Chủ nhật, 05/01/2025, 06:02[GMT+7]

Nhà báo và mạng xã hội

Thứ 2, 12/11/2018 | 08:42:43
63,552 lượt xem
Chúng ta có quá nhiều tờ báo chính thống, quá nhiều các cơ quan truyền thông nhưng sao những tin hay, tin tốt chỉ được lan truyền một cách khiêm tốn, trong khi những tin không tốt lan truyền trên mạng xã hội nhanh thế, dẫn đến cái dở thì người đọc biết ngay, cái hay thì tìm mãi không thấy.

Các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam thăm mô hình tòa soạn hội tụ của Đài Phát thanh ABC (Australia).

Trong chuyến đi công tác tại Australia, khi vào một nhà hàng đang ngồi chờ đồ ăn cùng đoàn công tác thì một vị khách ngồi bàn bên cạnh đến chỗ tôi nói một tràng dài bằng tiếng nước ngoài. Tôi ngơ ngác nhìn anh ta vì không biết anh ta nói gì. Biết tôi không hiểu, anh ta liền chỉ vào chiếc phù hiệu VTV trên ve áo tôi, cùng lúc đó thì anh bạn phiên dịch đi cùng đoàn cũng đến và bảo: Anh ấy đang hỏi có phải các bạn đến từ Việt Nam và có phải bạn làm ở hãng truyền hình VTV? Chúng tôi cười nhìn nhau với cái nhìn thân thiện. Có phiên dịch rồi cuộc trò chuyện giữa hai bên trở nên vui vẻ, thoải mái hơn. Anh bạn người Australia vui vẻ kể như khoe với chúng tôi là vợ anh mới sinh con được 4 tháng, chẳng may cháu bị ngạt mũi, anh liền gọi cho bác sĩ ở phòng khám tư đến khám và dùng thiết bị hút dịch từ mũi cháu ra, hướng dẫn cho vợ anh cách làm. Người bác sĩ lấy điện thoại mở ra một clip hướng dẫn cách hút dịch mũi cho trẻ em, điều thật bất ngờ là clip trên lại do y tá của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân, sau đó được người nhà bệnh nhân quay và đưa lên mạng xã hội. Vợ chồng anh bạn người Australia xem được và áp dụng chữa cho con khỏi rất nhanh. Vì thế, khi gặp đoàn chúng tôi từ Việt Nam sang, anh liền mang chuyện ra kể và nói lời cảm ơn các thầy thuốc Việt Nam. Khi biết tôi là người Thái Bình, nơi có bệnh viện phụ sản tác giả của clip trên, anh lại càng phấn khởi. Anh bảo: Người Thái Bình chúng mày giỏi vậy. Đến đây tôi mới hiểu, đúng là mạng xã hội đã giúp cho người ta mặc dù ở những vùng đất khác nhau, lại hoàn toàn chưa biết nhau nhưng rất dễ gần nhau và hiểu nhau hơn.

Mô hình tòa soạn hội tụ của Đài Phát thanh ABC (Australia).

