Thứ 7, 23/11/2024, 11:18[GMT+7]

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế đặc thù phát triển du lịch Cao Bằng

Chủ nhật, 25/11/2018 | 07:57:08
710 lượt xem
Thủ Tướng nhấn mạnh, Cao Bằng có các tiềm năng lớn về phát triển du lịch, công nghiệp khai khoáng với tài nguyên phong phú.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Chiều 24/11, theo chương trình công tác tại Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng về thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội. Nhấn mạnh Cao Bằng có nhiều lợi thế phát triển du lịch, nhất là có Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Cao Bằng và các bộ, ngành, xây dựng cơ chế đặc thù về phát triển du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2018. 

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cho biết, kinh tế xã hội của tỉnh năm nay chuyển biến tích cực, dự kiến 18/18 chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng thu ngân sách của tỉnh năm nay ước đạt 1.700 tỷ đồng, tăng trên 24% so với kế hoạch. 

Cao Bằng có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, trong đó có Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An (được tỉnh công bố vào tối 24/11); Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (tỉnh tổ chức đón nhận danh hiệu vào tối 24/11). Năm nay, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng 45% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn còn khó khăn bởi chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực có thế mạnh là nông, lâm nghiệp. Giao thông kết nối liên vùng còn khó khăn. Mô hình khu kinh tế cửa khẩu chưa phát triển theo chiều sâu. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn lên tới gần 32%, cận nghèo trên 13%.

Ba đột phá chiến lược phát triển được tỉnh xác định là phát triển du lịch bền vững dựa vào thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, xây dựng chỉ dẫn địa lý; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch và cửa khẩu. Trong đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ đồng tình với các giải pháp đột phá chiến lược của Cao Bằng cũng như việc đẩy nhanh triển khai tuyến cao tốc Trà Lĩnh-Đồng Đăng, nhưng Cao Bằng và các bộ cần thảo luận kỹ về nguồn lực triển khai, phân kỳ đầu tư hợp lý để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội.

Với việc Cao Bằng mới cân đối được trên 80% ngân sách thì tỉnh cần thúc đẩy phát triển kinh tế để có nguồn thu. Trong đó, cần khai thác tốt các thế mạnh du lịch; phát triển nông nghiệp với các thế mạnh các loại cây ăn quả và giống lúa quý, đặc sản, phát triển các loại cây dược liệu; trồng rừng lấy gỗ gắn với chế biến gỗ để giải quyết việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả kinh tế xã hội Cao Bằng đạt được thời gian qua, trong đó nhấn mạnh đến các tiềm năng lớn về phát triển du lịch, công nghiệp khai khoáng với tài nguyên phong phú.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh cố gắng khắc phục những tồn tại, như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Cùng với đó là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là khi tỉnh còn tới 8 huyện nghèo và tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai cả nước, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm chủ yếu. 

Về định hướng phát triển của địa phương thời gian tới, Thủ tướng đồng tình với tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch, coi đây là hướng đột phá.

“Du lịch cần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng. Các thế mạnh du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, địa hình được khai thác trên sự tương tác bền vững những yếu tố độc đáo của Cao Bằng, gắn du lịch với đặc sản và ẩm thực độc đáo của địa phương. Tỉnh có tới 20 loại đặc sản có thể truy suất nguồn gốc. Trong đó, cái mới nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận để du khách trong và ngoài nước biết tới, chiêm ngưỡng”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh lao động của Cao Bằng vẫn chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp vẫn là thế mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý: “Phát triển nông nghiệp, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao. Lý do nói định hướng này đứng thứ nhất hoặc thứ hai là vì phần lớn người dân Cao Bằng vẫn trong lĩnh vực nông nghiệp là chính, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó cần lấy các trụ cột gồm: sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, nhất là các đặc sản của tỉnh mà nơi khác khó có được, mang lại giá trị gia tăng cao; liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành; trên cơ sở các sản vật ấy cần phát triển thương hiệu để nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Cao Bằng đẩy mạnh trồng rừng và chế biến gỗ sâu để xuất khẩu và tiêu dùng, nhất là khi Cao Bằng ở ngay thị trường lớn là Quảng Tây, Trung Quốc.  

Tán thành với lãnh đạo các bộ, Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng cần phát triển kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy xuất nhập khẩu chính ngạch, bởi tỉnh có đường biên giới giáp tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc dài hơn 330 km, (Quảng Tây có quy mô kinh tế lên tới 350 tỷ USD/năm), là thị trường lớn, giàu tiềm năng.

Để thực hiện được các định hướng này, Thủ tướng nêu ra các giải pháp đối với Cao Bằng, trong đó cần chú ý hoàn thiện quy hoạch các ngành với tầm nhìn xa; bảo vệ an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới. Cùng với đó là có giải pháp thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, xóa bỏ tư duy sản xuất tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, qua đó thúc đẩy giảm nghèo. Đặc biệt là phải coi đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng phát triển chứ không phải đối tượng hỗ trợ.

Về đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, đồng thời giao các bộ, ngành và địa phương họp và đề xuất giải pháp về nguồn vốn đầu tư theo hình thức PPP cùng các vấn đề khác của dự án, trong đó Thủ tướng lưu ý, phần nhỏ vốn Nhà nước chỉ là vốn “mồi”, chủ yếu là huy động các nguồn lực khác với cơ cấu hợp lý, như nguồn lực của địa phương, vốn tín dụng, vốn tư nhân...để sớm triển khai tuyến đường.

Sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Cao Bằng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công an tỉnh Cao Bằng.

Nhấn mạnh đến những yêu cầu của công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng với quốc tế, thì tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, nhất là trong lĩnh vực tội phạm an ninh mạng, an ninh phi truyền thống.Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những thành tích, kết quả đã đạt được của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Trong điều kiện một địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự và là tỉnh có 333km đường biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, địa bàn rộng, giao thông đi lại còn khó khăn nhưng lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác nghiệp vụ, xử lý, phòng ngừa, ngăn chặn tốt tình hình tội phạm, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2018.

Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng cần ra sức khắc phục khó khăn, tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác an ninh trật tự, có các phương án, không để xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Công an tỉnh cũng cần tiếp tục chú trọng làm tốt công tác xây dựng lực lượng; chủ động đảm bảo an ninh trật tự, liên kết, phối hợp với các địa phương khác trong thực hiện nhiệm vụ, giữ gìn sự ổn định; thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”…, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiếp đó, chiều tối nay, tại Thành phố Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, tặng quà bà Lục Thị Đôn, lão thành cách mạng; thăm, tặng quà ông Nông Hồng Quảng, thương binh nặng./.

Theo: vov.vn