Chủ nhật, 05/01/2025, 11:01[GMT+7]

Lan tỏa phong trào thi đua “Hai tốt”

Thứ 2, 26/11/2018 | 10:49:48
1,058 lượt xem
Xác định thực hiện tốt phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo, những năm qua, ngành Giáo dục đã tập trung đẩy mạnh phong trào này kết hợp chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Học sinh Trường THCS Hưng Đạo (Tiền Hải) trong tiết học.

Từ những điển hình

Là một trong những phong trào lớn của ngành Giáo dục, thi đua dạy tốt, học tốt đã thu hút sự hưởng ứng tích cực của các trường học. Từ việc thực hiện các nội dung của phong trào đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên, học sinh. Ngành Giáo dục Thái Thụy là một trong những đơn vị triển khai và thực hiện tốt các phong trào thi đua của ngành. Trong thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thái Thụy là huyện chọn nội dung tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. 

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy chia sẻ: Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của huyện Thái Thụy đã đi vào chiều sâu. Từ phong trào này, rất nhiều giáo viên trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, các giáo viên trong huyện đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Các cuộc thi khoa học kỹ thuật thu hút hàng nghìn lượt học sinh và giáo viên tham gia và mang lại nhiều sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống. Các buổi sinh hoạt chuyên đề được Phòng tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu tạo thuận lợi cho cán bộ, giáo viên tiếp thu kiến thức. Nhờ thế, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành Giáo dục Thái Thụy đã diễn ra sôi nổi, từ đó xuất hiện nhiều nhà giáo, học sinh là những điển hình tiên tiến trong huyện, trong tỉnh như: em Hà Công Minh với máy cho tôm, cá ăn tự động, cô giáo Giang Thị Lan Anh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diêm Điền) với việc đổi mới phương pháp quản lý đã thay đổi diện mạo của nhà trường...

Không chỉ riêng huyện Thái Thụy, các địa phương khác trong tỉnh cũng xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy và học. Nhiều trường học đã phát động mỗi cán bộ, giáo viên có ít nhất từ 1 - 2 sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả áp dụng trong giảng dạy; đồng thời chỉ đạo đội ngũ giáo viên triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp. 

Từ phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, cách dạy học trải nghiệm của cô giáo Phạm Hồng Lê, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà) đã được nhiều giáo viên trong tỉnh học hỏi và thực hiện. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất văn hiến, cô Lê đã khiến học sinh yêu thích môn Lịch sử hơn với những tiết học trải nghiệm tại các di tích lịch sử tại Hưng Hà như: đền Trần, đền Tiên La hay từ đường nhà bác học Lê Quý Đôn... Nhờ thế, học sinh hứng thú, yêu thích môn học hơn. Đặc biệt, kiến thức về lịch sử địa phương của các em cũng được phong phú hơn nhiều.

Thực sự lan tỏa

Từ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy đạt hiệu quả cao. Các hoạt động thao giảng, hội giảng, trao đổi kinh nghiệm nâng cao tay nghề được đẩy mạnh. Nhờ đó đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập. Công tác tự học, nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên được duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, các đơn vị giáo dục thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề, cử giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo điều kiện cho giáo viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, giáo viên có dịp được học tập nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và kịp thời nắm bắt các nội dung đổi mới trong chương trình dạy học. Về phía học sinh, các em được tiếp nhận phương pháp giáo dục mới là lấy học sinh làm trung tâm. Nhờ thế, các em đã có thể làm chủ kiến thức, mạnh dạn, tự tin hơn trong quá trình học tập.

Với sự đổi mới toàn diện, năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục đã gặt hái được nhiều kết quả. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, Trường THPT Chuyên Thái Bình có 38 học sinh đoạt giải, trong đó có 4 giải nhì, 11 giải ba và 23 giải khuyến khích. Toàn tỉnh có 2 dự án khoa học kỹ thuật được chọn để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12, toàn tỉnh có 1.321 học sinh đoạt giải, trong đó có 95 giải nhất, 341 giải nhì, 409 giải ba. Ngành Giáo dục huyện Vũ Thư đã xuất sắc vươn lên vị trí dẫn đầu toàn đoàn.

Với những thành tích trong phong trào thi đua “Hai tốt”, năm học vừa qua, ngành Giáo dục có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua; nhiều cá nhân là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Đặng Anh