Thứ 7, 23/11/2024, 10:00[GMT+7]

Sức sống làng dệt Phương La

Thứ 4, 14/11/2018 | 09:30:35
8,327 lượt xem
Chủ động đổi mới sáng tạo, tìm đến những phương thức sản xuất mới, cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá phù hợp với xu hướng và thị hiếu của thị trường... là những bước tiến mới của làng nghề dệt Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà.

Nghề dệt khăn thu hút hàng nghìn lao động nông nhàn.

Nghề truyền thống

Như bao làng quê khác, ngoài nghề làm ruộng, người dân Phương La còn có nghề dệt lụa, dệt vải. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, thì nghề dệt của Phương La đã có cách đây gần 800 năm. Trải qua bao thế hệ, nghề dệt Phương La vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Với khát khao giữ nghề, nhiều thợ tay nghề cao trong làng ra sức truyền dạy nghề cho con cháu, tự tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn nâng cấp, đầu tư máy dệt thủ công thô sơ thành máy dệt bán tự động, liên hoàn. Người Phương La mạnh dạn đổi mới cả trong tổ chức sản xuất: sản xuất theo hộ gia đình, sản xuất theo tổ hợp và sản xuất theo công ty, xí nghiệp. Quy trình sản xuất mới với công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng cao mang lại cho người dân đời sống sung túc; đồng thời, tạo cho người Phương La có tư duy quản lý, từ tư duy “trọng nông”, lấy lương thực làm đầu, cuộc sống “tự cung, tự cấp”, “an phận” sang tư duy “kinh tế hàng hóa, thị trường”… Từ năm 1990, người Phương La đã chuyển hướng chủ yếu dệt khăn các loại cho thị trường trong nước và quốc tế. Ngày nay, trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại xen lẫn với các khung dệt, máy móc hiện đại. Sản phẩm khăn dệt của làng trở nên đa dạng hơn về mẫu mã, kiểu dáng nên các sản phẩm của làng nghề Phương La không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam tới tay bạn bè bốn phương.

Cả làng bám nghề

Phương La ngày nay như một sự kết hợp tinh tế của nét đẹp đô thị hiện đại và nét đẹp đậm đà bản sắc Việt. Đường làng ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, trục đường chính rải nhựa, các ngôi nhà cao tầng, các biệt thự mọc lên ngày một nhiều. Cuộc sống dân làng sung túc, con người nồng hậu, chất phác. 

Vào làng Mẹo mà tôi ngỡ như lạc vào một khu công nghiệp tầm cỡ, hiện đại, giàu có. Cụm công nghiệp với các công ty, xí nghiệp được xây dựng quy mô, thu hút hàng nghìn lao động. Hiện, trên địa bàn xã có gần 100 công ty, xí nghiệp; trong đó 35 - 40% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại là máy móc công nghiệp và số còn lại sử dụng hệ thống máy móc bán công nghiệp. 

Ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: Nghề dệt khăn của làng chưa bao giờ phát triển nhanh, mạnh, rộng khắp như hiện nay. Toàn xã có gần 3.350 hộ được chia thành 8 thôn thì có 6/8 thôn được công nhận là làng nghề, trong đó thôn Phương La có trên 1.500 hộ thì 100% số hộ này làm nghề dệt còn ở các thôn khác như thôn Trắc Dương và thôn Nhân Xá, 70% số hộ làm nghề dệt. Doanh thu của các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu ở cụm công nghiệp đạt từ 3 - 5 triệu USD/năm/doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7%, chỉ riêng làng Phương La mỗi năm đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Các công ty, xí nghiệp tại cụm công nghiệp và các tổ hộ sản xuất trong làng đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10.000 lao động trong và ngoài xã. 

Sau khi nhuộm, vải sẽ được mang phơi.

Thu nhập bình quân đạt gần 45 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông Nguyễn Xuân Thịnh, thôn Phương La 3 đầu tư 1 máy công nghiệp, 4 máy gỗ. Với 4 lao động, mỗi tháng mang lại nguồn thu cho gia đình từ 30 - 40 triệu đồng. 

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc cho biết: Mặt hàng sản xuất chính của doanh nghiệp là khăn mặt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với doanh thu 6 - 7 triệu USD/năm. Tạo việc làm ổn định cho trên 300 công nhân lao động trực tiếp, thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng và hàng nghìn lao động vệ tinh tại các xã trong và ngoài huyện.

Trải qua những thăng trầm của thời gian, làng nghề Phương La không chỉ đóng góp cho xã hội một lượng hàng hóa lớn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo làng quê thay đổi mà còn gìn giữ những nét đẹp văn hóa của cha ông.

Minh Nguyệt