Chủ nhật, 24/11/2024, 12:50[GMT+7]

Dấu ấn phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa

Thứ 3, 27/11/2018 | 08:21:13
1,601 lượt xem
Sau 18 năm thực hiện, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa đã tạo chuyển biến tích cực ở các cấp, ngành, đơn vị, địa phương. Từ phong trào, nhiều truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, phát huy, hoạt động thể dục thể thao ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Hát giao duyên - nét đẹp văn hóa trong lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư).

Cốt lõi của phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa là xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Sau 18 năm thực hiện, phong trào đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị. Nhờ đó, tính từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh có trên 100.000 gương người tốt, việc tốt được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương biểu dương, khen thưởng. Tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được nâng lên. 

Theo thống kê, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có trên 87,5% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 63,9% thôn, tổ dân phố, khu phố văn hóa, 73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Nhiều thôn, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền như: khu phố Long Hưng (thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương); thôn An Dân (xã Thụy Dân, Thái Thụy); thôn Minh Thành (xã Hồng Minh, Hưng Hà); thôn Súy Hãng (xã Minh Lãng, Vũ Thư); Đồn Biên phòng Trà Lý; Trường Mầm non Vũ Sơn (Kiến Xương)... Số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị cũng được nâng lên. Toàn tỉnh có 51,6% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 67,5% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Đạt được danh hiệu đã khó, giữ vững danh hiệu lại càng khó hơn. Chính vì thế, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã vào cuộc tích cực với những cách làm mới, sáng tạo. Cùng với các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng trong phát hiện, giáo dục và giảm số vụ cũng như tính chất nghiêm trọng của bạo lực gia đình, các địa phương còn phát triển phong trào thể dục thể thao cơ sở gắn với xây dựng thôn, làng văn hóa. Nhờ đó, tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên đạt trên 31%. Qua hoạt động thể thao, mối quan hệ đoàn kết thôn, làng ngày càng được gắn bó.

Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần những cái lỗi thời, lạc hậu, hình thành những tập quán mới văn minh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật là kết quả rõ nét mà phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mang lại. 18 năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội tại các địa phương cơ bản đúng quy định. Ở nhiều nơi đã xuất hiện những mô hình xã hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức lễ tang cho nhân dân; mô hình tổ chức lễ tang do UBND xã đứng ra điều hành như: xã Thanh Tân (Kiến Xương), xã Bắc Sơn (Hưng Hà)... Hoạt động tại các lễ hội cũng diễn ra an toàn, lành mạnh, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu kiến trúc và tín ngưỡng của du khách trong và ngoài tỉnh.

Dấu ấn của phong trào không chỉ thể hiện qua tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, việc bảo lưu các giá trị văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ổn định, bền vững, phát huy trách nhiệm và tinh thần lao động, học tập của tập thể, cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, đơn vị. Gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần đưa Thái Bình trở thành 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng với GRDP năm 2018 ước tăng 10,58%. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Văn hóa khởi nguồn từ trong dân, do nhân dân sáng tạo và tác động trở lại phục vụ nhân dân. Chính vì thế, để xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc..., cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Hoàng Lanh