Về nước tôi đem chuyện kể với bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Duy Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thái Bình. Nghe tôi kể lúc đầu anh ngạc nhiên nhưng sau đó anh nói luôn, đó là những việc bình thường, vì họ làm theo quy định của Bộ Y tế. Tôi đồng tình với hai chữ “bình thường” của anh nhưng lại không đồng ý, khi cho đây là chuyện bình thường. Vì tại sao người nước ngoài chỉ xem được những clip do các y tá của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình thực hiện và điều đáng nói nữa là không chỉ có một clip trên mà còn có cả những clip khác. Bác sĩ Mạnh kể với tôi chuyện về một clip khác đó là, chỉ hai ngày sau khi chị Lê Thị Ánh, 23 tuổi, sống tại huyện Vũ Thư đăng tải clip trên trang cá nhân của mình về hình ảnh nữ y tá của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình hướng dẫn cách quấn khăn và làm ổ giúp bé sơ sinh ngủ ngon, đã có gần 3 triệu lượt view, 6.700 lượt thích và hơn 81.800 lượt chia sẻ. Anh Mạnh tâm sự: Mạng xã hội đã góp phần tạo thêm niềm vui, thêm động lực cho cán bộ, nhân viên bệnh viện cùng động viên nhau làm tốt hơn công tác chăm sóc phục vụ người bệnh, qua đó phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Tham gia mạng xã hội là việc mà nhiều người đã làm, nhưng sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho công việc chuyên môn của mình thì không phải ai cũng làm được. Xem facebook Hoa Hướng Dương, người xem không thấy cảnh ăn uống nhậu nhẹt cũng không thấy cảnh sinh nhật, cưới hỏi gặp mặt, hội họp tùm lum hay những bài viết, bình luận về các vấn đề của đời sốnng xã hội Facebook, Hoa Hướng Dương gần như chỉ tập trung về một mảng đề tài đó là hoạt động Đoàn đội của Đoàn TNCSHCM tỉnh Thái Bình. Xem facebook người xem biết ngay được những việc mà tỉnh Đoàn đã chỉ đạo, đang chỉ đạo, phong trào thanh thiếu niên cũng như hiệu quả của từng phòng trào, từng cuộc vận động; biết được cả những gương sáng trong các phong trào thi đua, những bài báo, những clip, những phóng sự truyền hình các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phản ánh về phong trào ở Thái Bình. Cũng qua mạng xã hội lãnh đạo tỉnh Đoàn nắm bắt được tâm tư tình cảm qua đó định hướng cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Ước gì sẽ có nhiều hơn những cơ quan định hướng cho nhân viên của mình khi tham gia mạng xã hội cạnh đó mỗi người khi tham gia mạng xã hội cũng phải tự ý thức được trách nhiệm của mình.

Phóng viên và phóng viên "nghiệp dư" tác nghiệp. 

Cái lợi mà mạng xã hội mang lại là rất rõ nhưng những cái hại cũng không phải ít, đơn cử như chuyện khi cá chết hàng loạt ở ven biển các tỉnh miền Trung, lập tức trên mạng xã hội xuất hiện cảnh cá chết kèm theo chú thích là trên biển cồn Vành Thái Bình. Thông tin này đã nhanh chóng lan truyền, làm cho các cấp, ngành đứng ngồi không yên, chỉ đến khi lực lượng công an tìm ra thủ phạm là một thanh niên cố tình lấy ảnh cá chết ở miền Trung ghép vào cảnh ở vùng biển cồn Vành Thái Bình thì dư luận mới lắng xuống.

Tính ưu việt của mạng xã hội là rất rõ nhưng khi sử dụng mạng xã hội trong cuộc sống hàng ngày của mình không phải ai cũng biết. Đơn cử, như chuyện một vị phụ huynh học sinh ở thành phố Thái Bình đưa hình ảnh lên trang facebook của mình, kèm theo bình luận trường học “KB” bỏ ra cả tiền triệu để pi-a cho bữa ăn tập thể của học sinh. Tuy nhiên, thực chất thì chất lượng bữa ăn rất kém, thông tin trên đã được một vài tờ báo nói lại, như khẳng định đây là chuyện có thật. Thế rồi đến khi lực lượng công an vào cuộc tìm được người chủ của facebook trên thì vị phụ huynh này chỉ trả lời một cách đơn giản, là thấy con ăn không ngon nên nghĩ ra chuyện đó và đưa lên mạng, vị phụ huynh chủ của trang facebook đã phải nhận lỗi và chấp nhận nộp tiền phạt chỉ vì hai chữ “không ngờ” sự việc lại to tát đến thế.

Phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa. 

