Thứ 2, 23/12/2024, 22:41[GMT+7]

Đông Trà, Vũ Quý đổi mới

Thứ 2, 12/11/2018 | 08:27:40
1,681 lượt xem

Đường giao thông nông thôn ở Đông Trà.

Mới hơn 8 giờ mà nắng đã lên cao. Những con đường nông thôn mới ở Đông Trà (Tiền Hải) chỉ lác đác người xe qua lại. Trẻ đã vào lớp. Công nhân đã tới nhà máy. Chỉ có các bà, các chị lúi húi trên những vạt cỏ, vuông vườn. Bức tranh quê rộng rãi, tinh khôi và yên bình, thổn thức. Chốc chốc, tiếng xe máy quyệt nhanh qua các con đường như ô bàn cờ. Chị lao công trong bộ đồ bảo hộ, bịt kín mặt, nhanh tay chuyển từng túi rác ven đường lên chiếc xe lôi. Xe đi rồi, con ngõ sạch tinh tươm.

Tranh thủ lúc trời chưa nắng gắt, chị Nguyễn Thị Tưới ở thôn Phụ Thành đang dọn dẹp lại mảnh vườn chuẩn bị trồng rau, trồng đỗ. Chị Tưới bảo rất hài lòng với công tác vệ sinh môi trường của địa phương. Chị em lao công thu rất đúng lịch, mình cũng nắm chắc để chủ động bỏ rác ra ngoài. Về khoản phí vệ sinh thì cũng hợp lý, miễn sao là môi trường trong lành, sạch sẽ. 

Cũng như các địa phương khác, khi đời sống của người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng gia tăng thì lượng rác thải trong sinh hoạt của nhân dân ở Đông Trà cũng tăng nhanh. Trước thực trạng đó, ngay khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Đông Trà xác định môi trường là một  trong những tiêu chí khó cần tập trung thực hiện ngay. Nói tiêu chí này khó không chỉ bởi vấn đề kinh phí thu gom xử lý rác thải mà còn bởi thói quen trong sinh hoạt theo lối cũ của nhân dân. Rác vứt bừa bãi, nhiều bãi rác nhỏ, tự phát xuất hiện khắp nơi. Những chỗ giáp ranh với các xã khác càng phức tạp, vì dân xã này đổ rác sang xã khác. 

Xác định mở đầu bằng khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các thôn tăng cường vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trong thôn, xóm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó Ủy ban MTTQ xã đảm nhận vai trò chủ đạo, giao cho các ban, ngành, đoàn thể, thôn làng thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để thành lập các tổ thu gom rác thải theo cơ chế tự cân đối thu, chi. Duy trì việc ra quân tổng vệ sinh môi trường trong toàn xã vào ngày 24 hàng tháng. Đài truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền về nếp sống ăn, ở vệ sinh, giữ gìn môi trường ngay từ gia đình, ngõ xóm đến nơi công cộng. 

Với phương châm mưa dầm thấm lâu, sau một thời gian thực hiện, nhân dân đã đồng tình hưởng ứng, góp phần làm thay đổi những thói quen xấu gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Tổ thu gom rác thải lúc đầu thành lập chỉ có 3 người ở 3 cơ sở thôn, định kỳ mỗi tuần 2 buổi thu gom rác thải sinh hoạt từ hộ dân đến bãi rác tập trung để xử lý.

Tuy nhiên, do lượng rác thải trong sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều nên bãi rác chôn lấp của xã không đáp ứng yêu cầu. Để khắc phục tình trạng trên, UBND xã Đông Trà đã phối hợp với UBND xã Đông Quý tổ chức mô hình liên kết, quy hoạch, đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt ở tại xã Đông Quý trên diện tích gần 1ha xa khu dân cư. Lò đốt rác phù hợp với việc đốt tiêu hủy các loại rác thải sinh hoạt với công suất 12 tấn/ngày; xử lý được các loại rác thải bằng phương pháp đốt trên cơ sở tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng. Ngay sau khi lò đốt rác thải sinh hoạt đi vào hoạt động, xã Đông Trà đã mua 1 xe ô tô trọng tải 2,5 tấn để chở rác về nơi xử lý đồng thời thành lập tổ thu gom rác thải gồm 6 thành viên, trong đó có 1 người điều hành, 1 lái xe và 4 người trực tiếp thu gom. Tổ thu gom rác thải tiến hành thu rác 2 buổi/tuần vào thứ ba và thứ sáu. 

Ông Phạm Văn Khuyến, Chủ tịch UBND xã Đông Trà cho biết: Năm đầu lò đốt rác đi vào hoạt động cũng gặp không ít khó khăn, vì bà con vẫn quen nếp cũ, nhiều người không bỏ rác ra nơi quy định, không đóng phí vệ sinh, vì thế kinh phí vận hành cũng khó khăn. Xác định đây là việc phải làm, vì lợi ích của nhân dân nên lãnh đạo địa phương ngoài chỉ đạo tuyên truyền còn thường xuyên quan tâm, động viên đội ngũ lao công yên tâm gắn bó. Rồi từ thực tiễn cuộc sống, trực tiếp thấy đường làng, ngõ xóm trở nên sạch đẹp, người dân cũng dần thay đổi thói quen, tích cực hưởng ứng. Đến nay, 100% số hộ trên địa bàn đều bỏ rác đúng nơi, đúng lịch và đồng thuận đóng phí vệ sinh là 3.000 đồng/khẩu/tháng, được thu khi địa phương thu các loại thuế, quỹ cuối năm. Cũng theo ông Khuyến, điều đáng mừng nhất là người dân đã hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, rác được phơi đốt sạch sẽ, không còn làng này bỏ rác sang làng khác, tình làng nghĩa xóm vẫn được giữ gìn. Nguồn phí vệ sinh thu được, UBND xã dùng để chi trả cho đội thu gom, người quản lý là 500.000 đồng/tháng, lái xe là 2 triệu đồng/tháng và 4 lao công là 1,3 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, mỗi đợt phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, HTX cùng các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở thôn lại tích cực tuyên truyền để người dân thu gom vỏ chai, túi nilon về nơi tập kết để xử lý. Bởi đây là loại rác thải độc hại, không được lơ là chủ quan.

