Thứ 6, 22/11/2024, 06:57[GMT+7]

Vị biển

Thứ 2, 26/11/2018 | 10:53:56
920 lượt xem

Ông Hùng đang lơ mơ ngủ trên giường bệnh đột nhiên như bừng tỉnh bởi một tiếng nói của một người vừa mới vào buồng bệnh. Từ rất sâu, rất xa của cõi thức trong lòng ông có một thứ mênh mang khẽ ùa về làm trái tim già nua của ông khẽ run rẩy. Giọng nói cứ như vừa đột ngột bước ra từ một miền sâu thẳm của ký ức. Đã lâu lắm rồi ông chưa được nghe lại giọng nói nằng nặng đậm mùi nắng, đậm mùi gió ấy. Thứ âm thanh oang oang ấy sẽ trở thành vô duyên khi ở một nơi như thế này. Nhưng thành thói quen rồi, người dân quê ông ăn sóng nói gió như vậy từ bao đời nay. Đã bao lâu rồi ông chưa đặt chân lên triền cát ấy để sóng mơn man chân mình?

Lâu, xa tít mù khơi rồi. Từ cái thời tóc ông còn xanh thắm ấy đã phải bỏ làng mà đi theo ông chú lên mạn ngược đồi núi này tìm kế sinh nhai. Quê ông năm ấy gặp nạn. Cả xóm chài nhỏ bé nằm chênh vênh ở cồn cát bị sóng đánh tan. Biển ầm ào tức giận xé tung con đê mỏng manh như con cá mập nuốt con cá cơm nhỏ bé. Nước ào tung vào từng nóc nhà cuốn phăng tất cả. Những thứ vô giá của tổ tiên để lại cũng tả tơi theo từng đợt sóng cường. Khi Thủy Tề nổi giận thì sẽ trở thành “giặc nước” kinh hoàng.

Nghĩa là đã rất rất lâu. Tục truyền rằng vào ngày “húy nhật” của ông Thủy Tề cai quản sông nước mà người nào dám cả gan ra khơi buông lưới thì trước sau gì Thủy Tề cũng “bắt” người của gia đình ấy xuống biển đầu quân. Cái ngày “đại kỵ” ấy không được ai đánh bắt bất kỳ một sinh vật nhỏ bé nào dưới biển. Năm ấy được mùa tôm. Dân làng ông cũng tặc lưỡi làm liều vì đói kém. Sau khi cúng tế xong thì đàn ông trong làng ùa ra biển mặc cho người già can ngăn. Trời vẫn yên, biển vẫn lặng sóng chỉ tội cái thời tiết oi nồng bứt rứt vào vụ tôm khiến người ta khó chịu. Người rành rẽ về thiên văn trong làng bảo sắp có họa lụt. Đêm ba mươi tết năm đó ông ấy đã thấy một điểm khác bất thường ở bầu trời trên biển. Theo kinh nghiệm của những người đi biển thì khi bầu trời xuất hiện những vệt lạ đó thì năm ấy làng biển mất mùa, sẽ có bão gió liên miên mà toàn bão lớn.

Ông khẽ thở dài. Người già lạ vậy, hay sống bằng ký ức mà cái mảng ký ức ấy ông đã cất giữ rất kỹ rồi mà sao bỗng dưng nó lại dựng lên khiến lòng ông nôn nao miền nhớ. Một nỗi nhớ da diết cháy bỏng trong ông có cái tên là nhớ cố hương. Ông lân la đến gần hỏi chuyện. Thấy vô duyên nếu hỏi người ta quê ở đâu. Ông liền mượn cớ hỏi xin cốc nước nóng để chườm chỗ vết tiêm. Lời qua lời lại rồi cũng nhận ra đồng hương ở xứ người. Vui. Tâm trạng ông phấn chấn hẳn khi ông hỏi chuyện người đàn ông trung niên kia về nơi gốc gác của mình. Hóa ra người cùng xã nhưng khác làng. Bạn bè của ông người còn người khuất. Tối đó đám con cháu ông vào thăm ông, chúng bắt tay người đồng hương mới gặp một cách miễn cưỡng.
 - Vâng! Quê gốc cháu cũng ở Thái Bình, chỗ gần biển ạ! Chúng cháu cũng có lần được về quê ra biển chơi.

