Thứ 5, 28/03/2024, 19:04[GMT+7]

Báo chí kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội góp phần ổn định tình hình chính trị ở cơ sở

Thứ 6, 19/10/2018 | 14:40:00
92,452 lượt xem
Đó là thông điệp rút ra tại Hội thảo “ Báo chí tuyên truyền đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet” do Hội Nhà báo Thái Bình tổ chức hạ tuần tháng 12 năm 2017.

Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức đề kháng cho mỗi người trước thông tin xấu, độc hại trên Internet và mạng xã hội, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ( khóa X) về “ Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa (XI) “ Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Sự phát triển của internet và mạng xã hội đã đem lại những lợi ích to lớn cho người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội lập nhiều trang facebook để truyền bá những thông tin xấu, độc hại với ngôn ngữ, luận điệu đầy tính kích động, phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trên mọi lĩnh vực.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”.

Để nhân dân có nhận thức đúng đắn về tình hình thế giới và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, lực lượng báo chí thường xuyên có những bài viết chống lại các quan điểm thù địch, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc nảy sinh trong đội ngũ cán bộ đảng viên, quần chúng, luôn bám sát đường lối quan điểm của Đảng, luật pháp của Nhà nước, thể hiện được tính chiến đấu cao, dễ đi vào lòng người. Kết hợp tốt mục tiêu “chống” quyết liệt và “xây” tích cực, thể hiện được ý chí của Nhà nước, tính dân tộc, tính nhân văn của một quốc gia yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Vậy thông tin xấu, độc hại là như thế nào? 

Về chính trị: là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc sự thật, làm lẫn lộn đúng sai, nói xấu Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp; phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đe dọa an ninh quốc gia….hết sức nguy hiểm đến nhận thức, hành động của người hiện tại.

Về kinh tế: Tội phạm tin học gây hậu quả khó lường, như: thông tin sai lệch về chất lượng sản phẩm làm cho doanh nghiệp, người sản xuất kiệt quệ trong sản xuất kinh doanh; lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virút…

Về xã hội: làm sai lệch về lịch sử; có những nội dung thông tin làm suy đồi về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, như kích động đồi trụy, bạo lực, phát ngôn thiếu văn hóa, ăn mặc hở hang, đi đứng nghênh ngang, tác phong ngang tàng; lạnh lùng, vô cảm như giết người với hình ảnh rùng rợn, cướp hiếp dâm trẻ vị thành niên; bịa đặt, vu cáo, nói xấu, xâm phạm đời tư cá nhân, xúc phạm bôi nhọ nhân phẩm cá nhân, tổ chức trên mạng….

Hệ lụy của nó ra sao?

Tác hại của những thông tin xấu, độc hại trên internet và mạng xã hội do các thế lực thù địch tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Hệ lụy của thông tin xấu, độc hại ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị băng hoại, văn hóa dân tộc bị tầm thường hóa, đánh mất bản sắc, an toàn xã hội bị đổ vỡ, thì sẽ tác động mạnh đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ là đối tượng thường xuyên tiếp cận với facebook.

Để báo chí đấu tranh với thông tin xấu, độc hại có hiệu quả

Trước hết các cơ quan chủ quản báo chí phải định hướng cho các cơ quan báo chí. Ở Thái Bình, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp chặt chẽ với sở TT&TT, Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, các cơ quan, đơn vị trong khối tư tưởng văn hóa tổ chức giao ban báo chí, định hướng kịp thời công tác tuyên truyền từng tháng, quý giúp các cơ quan báo chí chủ động với công việc.

Thứ hai là các cơ quan báo chí phải cử những phóng viên, hội viên có uy tín đi tìm hiểu thông tin. Ban Biên tập thu nhận, tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin theo đúng định hướng của Đảng. Đồng thời tiến hành thăm dò dư luận xã hội về nội dung thông tin đó, nhất là các trang báo điện tử, thông tin điện tử cần có sự tương tác với độc giả để nắm thông tin hai chiều, kịp thời điều chỉnh, xử lý.

Lớp tập huấn nghiệp vụ cho báo điện tử. 

Tuyên truyền để đấu tranh phản bác lại xấu, độc hại trên internet theo các cách thức như sau: Thể hiện bằng tác phẩm báo chí trên quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Đấu tranh trên mạng xã hội không dùng bút chiến kiểu “chợ búa” mà tác phẩm cần ngắn gọn, cung cấp một thông tin nào đó liên quan đến vấn đề đó – hoặc nhiều thông tin phản lại - thông tin chính thống của nhà báo ( có thể trích các Văn bản của Đảng, các Luật, Nghị định, Thông tư…liên quan ra), tư liệu đầy đủ, thái độ đúng đắn, rõ ràng. Hay bằng tiếng nói trực tiếp tại các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm, hoặc điện thoại….để người khác nói hộ mình về những thông tin cần thiết, tránh sự hiểu lầm không đáng có. Hoặc có lúc phải bút chiến cứng rắn trên báo chí, có thể là bình luận….

Muốn làm được như vậy nhà báo cần phải có yêu cầu gì, điều kiện gì?