Chị Đỗ Thị Hường cho biết: Chị em đều là những người gắn bó từ ngày đầu thành lập tổ thu gom rác thải. Công việc tuy vất vả nhưng lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến tổ thu gom. Hai năm trở lại đây chị em đã được hỗ trợ bảo hiểm y tế, còn tiền xăng xe máy vẫn phải tự bỏ ra. Bà con bước đầu biết phân loại rác, thuận lợi hơn cho tổ thu gom trong quá trình xử lý. Tuy vậy, những hộ tự giác phân loại rác vẫn không nhiều. Chúng tôi mong thời gian tới họ sẽ lưu tâm hơn, để chúng tôi đỡ vất vả mà người dân cũng có lợi từ việc tái chế rác hữu cơ.

Về Đông Trà hôm nay, ngắm nhìn lá cờ đình làng Phụ Thành phất phới tung bay, gói trọn tâm tình của người dân quê dưới mỗi gốc đa, tấm ngói. Bên bến đò Dâu nơi thực dân Pháp bêu đầu chiến sĩ ta, cây đa di sản vẫn trường tồn cùng năm tháng. Đông Trà đang như ở tuổi thanh xuân song vẫn đằm thắm, dịu dàng. Một miền quê đáng sống.

Những năm qua, xã Vũ Quý (Kiến Xương) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Vũ Quý cho biết: Hơn 10 năm trước, xã đã thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển Vũ Quý trở thành thị trấn của huyện Kiến Xương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thủ tục phê duyệt, các quy định của nhà nước có sự thay đổi, điều chỉnh nên Vũ Quý đã không đủ điều kiện xét công nhận trở thành thị trấn. 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân, diện mạo nông thôn Vũ Quý đang ngày càng đổi thay. Từ năm 2013, xã đã triển khai nhựa hóa, bê tông hóa trên 11km các tuyến đường trục xã, trục chính và nhánh thôn; trong đó tỉnh, xã hỗ trợ xi măng còn lại huy động sức dân. 100% các nhà văn hóa thôn đã được đầu tư xây dựng từ sự đóng góp của nhân dân. Đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt, với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Đến nay, 100% rác thải sinh hoạt được thu gom và đốt triệt để trong ngày nên môi trường thôn xóm luôn sạch đẹp, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống được nâng lên. 

Ông Bùi Ngọc Thắng, Trưởng thôn 5 cho biết: Toàn thôn có hơn 330 hộ, hầu hết đều làm nông nghiệp, 6 năm về trước, hòa chung với khí thế làm đường giao thông nông thôn trong toàn tỉnh, bà con nhân dân trong thôn đã nô nức, tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, tiền của, hiến đất, phá dỡ tường rào, cổng dậu để làm đường giao thông. Để có được kết quả này, ngay sau khi tỉnh hỗ trợ xi măng, thôn đã tổ chức các cuộc họp bàn bạc với dân, thống nhất ý kiến trong dân và học tập kinh nghiệm của dân. Các đồng chí cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp, đồng thời tích cực phối hợp cùng nhân dân lập dự toán, điều hành lao động, thuê máy móc để con đường sớm được hoàn thành. Vì vậy, chỉ trong 5 tháng, 100% các tuyến đường từ trục chính, đến các ngõ ngách đã được bê tông hóa, với chiều dài trên 4km. Đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp, nhân dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Một bước đột phá mới trong những năm gần đây của Vũ Quý phải kể đến là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Hiện tại xã có trên 200 cơ sở hoạt động ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ; cụm công nghiệp phát triển ổn định, tạo việc làm cho gần 1.400 lao động với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của người dân đạt trên 43 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo địa phương hiện còn 2,55%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được đến trường huy động hàng năm đạt 100%; 4 trường: THPT, THCS, tiểu học và mầm non đều đạt chuẩn quốc gia; gần 87% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; 100% hộ dân sử dụng nước sạch.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Vũ Quý Nguyễn Văn Thùy thì nhằm tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), vừa qua xã Vũ Quý đã tổ chức họp lấy ý kiến của nhân dân để đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn NTM trong năm 2019. Theo quy định của bộ tiêu chí về xã NTM, xã Vũ Quý tự đánh giá đạt 16/19 tiêu chí, 3 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch, giao thông, thủy lợi. Để đạt mục tiêu trở thành xã NTM vào tháng 6/2019, hiện Vũ Quý đang tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch; hoàn thiện hồ sơ quy hoạch NTM từ đó xác định hệ thống giao thông đã xây dựng; đồng thời triển khai đầu tư đường giao thông nội đồng và cứng hóa mương máng.


Đỗ Hà - Minh Nguyệt