Thứ 6, 22/11/2024, 18:35[GMT+7]

Để lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn

Thứ 5, 01/11/2018 | 08:40:43
1,059 lượt xem
Những năm qua, tình trạng lao động đi xuất khẩu tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước ngày càng phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ). Vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động và thân nhân của họ đang được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm.

Tư vấn về xuất khẩu lao động cho thân nhân người lao động tại huyện Quỳnh Phụ.

Hàn Quốc là thị trường tiềm năng XKLĐ của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Bình nói riêng. Chương trình hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc với mức chi phí hợp lý đã góp phần quan trọng đối với công tác XKLĐ của tỉnh, giúp nhiều người dân, nhất là người lao động nông thôn cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi hết hạn hợp đồng, nhất là những lao động tại Hàn Quốc không trở về nước theo đúng hợp đồng cam kết ban đầu đã tác động không nhỏ đến bản thân người lao động cũng như gây ra những hệ lụy tiêu cực khác cho xã hội. 

Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến hết tháng 7/2018, Thái Bình có 713 lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn năm 2017 là 40,4% (90/223 lao động); tỷ lệ này trong 7 tháng đầu năm 2018 là 69,9% (79/113 lao động). Tỉnh ta có 4 huyện (Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng) bị tạm dừng tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc vì có số người cư trú bất hợp pháp vượt mức quy định (trên 60 người). Việc cư trú bất hợp pháp ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa 2 nước, đến nhu cầu của nhiều lao động trong tỉnh có nguyện vọng đi xuất khẩu sang Hàn Quốc đồng thời chưa kể đến những rủi ro mà người lao động phải gánh chịu như điều kiện lao động không bảo đảm, nợ lương, bị phạt tiền, dễ bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật...

Trước thực trạng trên, thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các ngành và các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp: tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn đến các địa phương và gia đình người lao động; thành lập tổ công tác cấp tỉnh, huyện tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động gia đình người thân của người lao động ở những huyện, xã có tỷ lệ lao động vi phạm hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hoặc đang bị xem xét tạm dừng; gửi thư của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến gia đình người vi phạm hợp đồng đang ở lại cư trú bất hợp pháp để vận động và ký cam kết, vận động người thân của họ về nước đúng hạn. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm miễn phí cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước... Nhờ đó, nhiều gia đình đã nâng cao nhận thức và kêu gọi người thân về đúng hạn.  

Gia đình ông Nguyễn Văn Lệ, xã Song An (Vũ Thư) có con trai đi XKLĐ tại Hàn Quốc theo hợp đồng lao động có thời hạn hơn 4 năm. Hết thời hạn gia đình ông vận động con về nước. Sau 1 năm trở về quê sinh sống, được công ty cũ liên hệ, con trai ông lại làm các thủ tục để tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc. 

Chia sẻ với chúng tôi ông Lệ cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết, nếu người lao động chấp hành đúng các quy định về xuất khẩu lao động, sau khi hết hạn về nước vẫn có thể tiếp tục đi xuất khẩu nên tôi đã vận động con về nước đúng hạn. Nay con tôi lại tiếp tục sang Hàn Quốc lao động, gia đình rất vui. Tôi mong các gia đình có con đang lao động tại Hàn Quốc, nếu hết thời hạn nên vận động người thân về nước để tạo điều kiện cho nhiều lao động khác trong tỉnh được đi xuất khẩu lao động.

Theo ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài việc triển khai các giải pháp đã nêu, để công tác xuất khẩu lao động, nhất là xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc được bền vững, thời gian tới cần phải tăng cường công tác quản lý lao động ở nước ngoài thông qua việc ký kết các hiệp định thỏa thuận song phương nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng và đại diện quản lý lao động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi người lao động ở nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng một cách đồng bộ và hiệu quả; có chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; nâng cao nhận thức của người lao động về ý nghĩa và mục đích của XKLĐ; ban hành cơ chế, chính sách hậu XKLĐ hợp lý để hỗ trợ và tạo cơ chế cho người lao động về nước có thể sử dụng hiệu quả tay nghề, kinh nghiệm và số vốn họ kiếm được khi lao động ở nước ngoài...

Nguyễn Cường