Nhà báo muốn phản bác chính trị của các thế lực phản động phải có quan điểm chính trị rõ ràng, không mập mờ quan điểm. Phải có kiến thức chung để thắng lại “họ”, kiến thức phải chuẩn để thuyết phục người đọc. Nhà báo phải có văn hóa ứng xử đúng mực; Phải có nghiệp vụ báo chí vững vàng. Khi viết bài đấu tranh, tuyên truyền phải dùng thể loại báo chí gì cho phù hợp với từng đối tượng, ngôn ngữ phải hay để thuyết phục người nghe, xem; hoặc sử dụng hình ảnh gì (ảnh, bộ ảnh, phóng sự ảnh, video clip, infographic…), kiến thức gì để minh họa cho bài viết thêm sinh động.

Đặc biệt thực hiện 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, hết sức chú ý Điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Bên cạnh chuẩn mực về ngôn từ, về thái độ ứng xử, phát ngôn, trách nhiệm xã hội của nhà báo khi tham gia mạng xã hội là cái gì được đưa, cái gì không, nhà báo phải xác định rõ điều này. Khi nào viết, like ( thích), comment ( bình luận, chú giải, chú thích)? Phải hết sức chú ý không phải cái gì cũng được bình luận, cũng like. Nhà báo khi phát hiện ra bài viết sai thì gián tiếp nói với “họ” về cách viết không đúng, nội dung không tốt. Nếu like quan điểm sai thì nhận thức của người like không hiểu, khuyên họ không nên like vì thông tin đó không đúng.

Thái độ của nhà báo là phải nhất quán, phát ngôn và viết phải đồng nhất, tránh phát ngôn thế này viết thế khác.

Nội dung thông tin phải chính xác, trung thực, không “bồi bút”.

Hình thức thể hiện như thông tin hình ảnh ( video clip, infographic) cần chuẩn, biểu tượng trên mạng phải đúng.

Lớp tập huấn làm báo đa phương tiện tại Báo Thái Bình.

Có một câu hỏi đặt ra là: phóng viên có bài viết gửi cho Ban Biên tập duyệt, vì có nội dung liên quan đến những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, Ban Biên tập không cho đăng lên báo, vậy phóng viên đó có được đưa lên facebook không? Theo quan điểm của tôi thì không được, bởi tác phẩm chưa đạt được yêu cầu của BBT đề ra, nếu đưa lên mạng là sai; mặt khác, có được thông tin ấy là do tòa soạn cử anh ( chị) đi làm việc với tư cách nhà báo, chỉ được sử dụng thông tin đó trên báo chí của nhà báo mà thôi. Đây chính là chuẩn mực và thái độ ứng xử đúng đắn của nhà báo trước những thông tin xấu, độc hại hiện nay.

Ngày 24/4/2009, Ban Bí Thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về “Tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá” ( trước đó là Thông báo Kết luận số 41 ( 11/10/2006) và Thông báo Kết luận số 68 ( 30/3/2007) của Bộ Chính trị ( khóa X) về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí ). Đây là yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới để góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X, triển khai có hiệu quả một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của Nghị quyết số 16 - hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng (khoá X) về công tác tư tưởng, lí luận, báo chí trong tình hình mới.

Thời gian qua, công tác nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã được Báo Thái Bình coi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ chuyên môn. Đảng ủy, Ban Biên tập đã xác định rõ nếu làm tốt công tác này sẽ góp phần quan trọng khẳng định vị thế, nâng cao vị trí vai trò của cơ quan Báo trong đời sống chính trị tại địa phương. Hàng năm, Báo đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; cử các nhà báo, hội viên tham dự các khóa học nâng cao trình độ, nhận thức chính trị; tổ chức các cuộc Hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao năng lực, chất lượng người làm báo, trau dồi, thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam; chỉ đạo chi hội nhà báo tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ qua đó các sự việc, sự kiện thực tế trong và ngoài tỉnh liên quan đến đạo đức nghề báo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các nhà báo khi hoạt động nghiệp vụ đã được đề cập, phân tích, rút kinh nghiệm…góp phần ngăn ngừa từ xa các hiện tượng nhà báo, hội viên lợi dụng nhiệm vụ được giao gây phiều hà, sách nhiễu cơ sở, doanh nghiệp. Nhiều năm nay chưa có trường hợp nhà báo, hội viên nào đang công tác tại Báo mắc lỗi chính trị hoặc vi phạm pháp luật phải xử lý.

Hơn ai hết, những người làm báo đều hiểu rằng đạo đức nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Không ngừng trau dồi, nâng cao đạo đức nghề nghiệp chính là thực hiện “trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”, cũng chính là giúp bản thân trở thành một nhà báo “có tâm, có tầm”, được xã hội, đồng nghiệp kính trọng, nể phục.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại Trung tâm kiểm nghiệm giống lúa của Thái Bình Seed. 

Đợt sinh hoạt chính trị nghiệp vụ và cuộc hội thảo toàn quốc “ Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”... do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức và hiện nay HNBVN đang xin ý kiến dư luận xã hội về bản “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo, hội viên HNBVN” để cụ thể hóa Điều 5 trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam  đã khẳng định quyết tâm của giới báo chí Việt Nam để không ngừng phát triển của chính mình.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, công tác đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng Internet bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Các phương tiện thông tin đại chúng đã thể hiện là kênh thông tin quan trọng định hướng ý thức chính trị cho các giai tầng xã hội, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng của đất nước. Đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn vững vàng, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới, đang ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra.

Thanh Thưởng