Thứ 6, 22/11/2024, 22:55[GMT+7]

Chạy xe máy thế nào trên đường đô thị ngập nước?

Thứ 2, 26/11/2018 | 08:07:26
1,058 lượt xem
Đường đô thị ngập nước luôn tiềm ẩn những nguy hiểm dành cho xe máy cũng như người điều khiển, nếu buộc phải di chuyển, cần lưu ý những điều sau.

Cây ngã, cột điện đổ, cống mất nắp, là những hiểm họa rình rập khi đường ngập nước.

Những rủi ro luôn rình rập những người tham gia giao thông khi chạy trên đường ngập nước trong đô thị, đặc biệt là với xe máy, vốn không được bảo vệ như những chiếc xe hơi. Rủi ro này không chỉ gây nguy cơ hỏng hóc phương tiện, mà còn gây thương vong cho người điều khiển.

Rủi ro luôn rình rập

Nếu đường ngập nước do mưa bão, tốt nhất là không nên tham gia giao thông, bởi đây là lúc nguy hiểm nhất nếu chạy xe máy ở trên đường. Mưa gió mạnh khiến việc điều khiển xe trên đường không hề dễ dàng dù là khi đường chưa ngập.

Khi nước ngập cao, việc điều khiển xe còn khó hơn nhiều lần. Mưa bão kèm theo gió mạnh có thể giật đổ những cây to ở ven đường, hay thổi bay những tấm tôn, biển quảng cáo, cành cây, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Khi điều khiển xe trong điều kiện đường ngập nước, chiếc xe cũng rất dễ bị chết máy, dẫn đến hỏng hóc. Vì vậy, nếu không phải là có việc quá khẩn cấp, tốt nhất không nên lái xe máy ra đường khi đang xảy ra ngập lụt, mưa bão.

Cách chạy xe máy an toàn nhất qua đường ngập

Tốt nhất nên chọn những con đường quen. Thuộc địa hình cũng như hiểu về điều kiện mặt đường và những gốc cây, nắp cống sẽ khiến việc lái xe qua đường ngập nước an toàn hơn rất nhiều so với đi trên một con đường lạ.

Khi đi đường quen, người điều kiển có thể chọn điểm cao nhất trên đường để giảm bớt độ ngập, thường là ở giữa đường. Nếu đi đường lạ, nên quan sát những phương tiện di chuyển phía trước để chọn đường đi an toàn.

Quan sát trước khi vượt đường ngập, đặc biệt chú ý đến những chiếc xe hơi hay xe bus to di chuyển với tốc độ cao ở đường ngập nước. Sóng nước từ những phương tiện này có thể khiến xe máy mất điều khiển hoặc chết máy ngay lập tức. Khi cảm thấy an toàn, hãy vượt đường ngập nước.

Di chuyển với tốc độ thấp và đều ga, dù là xe số hay xe tay ga. Việc thốc ga bất ngờ có thể khiến xe chết máy ngay lập tức, trong khi nếu đều ga, xe di chuyển chậm nhưng không bị chết máy đột ngột. Tránh phanh đột ngột, vì khi giảm tốc bất ngờ, nước sẽ nhanh chóng tràn vào các bộ phận bên trong và gây chết máy.

Đối với xe tay ga, tốt nhất không nên lội nước sâu quá ống xả. Xe số có thể lội sâu hơn tuy nhiên không quá yên xe, bởi khi nước vào khe lấy gió của động cơ thì chắc chắn xe sẽ chết máy.

Đối với xe điện, cho dù các mẫu xe máy điện hay xe đạp điện đều quảng cáo có thể đi qua vùng nước ngập, tuy nhiên tốt nhất là không sử dụng xe điện để lội nước. Cho dù được bọc kỹ để chống nước, nhưng sau một thời gian sử dụng khó có thể đảm bảo chiếc xe có đủ khả năng kháng nước để lội qua vùng nước ngập. Nếu chập điện hay bị nước vào, xe điện sẽ cần thay thế cả hệ thống pin, rất tốn kém.

Nếu không tự tin, tốt nhất nên tìm đường khác, hoặc chờ nước rút rồi mới di chuyển qua. Còn một cách mà nhiều người hay sử dụng, đó là tắt máy, dắt xe qua vùng nước ngập, để đảm bảo động cơ không hư hỏng.

Xử lý khi xe chết máy

Khi xe đã chết máy vì lội qua đường nước ngập, tốt nhất không nên cố đề nổ, có thể khiến xe thêm hư hỏng nặng.

Với xe số, có thể tháo bugi và lau khô, dốc sạch nước ra khỏi ống xả. Hai bước này có thể khiến động cơ chiếc xe hoạt động trở lại. Sau đó không nên di chuyển ngay, mà nổ máy, rồ ga, để nước được giải phóng khỏi động cơ cũng như bên trong ống xả, sau khi nóng máy, xe có thể vận hành bình thường.

Nếu hai bước trên không thành công, có thể xe đã bị nước vào hệ thống điện, lúc này cần tìm một cửa hàng sửa xe máy để xịt khô và vệ sinh các đầu mối điện cũng như vệ sinh bộ chế hòa khí, thay dầu động cơ.

Với xe tay ga, tốt nhất khi đã bị tắt máy vì đi đường ngập nước, nên đưa ngay xe tới cửa hàng sửa chữa. Xe tay ga sẽ cần được lau sạch bugi, thay dầu mới trong khoang máy và xịt khô hệ thống điện.

Kiểm tra xe sau khi lội nước

Dù xe không chết máy khi lội nước, tuy nhiên nước mưa và nước bẩn vẫn bám vào nhiều bộ phận của chiếc xe. Tốt nhất ngay khi lội nước, nên mang xe đi rửa sạch, đảm bảo nước bẩn không còn bám ở hệ thống điện, bugi, khu vực động cơ cũng như hệ thống phanh, để đảm bảo nước mưa không ăn mòn các thiết bị trên. Nên kiểm tra dầu máy xem có xuất hiện nước bên trong không, và thay thế nếu cần thiết.

Theo zing.vn