Tham gia mạng xã hội nhưng không hiểu hết tính hai mặt của nó nên hai cán bộ của ngành y tế và một cán bộ của ngành giáo dục Thái Bình đã phải trả giá cũng chỉ vì một vài tích tắc thiếu suy nghĩ của mình, chung quy cũng tại hai chữ không ngờ sự việc lại to tát nghiêm trọng đến thế.

Sẽ còn rất nhiều chuyện xoay quanh việc sử dụng mạng xã hội, lợi hay hại, tốt hay xấu, đúng hay sai, có nên hay không nên. Nhưng ở đây có một điều đáng nói, đó là chúng ta có quá nhiều tờ báo chính thống, quá nhiều các cơ quan truyền thông nhưng sao những tin hay, tin tốt chỉ được lan truyền một cách khiêm tốn, trong khi những tin không tốt lan truyền trên mạng xã hội nhanh thế, dẫn đến cái dở thì người đọc biết ngay, cái hay thì tìm mãi không thấy. Phải chăng mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội đang dần trở thành một nhà báo, trong khi đó các nhà báo chính thống đặc biệt là các cơ quan báo chí và cả cơ quan quản lý báo chí lại chưa tìm ra con đường đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội như thế nào để nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn giúp cho mỗi người dân tìm được vấn đề hiểu được vấn đề nhanh chóng, thuận tiện. Có lẽ đứng trước sự lan tỏa của mạng xã hội thì mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí còn phải cố gắng nhiều.

 
Anh Nguyễn Minh Hồng, Bí thư Tỉnh đoàn

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh lập tài khoản Facebook nhằm đăng tải, chia sẻ những tin, bài, kế hoạch, hình ảnh, video, phóng sự, các hoạt động do đoàn tổ chức để tuyên truyền chủ trương, đường của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định địa phương và của tổ chức đoàn; đồng thời, nắm bắt và định hướng tư tưởng cho đoàn viên thanh niên. Các hoạt động sau khi đăng tải trên Facebook đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đoàn viên, thanh niên, giúp các cơ sở đoàn hoạt động hiệu quả, sát với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên cũng thông qua mạng xã hội từng cơ sở đoàn kiểm soát thông tin, độc hại lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo thanh niên vào các hoạt động không lành mạnh gây khó khăn cho tổ chức đoàn thanh niên.
 
Em Nguyễn Hữu Phước, Sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình

Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội như một nhu cầu trong cuộc sống của thanh niên. Như ở lớp em, 100% các bạn đều có tài khoản Facebook, Zalo. Có thể nói là mạng xã hội, hay Facebook, Zalo nó tích hợp rất nhiều công cụ tiện ích để đáp ứng với nhu cầu của người dùng như một kênh thông tin mới, kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, bán hàng online... Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp thông tin nóng hổi, trực quan, nhanh đến từng giây thì mạng xã hội cũng vô tình gây ra những rắc rối, những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống cá nhân. Nhiều vụ việc đau lòng được báo chí thông tin về hệ lụy của việc lạm dụng mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội với mục đích xấu, không lành mạnh... Chính vì thế, cùng với phát huy được những mặt tích cực của mạng xã hội thì cần loại bỏ và ngăn chặn được những mặt tiêu cực của nó và hơn hết hãy là người dùng thông minh, đừng để mạng xã hội “điều khiển” chúng ta.
 
Em Nguyễn Văn Toản, thôn Trung Hòa, xã Bách Thuận (Vũ Thư)

Em cũng chỉ mới làm quen với Facebook được một thời gian. Em sử dụng Facebook với mục đích là xem thông tin, hoạt động của bạn bè, lưu giữ những hình ảnh của mình. Đôi khi qua Facebook, chúng em lập nhóm học tập. Em thấy Facebook rất tiện lợi, giống như một trò chơi thu hút giới trẻ. Đối với lứa tuổi chúng em, việc làm dụng, thậm chí “nghiện” mạng xã hội là điều cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập của bản thân, dễ “sống ảo” và dễ bị kẻ xấu lợi dụng.


Tuấn Dung