Tự nhiên ông trầm hẳn. Biển trong ông đẹp đẽ, hồn hậu vô cùng đâu như lời tụi nó nhận xét “cũng được”. Bình minh trên biển như hàng ngàn hàng vạn ngôi sao sa lấp lánh. Là mông mênh nước, là mênh mang gió, là vô tận của tiếng sóng rì rầm, là bát ngát của mùi tanh nồng nằng nặng chỉ có người gắn bó với biển mới hiểu hết được. Con cháu ông ở nơi này, nhắm mắt vào mở mắt ra là cả một vùng đồi tròn như bát úp rặt một màu xanh lá cây của chè, của sắn, của những đồi keo già phủ bóng. Ở đây, chỗ nào cũng cứ như được đóng khung mặc định giới hạn về không gian mà người như ông đôi khi cảm thấy tâm trạng bí bách. Ông thích được đứng trước biển để thấy được cái tôi nhỏ bé của mình trước biển cả bao la, cảm nhận được cái hữu hạn và cái vô hạn của đất trời. Nơi mà thuở bé ông đã thả ước mơ của mình vào cái đường chân trời tiếp giáp giữa trời và đất. Lúc ấy ông đã ước mình sẽ được khám phá cái đường mong manh trên biển ấy xem nó thế nào. Gần hết cuộc đời ông mới hiểu được, đôi khi trong cái mong manh ấy lại chứa đựng cả những thứ vô cùng.

Đêm mênh mang đưa ông vào giấc ngủ về chốn xưa. Ông hét lên trước biển, òa mình vào cái vị mặn mòi mà ông đã từng quên như con cá mắc cạn gặp biển lớn thỏa sức vẫy vùng. Ông thấy mình cùng lũ bạn đi bắt con don, con vọp hay chui vào từng gốc vẹt bắt tụi cáy, còng tránh nắng. Ông nhớ rõ từng dòng nước khi theo cha đi biển. Chỗ gần bờ bao giờ cũng đục hơn vì phù sa bồi đắp. Đó là nơi các cư dân don nứa sinh sống. Chỉ cần lấy cuốc nhỏ đào đám cỏ ấu ven mép nước là có nồi canh don nứa ngon lành mùa hè. Tiếp đó là bãi vọp, bãi ngao. Ngoài cùng là bãi don gạo. Những con ngao to bằng miệng tô, nổi vân nâu óng khi xưa giờ không thể tìm được. Hết bãi don là ngoài khơi trùng dương nước xanh thẳm.

Giường bên người đồng hương húng hắng ho làm ông chợt tỉnh giấc. Con trai ông ấy lập nghiệp ở xứ này. Ông ấy lên chơi và chẳng may ốm phải vào viện. Ông Hùng khẽ trở mình. Ông cứ miên man suy nghĩ theo giấc mơ. Con ông làm sao biết được hết các dụng cụ đi biển. Có thứ ông kể hàng trăm lần chúng cũng không thể tưởng tượng ra. Lúc đầu, đám con ông còn lắng nghe rồi hỏi này nọ. Ông cố gắng giải thích cho con hiểu quê mình kiếm sống trên biển ra sao. Giờ đến cả đám cháu ông cũng trở nên vô tâm trước lời nói của ông già này. Chúng than:

- Trời ơi, mấy cái chuyện đó sao ông nội kể lắm thế không biết!

Lúc ấy, bố mẹ chúng chỉ cười trừ. Ừ. Cái cười của bọn chúng như một ẩn ý rằng ông đã lẩm cẩm. Mấy nếp nhăn trên khuôn mặt ông khẽ xô lại. Lẩm cẩm thì ông cũng cứ phải kể. Mai kia ông khuất đi rồi sẽ chẳng còn ai nhiều lời về một miền quê đói khổ khi xưa nữa. Ông kể để vơi đi nỗi nhớ quê, kể nhiều để đám con cháu ông biết nguồn cội. Kể mà không thấy chạnh lòng vì đám trẻ con đã lấy tai nghe cắm vào điện thoại. Ờ mà nhờ có điện thoại thi thoảng ông có gọi cho vài người họ xa ở quê nhưng mà qua cái thiết bị này, cái giọng “dổ - dá- dơm - dạ” nghe nó ít nhiều có phần khác. Hôm nay đây, có người cùng quê trong phòng bệnh, giọng nói của ông cũng bớt lạc lõng.

