Thứ 3, 24/12/2024, 00:14[GMT+7]

Nông thôn Thái Bình: Sáng, xanh, sạch (Kỳ 2)

Thứ 5, 18/10/2018 | 09:11:06
3,120 lượt xem
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, Thái Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm cho nông thôn phát triển bền vững.

Tổ thu gom rác thải thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) hoạt động hiệu quả.

Kỳ 2: Chuyển biến trong nhận thức và hành động

Cú hích từ cơ chế
Để “gỡ rối” cho bài toán rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về quy hoạch mạng lưới xử lý và chôn lấp rác thải tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; quy định về khu xử lý, lựa chọn công nghệ lò đốt kết hợp với chôn lấp hoặc ủ phân vi sinh kết hợp chôn lấp; cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, giai đoạn đến năm 2020; quy định mức thu phí vệ sinh trên địa bàn tỉnh... Đây là tín hiệu đáng mừng để bắt đầu xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn bài bản, đồng bộ, bảo đảm xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý rác thải sinh hoạt. Phấn đấu đến năm 2020, 100% chất thải rắn đô thị, 95% chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý đúng quy định.

Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Minh Khai (Hưng Hà) hoạt động hiệu quả.

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Những năm qua, công tác BVMT luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác BVMT. Sự nhất quán trong chủ trương thực hiện đã góp phần đưa công tác này đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

5 năm qua, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường gần 85,4 tỷ đồng xây dựng các khu xử lý rác thải gắn với xây dựng NTM. Toàn tỉnh có trên 82 lò đốt rác được đầu tư xây dựng và hoàn thành, đi vào vận hành xử lý rác thải sinh hoạt cho 108 xã, thị trấn. Hầu hết các lò đốt hoạt động hiệu quả, xử lý cơ bản lượng rác thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất so với khu xử lý theo công nghệ chôn lấp hoặc ủ vi sinh kết hợp chôn lấp. Thực hiện Nghị quyết số 19/2014/NQ-HĐND ngày 10/9/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến hết năm 2020, 3 năm (2015 – 2017), UBND tỉnh đã bố trí trên 53,4 tỷ đồng hỗ trợ thu gom rác thải; gần 60,8 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, mua sắm thiết bị và trên 17 tỷ đồng hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt…

 Nhân viên Khu xử lý rác thải xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng phân loại rác thải sinh hoạt trước khi đưa vào lò đốt.


Lan toả từ Công điện 17
Trước bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác tự phát nằm trong khu dân cư, ngày 13/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND về việc xử lý rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Chỉ sau 1 tuần, 100% các huyện, thành phố đã tổ chức họp triển khai thực hiện đồng chí lãnh đạo huyện, trưởng, phó các phòng ban; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm. Trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành thường xuyên đi kiểm tra việc thực hiện Công điện số 17 tại các địa phương, đơn vị.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, 100% các bãi rác thải tự phát, bãi rác thải khu vực giáp ranh các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được thu gom, trám lấp. Từ đó đến nay, các huyện, thành phố đều báo cáo tình hình thực hiện Công điện số 17 về Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ môi trường thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành Công điện số 17 tại các địa phương.

 Đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp các bãi rác thải tự phát. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Bùi Đức Hoàng cho biết: Thực hiện Công điện số 17 về việc xử lý rác thải sinh hoạt, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, công sở, trường học, các xã, thị trấn, khu dân cư trên địa bàn đồng loạt tổ chức thu gom, dọn dẹp rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, vệ sinh cống rãnh, tập kết đúng nơi quy định, đồng thời xử lý và làm sạch cỏ các tuyến đường chính và khu dân cư. Tổ chức thu gom, xử lý rác thải, trám lấp các bãi rác tự phát, trục vớt rác thải tại các lòng sông, mương thoát nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về BVMT, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. 100% các xã, thị trấn huy động từ  250 - 300 người ra quân thu gom, xử lý rác thải, lực lượng nòng cốt là hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên; đồng thời lấy ngày 24 hàng tháng là ngày toàn dân ra quân vệ sinh môi trường. Sau 2 tuần thực hiện Công điện 17, toàn huyện đã tổ chức trám lấp gần 60 bãi rác tự phát tại các thôn, thu gom từ 1,5 – 2 tấn rác/xã, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân, cộng đồng về ý thức BVMT.

Khu vực tập kết rác thải sinh hoạt xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình nằm ngay trên trục đường giao thông tuyến tránh S1, từ nhiều năm nay đã trở thành điểm đen về ô nhiễm môi trường do ý thức của người dân cũng như người thu gom rác không đưa rác vào đúng nơi quy định mà tập kết ngay cạnh đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông. Thực hiện Công điện số 17 của UBND tỉnh, cán bộ, nhân dân xã Đông Hòa đã đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn xã và tổ chức thu gom, tập kết rác thải về đúng điểm quy định, vây rào chắn 2 bên và căng biển tuyên truyền người dân nâng cao ý thức BVMT, đổ rác đúng nơi quy định. Ông Hà Quý Phi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với việc ra quân dọn vệ sinh môi trường, UBND xã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra các các hộ kinh doanh buôn bán không lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường và không xả rác ra đường. Nhắc nhở nhân dân trên địa bàn giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhà, ngoài ngõ bảo đảm sạch sẽ, duy trì đường thông, hè thoáng, tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp.

Thành phố huy động máy móc thu gom các bãi rác thải tự phát trên địa bàn.


Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Từ cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã sử dụng công nghệ lò đốt để xử lý rác thải, đây được coi là một trong những giải pháp tốt nhất, hiệu quả, giúp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, đồng thời giảm thể tích, khối lượng rác, tiết kiệm đất so với quy hoạch bãi chôn lấp.Từ cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã sử dụng công nghệ lò đốt để xử lý rác thải, đây được coi là một trong những giải pháp tốt nhất, hiệu quả, giúp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, đồng thời giảm thể tích, khối lượng rác, tiết kiệm đất so với quy hoạch bãi chôn lấp.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy

Với sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh và nguồn vốn của địa phương, 3 xã: Thuỵ Xuyên, Thái Tân và Mỹ Lộc đã đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt theo mô hình liên kết, đặt tại xã Thái Xuyên, với diện tích 1,1ha. Công suất 700 – 1.000 kg rác/giờ, lò đốt mỗi ngày xử lý 12 - 15m3 rác thải của cả 3 xã. Từ ngày lò đi vào hoạt động, việc bảo đảm vệ sinh môi trường của các xã có nhiều đổi thay đáng kể. Toàn xã không có bãi rác thải tự phát, ý thức của người dân trong việc BVMT được nâng cao, 100% rác thải sinh hoạt phát sinh được xử lý đúng quy định.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, cán bộ địa chính môi trường xã Minh Khai, huyện Hưng Hà

Những năm gần đây, công tác thu gom, xử lý rác thải được địa phương quan tâm và triển khai có hiệu quả. Hàng năm, UBND xã đều triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải và thống nhất mức phí thu gom rác thải sinh hoạt của người dân. 96% số hộ đóng phí thu gom rác thải sinh hoạt, mức đóng từ 10.000 – 15.000 đồng/hộ/tháng. Người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; 7/7 tổ thu gom rác thải hoạt động hiệu quả, thu gom rác 3 buổi/tuần về nơi xử lý rác thải tập trung theo công nghệ lò đốt.


(Còn nữa)

Minh Nguyệt