Thứ 5, 02/01/2025, 03:35[GMT+7]

Huyền thoại Sóc Lang

Thứ 2, 26/11/2018 | 08:44:37
16,703 lượt xem
Đền Sóc Lang hay còn gọi là từ Lang, thôn Đông Vinh, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư thuộc “tứ linh từ” của huyện Chân Định xưa.

Đền Sóc Lang hay còn gọi là từ Lang nơi thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương và Mộc Đức tinh quân.

 Dân gian truyền ngôn rằng đền Sóc Lang thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, lại có truyền ngôn rằng đền thờ “Mộc Đức tinh quân” trong “Cửu Diệu tinh” Thái Dương hệ nhưng cũng có truyền ngôn khác cho rằng từ Lang thờ một pho tượng tối cổ được tạo tác bằng khúc gỗ quý (Mộc tinh) từ thượng ngàn trôi về nghìn năm trước mà hương thơm tỏa ngát một vùng...

Năm 1998, trong chuyến điền dã về Thái Bình, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói với tôi: Thái Bình không hẳn là vùng đất “sinh sau đẻ muộn” bởi bằng chứng ở đây có đền thờ Thánh Gióng, nơi đó dân gian gọi là đền Sóc Lang hay từ Lang. Giáo sư còn đọc cho tôi nghe một câu đối có liên quan đến ngôi đền này “Uy dương mộc mã, kiện đề ẩn ẩn ngưỡng kiều biên” rồi “cụ” bảo tôi “cái gọi là ngưỡng kiều biên chính là ranh giới biển và đất liền thuở xưa của nhà nước Văn Lang đấy”. Thế nhưng 20 năm sau chuyến điền dã “cơ duyên” đó tôi mới có dịp tìm về đền Sóc Lang để tìm hiểu tín ngưỡng thờ cúng “tứ bất tử” lâu đời của người dân vùng Chân Định xưa và nay là thôn Đông Vinh, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư.

