Thứ 7, 11/01/2025, 01:52[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây màu vụ đông

Thứ 2, 22/10/2018 | 08:42:43
2,747 lượt xem
Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 36.000ha cây màu vụ đông. Không chỉ phấn đấu hoàn thành về diện tích, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đặt quyết tâm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất bằng việc xác định tập trung vào các loại cây chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: dưa, bí, ngô các loại, đậu đỗ, ớt, khoai tây, rau...

Với nhóm rau đậu khuyến khích các địa phương xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn để nâng cao giá trị.

Nhìn lại vụ đông năm 2017, đây được xem là một trong những vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn khi chịu ảnh hưởng của thiên tai, gây thiệt hại gần 12.000ha cây màu vừa gieo trồng. Tuy nhiên, nhờ những cơ chế hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của tỉnh, huyện cùng quyết tâm cao của các cấp, ngành, diện tích gieo trồng đạt 36.351ha, tăng 699ha so với năm 2016, năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều đạt cao, cơ bản được giá. Giá trị sản xuất vụ đông năm 2017 ước đạt 2.759,1 tỷ đồng, tăng 81,4 tỷ đồng so với năm 2016. Trong điều kiện sản xuất ngày càng gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn các ngành nghề khác nên một bộ phận nông dân không thiết tha với đồng ruộng khiến việc phát triển sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, số lượng các doanh nghiệp, HTXNN tham gia liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vụ đông còn quá ít. Nông dân chủ yếu vẫn tự lo tiêu thụ sản phẩm nên giá trị, hiệu quả sản xuất vụ đông chưa cao.

Thực tiễn sản xuất vụ đông nhiều năm qua cho thấy, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản xuất cây màu vụ đông trên cơ sở phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; đánh giá đúng nhu cầu của thị trường cũng như khả năng sản xuất của người dân từ đó có định hướng tổ chức phù hợp. Vụ đông năm 2018, ngành Nông nghiệp xác định lấy hiệu quả kinh tế trong sản xuất để phát triển bền vững, chú trọng và mở rộng các cây trồng theo lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh quy hoạch, mở rộng quy mô cánh đồng liên kết có bao tiêu sản phẩm để tạo sự ổn định trong sản xuất. Cơ chế hỗ trợ cũng tập trung vào 1 - 2 cây trồng chủ lực theo đề xuất của các huyện.

Xác định ngô ngọt, bí đỏ là hai cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, phù hợp với lợi thế, thổ nhưỡng và trình độ thâm canh của người dân, huyện Quỳnh Phụ đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ tập trung vào hai cây trồng này. Trên cơ sở kế hoạch phấn đấu 6.500ha cây màu vụ đông, trong đó chủ lực là ớt, ngô, dưa, bí, rau các loại, huyện giao các xã, thị trấn bố trí thời gian, cơ cấu giống lúa phù hợp để sau khi thu hoạch có đất gieo trồng rau màu vụ đông sớm. Đến nay, nông dân trong huyện đã gieo trồng được 3.800ha cây màu, chủ yếu là ớt, ngô, dưa bí các loại, trong đó 900ha ớt bắt đầu cho thu hoạch.

Phấn đấu giá trị sản xuất từ vụ đông đạt trên 80 triệu đồng/ha, huyện Đông Hưng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của vụ đông, áp dụng các biện pháp chuyển dịch thời vụ, tùy từng chân đất trồng cây màu vụ đông bố trí giống lúa, thời vụ và phương thức gieo cấy cho phù hợp. Chủ động rút nước khi lúa mùa chín đỏ đuôi, thu hoạch lúa khẩn trương giải phóng đất trồng cây vụ đông, huy động các phương tiện để làm đất, phấn đấu thu hoạch lúa đến đâu làm đất và trồng cây vụ đông đến đó, nhất là các cây trồng sớm như: bí, ngô và đậu tương... 

Ông Phạm Văn Trội, thôn Đông Hòe, xã Đông Xá cho biết: Vụ đông này, gia đình tôi trồng 4 sào bí xanh. Để có bí bán sớm, được giá, ngay từ khi gieo cấy lúa mùa tôi đã chia luống, sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn để thu hoạch trước, làm luống đặt bầu ươm bí. Đến khi lúa được thu hoạch đại trà thì bí cũng ngoi dài.

Đến nay, thời vụ gieo trồng cây ưa ấm sắp kết thúc, các địa phương đang tập trung nhân lực, phương tiện, lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó; chuẩn bị tốt các điều kiện cho gieo trồng cây ưa lạnh, đặc biệt là cây khoai tây. Riêng đối với nhóm rau, đậu, ngành Nông nghiệp khuyến khích các địa phương quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ổn định, áp dụng quy trình sản xuất an toàn: sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh…

Một số lưu ý khi trồng khoai tây được bảo quản trong kho lạnh

Thời vụ trồng chính vụ vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 dương lịch, thời vụ tốt nhất để trồng khoai tây là 25/10 đến 5/11 dương lịch. Xác định thời vụ trồng khoai để tăng dần nhiệt độ theo quy trình hướng dẫn cụ thể. Khi nâng nhiệt độ ngang với môi trường bên ngoài, dùng quạt thông gió quạt khô khoai khoảng 2 ngày mới đưa khoai ra khỏi kho lạnh. Các bước được tiến hành như sau:

+ Đổ khoai ra khỏi bao, nhẹ nhàng tránh xây xước vỏ, nhặt và loại bỏ các củ có vết thối để riêng.

+ Nên chọn chỗ thoáng, tránh nơi có ánh sáng trực tiếp, xếp khoai lần lượt thành lớp mỏng, sau đó đậy lên mặt khoai một lớp bao tải đay ẩm (vắt kiệt nước) hoặc phủ lớp rơm mỏng. Khi khoai bật mầm trắng ở các mắt củ là có thể trồng tốt và khoai lên rất nhanh.

+ Để tiết kiệm giống, các củ to có thể được bổ đôi, bổ ba và chấm xi măng vào lát cắt sau đó trồng ngay, cần chú ý các phần củ bổ đều phải có mầm. Có thể dùng phương pháp bổ dính, sau bổ khoảng 5 - 7 ngày tách miếng bổ và đem trồng.

+ Khi trồng với củ giống bổ nên trồng gọn vào một góc, nên đặt nghiêng phần mặt cắt là tốt nhất.

+ Khoai tây rất cần phân chuồng và phân chuồng phải được ủ mục, để có nhiều củ to thì mật độ trồng phải thưa hơn, mật độ trên luống (hàng cách hàng 45 - 50cm và củ cách củ khoảng 35 - 40cm).

+ Tưới ẩm và phủ rạ mặt luống sau trồng, không để đất mặt luống quá khô.

+ Sau trồng, khi khoai mọc cao 10 - 15cm cần bón thúc và vun lần 1, lần vun 2 sau lần vun 1 khoảng 10 - 15 ngày (sau trồng 30 - 35 ngày).
Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

Lưu Ngần