Ông nhớ những lần ra biển câu mực. Mỗi lần đi đem theo thực phẩm và nước ngọt cả tuần mới về. Khi trở về chủ yếu là mực khô đem bán cho các thương lái. Nước miếng ông đã trào ra rồi. Ăn mực trứng mà phơi khô được nắng ngay trên biển ngon phải biết. Vị ngọt dai và bùi có sức lôi cuốn mãnh liệt. Lúc ấy chỉ có chai rượu đế nút lá chuối chứ đâu có bia nội, bia ngoại như bây giờ. Cái vị cay nồng của rượu nếp cái hoa vàng giữa biển cả mặn mòi ấy thật tuyệt. Những ngư dân như thêm niềm vui trong nụ cười rám nắng.

Ngày xưa, tuổi mười bảy ông đã đi hết biển quê mình ra cả Cát Hải rồi. Hoàng hôn trên biển cũng thú vị lắm. Dưới cái ánh nắng nhoáng nhoàng của ngày tàn, đàn cá đi ăn đêm. Ông nhìn bạn thuyền tung lưới mà lặng đi. Người nào ngực cũng nở, da săn chắc, đen bóng, tay cuộn bắp, bụng nổi múi rắn chắc. Họ làm việc hăng say như làm chủ đại dương. Vậy mà…

Có giọt nước trong kẽ mắt ri rỉ. Ngày hôm ấy trở thành ngày giỗ làng sau khi biển oằn mình nổi giận. Sau một đêm bão, dân xóm Cồn trên cao tỉnh dậy không còn thấy làng chài trước mặt đâu nữa. Hơn trăm nóc nhà chỉ còn lại vài vụn đổ nát. Biển đã cuốn phăng tất cả. Người già bảo đây là sự trừng phạt của Thủy Tề. Ngày giỗ của ông ấy dân làng ông đã đi biển nên mới bị vậy. Người ta tìm được vài chục xác người đem chôn còn lại là xây mộ gió. Đêm đó, nghe tiếng sóng gầm lạ, cha ông gọi mấy mẹ con dậy chạy lên cao chưa kịp đi thì ào một cái, nước ập đầy nhà. Ông bị hất lên mặt đê ngất lịm. Tỉnh dậy không tin nổi vào mắt mình vì chẳng còn ngôi nhà thân quen đâu. Cha mẹ và hai đứa em ông không tìm thấy xác. Còn sót lại ông chú họ. Chú ông dắt ông lên mạn ngược tìm kế sinh nhai thề sẽ “từ biển”. Cho đến phút cuối từ giã cõi đời, chú ông vẫn muốn được làm cụ tổ ở miền sơn cước này. Nhưng ông thì ông nhớ biển. Ông đã đưa con cháu về thăm quê nhưng chả còn ai thân thích cả nên chúng cũng không mặn mà. Cuộc sống vất vả suốt ngày lấm lem đất bazan au đỏ nên chúng không có thời gian suy tưởng đến cái vùng quê gió thốc đầy cát trắng ấy.

Ông xuất viện. Ngồi tiếp người đồng hương với vị trà đắng ngọt tại căn nhà của mình mà ông khỏe hẳn. Trái tim già cỗi như có sức mạnh khác lạ, có cả dòng máu hừng hực đang tan chảy trong huyết quản của ông. Ông hoan hỉ tưởng tượng ra cái làng chài của ông bị biển xâm lấn giờ đây mọc lên nhà máy chế biến hải sản theo lời kể của người bạn cùng quê thế nào. Cái cồn Đen khi xưa ông hay ra vớt sứa dạt vào đó giờ thành khu du lịch sinh thái rất đẹp ra sao. Nó là cái cồn cát đẹp nhất nước mà. Ừ, mà hè sang năm, ông nhất định sẽ đưa đám cháu của mình về quê ra đó, đi xem cây cầu tre dài nhất miền Bắc. Sẽ cho tụi nhỏ tắm ở bể bơi nước mặn, trải nghiệm chèo thuyền theo lạch nước để khám phá cánh rừng ngập mặn của quê hương. Chúng sẽ được cảm nhận thứ âm thanh của rừng “phi lao gió hát” trong bài hát về Thái Bình xúc động lòng người. Tiễn khách ra cổng tay ông còn nắm chặt tay khách:
- Khi nào về quê, tôi sẽ tới thăm ông.
Ông nhanh chân vào nhà gọi lũ cháu:
- Mấy đứa mở mạng cho ông xem cồn Đen quê mình đi nào.

Hân Du
(Thụy Lương, Thái Thụy)

  • Từ khóa