Lâu nay trong tâm thức người dân đất Việt tín ngưỡng thờ “tứ bất tử” (Đức Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa) được coi là “tối linh hiển thánh” vì thế chẳng mấy ai “để tâm giải mã” những hiện tượng văn hóa liên quan đến bốn vị hiển thánh đặc biệt là Đức Thánh Phù Đổng Vương (tức Thánh Gióng). Hồi cố lịch sử quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp của cư dân Lạc Việt (cư ngụ chủ yếu ở vùng trung du Phú Thọ) chuyển từ công cụ đồ đá mới đến đồ đồng rồi tiếp tục mở rộng sản xuất nông nghiệp khiến đất đai canh tác không đáp ứng được nên cư dân Lạc Việt phải rời bỏ vùng đồi núi trung du di chuyển xuống hạ du vùng đồng bằng châu thổ khai phá đất đai trồng cấy lúa nước nên đồ sắt phát triển và được dùng nhiều. Cư dân Lạc Việt đi đến đâu thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thánh thần cũng để lại dấu ấn đậm nét đến đó và hiển nhiên các vị “anh hùng văn hóa” trong truyền thuyết thường được gắn với các đại lễ tôn giáo của người Việt. Ở vùng đồng bằng châu thổ giáp biển như Thái Bình mà có đền thờ Thánh Gióng điều đó đã khẳng định truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương không những “ăn sâu” trong tiềm thức người dân đất Việt mà còn ẩn chứa giá trị triết lý nhân sinh sâu sắc là “gắn bó, cố kết cộng đồng thì sống, chia rẽ, tách biệt thì chết”, đồng thời giáo dục truyền thống “yêu nước thương nòi” và đại đoàn kết dân tộc cho các thế hệ tiếp nối. Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương gắn với lễ hội Thánh Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2010. Theo gợi ý giải nghĩa của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng thì đền Sóc Lang cổ nghĩa chiết tự chỉ núi Sóc nơi đức thánh Phù Đổng Thiên Vương sau khi đánh tan giặc Ân đã cởi áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt hóa về trời. Lang là chỉ người anh hùng thời Hùng Duệ Vương. Bối cảnh lịch sử của nhà nước Văn Lang kể từ Hùng Vương thứ nhất trị vì còn là nước nhỏ, nghèo nàn đến đời vua Hùng thứ 6 đã trở thành một quốc gia hưng thịnh nhưng với nhà Ân (Trung Quốc) vẫn phải giữ thế thần phục. Đời vua Hùng thứ 6, đức vua vốn là người khoan dung độ lượng nhưng khẳng khái, cương nghị lại không có con trai nối dõi bèn bỏ lệ triều bắc cống. Vua nhà Ân tức giận muốn đem quân xuống xâm lược Văn Lang bèn cho sứ giả đi do thám trước. Sứ giả đến triều đình Văn Lang phán rằng: “Vua nhà Ân muốn đi tuần thú phương Nam khi nào tới, vua Hùng phải lo cung đón, tiếp đãi thật chu đáo”. Nhìn thấu tâm can giặc Ân lăm le muốn cướp nước Văn Lang vua Hùng bèn cho sứ giả đi tìm người tài trong thiên hạ. Nghe tiếng sứ giả cầu hiền tài, cậu bé Gióng lúc ấy đã ba tuổi mà không biết nói, biết cười bỗng dưng bật lên tiếng gọi mẹ và giục mẹ mời sứ giả vào nhà. Gióng nói với sứ giả về tâu với vua Hùng sắm cho ngựa sắt, áo giáp sắt, gậy sắt. Rồi Gióng ăn khỏe, lớn nhanh như thổi… Cả làng góp gạo nấu cơm cho Gióng ăn. Một ngày Gióng từ biệt mẹ, mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm gậy sắt đánh tan giặc Ân cướp nước… Tương truyền, phía trước đền Sóc Lang có hai hồ nước là dấu chân ngựa sắt của Thánh Gióng lúc đuổi giặc ở phía Đông Nam. Những vết chân ngựa Gióng còn in hằn trên mặt đất làng Đông Vinh mãi mãi in sâu vào lòng đất, trong lòng người dân đất Việt, tạc ghi trong lịch sử dân tộc như chứng tích muôn đời không phai về kỳ tích của người anh hùng… Truyền thuyết Thánh Gióng được hiện thực hóa trong tín ngưỡng thờ “tứ bất tử” ở đền Sóc Lang khẳng định Thánh Gióng là người anh hùng từ văn hóa đến tâm linh và là anh hùng “vô hình hữu thanh”. Gióng là ước mơ khát khao cháy bỏng của người nông dân “chân lấm bùn” bước ra từ nền văn minh nông nghiệp khi mà mỗi người dân đều là anh hùng đánh giặc ngoại xâm bảo vệ non sông gấm vóc. Hình ảnh Gióng lớn nhanh “như thổi” ăn hết “bảy nong cà, ba nong cơm” chính là xuất phát điểm văn minh lúa nước chỉ có bát cơm và quả cà mà sẵn sàng đập tan giặc ngoại xâm và lớn nhanh là để đánh giặc cứu nước. Cứu nước xong Gióng hóa về trời chứ không ở lại để kể công cầu danh lợi như lẽ thường tình. Thánh Gióng là hình tượng người anh hùng trong lòng dân và sinh ra ở dân khi có giặc thì đi đánh giặc vô tư vì nghĩa cả. Thánh Gióng vô hình mà tên tuổi vẫn để muôn đời sau thờ phụng. Theo huyền thoại, tướng giặc Ân là Thạch Linh rất tàn ác, khi giặc Ân sang cướp nước ta hắn sai người làm con ngựa gỗ rồi bắt dân ta cắt cỏ cho ngựa gỗ ăn. Hắn ra điều kiện nếu ngựa gỗ ăn cỏ thì dân ta không bị hắn chém đầu, nếu ngựa gỗ không ăn cỏ thì người dân nước ta bị chém đầu… Căm hờn lũ giặc bạo tàn, Gióng ăn cơm của dân làng mà lớn nhanh như thổi rồi giúp vua Hùng đánh tan giặc Ân. Ngựa gỗ bị quật gãy, đầu một nơi, thân một nẻo, mảnh vỡ văng khắp nơi. Dấu tích ngựa gỗ vẫn còn lưu truyền trong dân gian đâu đó như đường cổ ngựa, cánh đồng đầu ngựa, ruộng yên ngựa, ruộng đuôi ngựa… Liên tưởng tới câu đối tối cổ ở đền vua Rộc khẳng định vùng Chân Định xưa có bốn ngôi đền thiêng, trong đó có vua Rộc và Sóc Lang, rõ ràng vế đối thứ hai trong đôi cấu đối đền vua Rộc nhắc đến “ngựa gỗ” của giặc Ân uy hiếp tinh thần dân lành thì đã có ngay hình bóng người anh hùng (Thánh Gióng) thấp thoáng chốn biên cương “vó hùng thấp thoáng chốn cầu biên” để bảo vệ non sông.

Đền Sóc Lang là một thiết chế văn hóa cổ tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước vùng châu thổ Bắc Bộ trên đất Thái Bình, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc của người nông dân mong cầu “mưa thuận gió hòa” mùa màng bội thu và một cuộc sống đoàn kết, gắn bó.


Ông Lê Minh Phước, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư

Đảng bộ và nhân dân xã Vũ Vinh chúng tôi rất tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa mà cha ông ta xưa đã gửi gắm cho hậu thế ở đền Sóc Lang thể hiện khát vọng sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc, đoàn kết một lòng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bà Lê Thị Nguyệt, Quyền Chủ tịch UBND xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Vũ Vinh chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có việc tôn tạo cảnh quan và quản lý đền Sóc Lang. UBND xã giao cho chính quyền thôn Đông Vinh và Hội Người cao tuổi của thôn tự bầu ban quản lý đền nhằm tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

 
Ông Đoàn Ngọc Dương, Trưởng Công an xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư

Công an xã Vũ Vinh chủ trương tăng cường các hoạt động bảo vệ an toàn cho du khách đến tham quan du lịch và các tua du lịch trong và ngoài nước đến thăm đền Sóc Lang, đồng thời bảo đảm an toàn cảnh quan, trật tự tế lễ và cổ vật tại đền Sóc Lang.


Quang Viện 

Tony Pham - 5 năm trước

Đề nghị xem kỹ bài viết chưa thật đúng, đền Sóc Lang không thờ thánh gióng

Tải thêm