở thành những nông dân nòng cốt ở địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân khác quản lý rầy lưng trắng và bệnh LSĐ.

Từ những hiệu quả tích cực của mô hình, ngành Nông nghiệp đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhân rộng nhằm giúp nông dân nâng cao nhận thức về việc áp dụng các biện pháp quản lý rầy lưng trắng và bệnh LSĐ nhằm bảo vệ năng suất lúa.

Lưu Ngần