Thứ 7, 23/11/2024, 08:13[GMT+7]

Thái Bình tạo làn sóng đầu tư

Thứ 3, 30/10/2018 | 14:50:31
2,497 lượt xem
Cùng với nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, Sở Công Thương tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Công ty TNHH ULi chuyên sản xuất và xuất khẩu cần gạt nước ô tô (Khu công nghiệp Sông Trà) đang mở rộng quy mô sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) và 33 cụm công nghiệp (CCN) đã được quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích 2.822,6ha. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN, từ năm 2016 đến nay, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh nhiều cơ chế, chính sách, nhất là việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng các KCN, CCN bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án sớm đi vào hoạt động. Toàn tỉnh đã đầu tư 707 tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng các KCN, CCN; trong đó chỉ có 21 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, còn lại là vốn ngoài ngân sách. 

Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong điều kiện ngân sách của tỉnh hạn hẹp, việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp là hướng đi đúng. Đặc biệt, từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết số 01 cộng với những cơ chế thông thoáng, hấp dẫn đã thu hút được nhiều nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu dự án và được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chính vì vậy, tiến độ thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh, hoàn thiện, đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai và sử dụng đất đai ổn định lâu dài cũng được Sở Công Thương chỉ đạo toàn ngành thực hiện. Theo đó, ngành đã rà soát, điều chỉnh và công bố công khai, minh bạch thông tin các quy hoạch của tỉnh. Đơn vị cũng phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng đất ổn định, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời để doanh nghiệp sớm đầu tư, yên tâm sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký kế hoạch sử dụng đất đối với các dự án nằm ngoài quy hoạch KCN, CCN; đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt; giám sát đầu tư, hướng dẫn, chấn chỉnh các doanh nghiệp không để xảy ra vi phạm quy định về đất đai, môi trường.

Sở Công Thương tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển khác để đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện; đầu tư phần nguồn, lưới điện phân phối đến chân hàng rào của các dự án: KCN, khu thương mại - dịch vụ, khu đô thị. Xây dựng, cải tạo và kết cấu lại hệ thống điện cung cấp cho các địa phương, nâng cao độ ổn định, giảm thiểu tổn thất điện năng phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Toàn tỉnh đã huy động được nhiều doanh nghiệp đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ thương mại của các địa phương với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Đến nay, 233 chợ trong quy hoạch của tỉnh cơ bản có hạ tầng bảo đảm các tiêu chí theo quy định, góp phần phục vụ tốt nhu cầu mua, bán của người dân, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và các ngành, nghề khác phát triển. Siêu thị, trung tâm thương mại; hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kho xăng dầu đều đạt tiêu chuẩn chung của các ngành Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải.

Song song với bảo đảm môi trường ổn định cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, Sở Công Thương cũng chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Từ năm 2016 đến nay Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 900 lượt cán bộ quản lý các doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở; 1.540 lao động học nghề vận hành bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp; dạy nghề may công nghiệp cho 455 lao động.  

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh thì chương trình dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh rất thiết thực, hiệu quả. Những năm qua, Sở Công Thương triển khai, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh của trung ương và của tỉnh. Triển khai nhiều hoạt động như: hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo cả trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm thông tin thị trường; tìm kiếm đối tác kinh doanh, dịch vụ xúc tiến thương mại; các chương trình liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm... nhờ đó chỉ số thành phần 8 (dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp) trong chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh được nâng lên rõ rệt (tăng từ 4,72 năm 2016 lên 6,52 năm 2017) .

Từ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thái Bình đang tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào địa bàn tỉnh. Gần 3 năm qua, toàn tỉnh đã thu hút được 458 dự án với tổng vốn đầu tư 24.727 tỷ đồng; trong đó, có 379 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 85.766 lao động. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018, có 97 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm 4.916 tỷ đồng.

Khắc Duẩn